Cơ hội cuối cùng của Donald Trump
(Dân trí) - Hai ứng viên tổng thống Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc tranh luận được cho là "trận chiến" cuối cùng quyết định ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Với ứng viên Cộng hòa Donald Trump, đây có thể là cơ hội cuối cùng, là thời khắc sống còn.
Thời gian gần đây, ông Trump liên tục mất điểm do những cáo buộc liên quan đến quấy rối tình dục. Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng vào sáng nay theo giờ Việt Nam tại Đại học Las Vegas có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để tỷ phú New York cứu vãn chiến dịch tranh cử đang bết bát của mình bằng việc thuyết phục những cử tri còn do dự. Cuộc tranh luận dự kiến sẽ thu hút hàng chục triệu cử tri theo dõi qua truyền hình.
“Cuộc tranh luận này rất quan trọng nếu ông Trump muốn có bất cứ cơ hội nào gỡ gạc. Ông ấy sẽ phải nói về những vấn đề tích cực hơn, không nên bảo thủ, và nên bàn về vấn đề việc làm cho người lao động”, chiến lược gia Cộng hòa Charlie Black nhận định.
Quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Kellyanne Conway, thừa nhận rằng ông Trump bước vào cuộc tranh luận thứ 3 ở vị thế thua thiệt hơn so với đối thủ Dân chủ Clinton. “Đó là một sự trở lại, ông ấy đã từng làm điều này trước kia vài lần trong chiến dịch tranh cử. Bà Clinton đã không thể gạt ông ấy khỏi đường đua. Hẳn đó là vấn đề của bà ấy?”, Conway nói.
Đối với bà Clinton, người đang dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, cuộc tranh luận kéo dài 90 phút này là cơ hội để khẳng định tại sao bà là người phù hợp nhất để kế nhiệm Tổng thống Barack Obama giữa lúc dư luận vẫn còn nhiều tranh cãi.
“Tôi không thể hình dung những gì mà ông Trump có thể làm theo hướng tích cực hơn hay một sai lầm nào đó mà bà Clinton có thể mắc phải để thay đổi cuộc đua này”, chiến lược gia Dân chủ Steve Elmendorf nhận định.
Ngừng săm soi cá nhân
Ứng viên Dân chủ Hillary Clinton (trái) và ứng viên Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: Getty)
Cả hai ứng viên có lẽ sẽ tiếp tục công kích nhau về vấn đề nhân cách như họ từng làm trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, coi đó là “tử huyệt” của đối phương.
Với ông Trump, đó là tính khí thất thường, là những phát ngôn gây tranh cãi về vấn đề nhập cư, về chủng tộc. Trở ngại với ông Trump lớn dần sau khi đoạn video quay năm 2005 bị phát tán, tố cáo ông phát ngôn dâm ô khi nói về phụ nữ. Trong khi đó, ông chỉ phản kháng lại bằng việc cáo buộc cuộc bầu cử bị “sắp đặt”, một động thái mà cả giới chuyên gia và nghị sĩ Cộng hòa cảnh báo là “nguy hiểm”, không khác gì hành động tự sát đối với không chỉ đảng Cộng hòa mà với cả nền cộng hòa bởi nó khiến cử tri có cảm nghĩ rằng lá phiếu của họ không còn ý nghĩa.
Nghị sĩ Cộng hòa cho rằng, đã đến lúc ông Trump nên ngừng “tự bắn vào chân mình”, thay vì công kích cá nhân, ông ấy nên nắm lấy cơ hội thể hiện phong thái của một tổng thống. “Trump cần tạo ra một cuộc tranh luận ấn tượng, nên ngừng việc công kích cá nhân, thể hiện giống như một tổng tư lệnh đất nước”, chuyên gia Scott Reed nhận định.
Trong khi đó, bà Clinton phải đối mặt với dư luận về việc thiếu minh bạch, mà cụ thể là bê bối sử dụng email cá nhân cho mục đích công vụ khi còn đương chức Ngoại trưởng trong thời gian từ năm 2009 đến 2013. “Bà ấy cần phải trả lời một cách thuyết phục các câu hỏi liên quan đến bê bối email. Bà ấy cần phải làm tốt hơn ở lần này”, chiến lược gia Dân chủ Bud Jackson nói.
Cuộc tranh luận thứ 3 và cũng là cuối cùng giữa 2 ứng viên tổng thống sẽ diễn ra vào 9 giờ tối ngày 19/10 theo giờ địa phương (8h sáng ngày 20/10 theo giờ Việt Nam), tại Đại học Nevada ở Las Vegas. Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút và chia thành 6 chủ đề tranh luận khác nhau gồm kinh tế, di cư, Tòa án Tối cao, nợ và những chuẩn mực pháp luật, những điểm nóng ngoài nước Mỹ và tiêu chuẩn của một tổng thống Mỹ. Chris Wallace, người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh truyền hình Fox News, sẽ đảm nhiệm vai trò điều hành cuộc tranh luận.
Minh Phương
Tổng hợp