Ukriane ra mắt nội các tạm quyền ngay tại trại biểu tình
(Dân trí) - Đêm qua theo giờ Việt Nam, nội các tạm quyền Ukraine đã chính thức ra mắt tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, trung tâm của làn sóng biểu tình 3 tháng qua. Trong khi đó, ẩu đả đả xảy ra giữa những người biểu tình hai phe tại bán đảo Crimea.
Nội các lâm thời của Ukraine được thành lập theo đề cử của Hội đồng Euromaidan (gồm các thủ lĩnh biểu tình). Theo đó, vị trí cao nhất đã được trao cho thủ lĩnh biểu tình thân Liên minh châu Âu (EU) Arseniy Yatsenyuk.
“Ông Arseniy Yatsenyuk đã được đề cử làm người đứng đầu chính phủ tạm quyền của Ukraine cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành vào ngày 25/5”, một thành viên của Euromaidan công bố trước đám đông gồm hàng chục nghìn người tập trung tại quảng trường Độc lập.
Trong danh sách nội các lâm thời, vị trí Bộ trưởng Ngoại giao được trao cho ông Andriy Deshchytsya. Ông Oleksander Shlapak đứng đầu Bộ Tài chính, trong khi ông Andriy Parubiy phụ trách Hội đồng an ninh và quốc phòng.
Tuy nhiên, danh sách đề cử này còn phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội.
Trong tuyên bố sau khi chính phủ lâm thời ra mắt, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov cho biết chính phủ lâm thời sẽ phải đưa ra các quyết định “không được lòng dân” để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, xây dựng lòng tin của các chủ đầu tư và các chủ nợ, báo hiệu những khó khăn lớn đang chờ đợi các nhà lãnh đạo lâm thời của Ukraine đúng theo dự báo của các chuyên gia.
Trong khi phe đối lập hân hoan với các niềm vui chiến thắng ở Kiev sau khi lật đổ được Tổng thống thân Nga Yanukovych thì tại bán đảo Crimea, biểu tình đã bùng phát dữ dội giữa hai phe ủng hộ Nga và châu Âu.
Xô xát đã bùng phát giữa hai nhóm biểu tình trong sân của tòa nhà chính quyền khu vực ở Simferopol, thủ phủ hành chính của Crimea, làm ít nhất một người bị thương.
Các nguồn tin tại chỗ cho biết chỉ có một hàng rào cảnh sát ngăn cách những người biểu tình của hai phe.
Các cuộc tuần hành dẫn tới xung đột diễn ra trước khi cơ quan lập pháp Crimea tiến hành phiên họp bàn về quy chế của Crimea sau khi chính quyền Tổng thống thân Nga Yanukovych bị lật đổ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Konstantinov nói rằng sẽ không có chuyện thảo luận về vấn đề ly khai của Crimea, khu vực đang được hưởng quyền tự trị trong lãnh thổ Ukraine.
Crimea được chuyển từ Nga sang cho Ukraine hồi năm 1954. Đây là nơi tập trung đông người nói tiếng Nga, có quan điểm thân Nga và chỉ có một nhóm nhỏ người Tatar ủng hộ hội nhập với phương Tây. Ngoài ra, đây cũng là nơi đặt căn cứ hạm đội Hắc hải của Hải quân Nga.
Sự thay đổi chính quyền tại Kiev khiến người ta đặt câu hỏi về tương lai của các căn cứ hải quân của Nga tại thành phố cảng Sevastopol với hợp đồng thuê đã được ông Yanukovych gia hạn tới năm 2042. Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng giới lãnh đạo mới của Ukraine sẽ không yêu cầu Nga rút các chiến hạm bởi điều này sẽ càng đe dọa tình trạng bất ổn của Ukraine, cũng như quan hệ mong manh của chính phủ tạm quyền hiện nay với quốc gia láng giềng lớn ở phía Đông.