DNews

Ukraine xoay chuyển chiến lược, lách khe cửa hẹp chặn đà tiến của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine đã tìm cách tự lực cánh sinh và triển khai chiến lược mới để đẩy lùi Nga trong bối cảnh viện trợ quân sự của phương Tây ngày càng cạn kiệt.

Ukraine xoay chuyển chiến lược, lách khe cửa hẹp chặn đà tiến của Nga

Khi cuộc xung đột với Nga bước sang năm thứ 3, Ukraine đứng trước một tình thế khó khăn. Nguồn hỗ trợ từ bên ngoài ngày càng suy giảm, đe dọa tương lai của Kiev trong nỗ lực đối phó với Moscow.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thể thuyết phục Quốc hội thông qua một gói viện trợ mới cho Ukraine do sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Trong khi đó, châu Âu cũng đang vật lộn với những khó khăn của khối này.

Đức, mặc dù đã tăng cường viện trợ quân sự, nhưng vẫn không cung cấp tên lửa Taurus thiết yếu cho Ukraine. Sự hỗ trợ liên tục của Anh cũng bị phủ bóng bởi những bất ổn xung quanh cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Tuy nhiên, ngay cả khi sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine ở mức tối đa - một kịch bản khác xa với thực tế hiện tại - thì sự hỗ trợ đó vẫn không đủ so với hỏa lực và nguồn lực của Nga. Chẳng hạn, kế hoạch gần đây của Pháp cung cấp 3.000 quả đạn pháo 155mm hàng tháng cho Ukraine vẫn quá ít so với 20.000 quả đạn pháo Nga bắn ra mỗi ngày.

Trong khi sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây cho quân đội Ukraine ngày càng suy giảm, Nga vẫn tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công. Đồng thời, Moscow vẫn đối phó hiệu quả với các lệnh trừng phạt và tăng doanh số bán dầu.

Robert Gates, cựu giám đốc CIA và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định quân đội Nga đã phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến ở Ukraine, sau nỗ lực thành công của Moscow nhằm giành được thành trì Avdiivka ở miền Đông. Việc rút quân khỏi Avdiivka được xem là bước lùi tiếp theo của Ukraine trên chiến trường sau cuộc phản công thất bại từ mùa hè năm ngoái.

"Tất cả những gì tôi đang đọc là người Nga đang tấn công dọc theo mặt trận dài 1.000km. Họ ngày càng có nhiều nguồn cung vũ khí hơn. Tôi đã đọc được rằng cứ mỗi quả đạn pháo do lực lượng Ukraine bắn ra, thì người Nga bắn tới 10 quả", ông Gates nói với Washington Post.

Mặc dù chiến tuyến phần lớn bị đình trệ trong 14 tháng qua, Nga hiện vẫn kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea được sáp nhập vào năm 2014.

Trong bối cảnh phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn cung quân sự quan trọng, như đạn pháo và đạn phòng không, bao gồm Stingers và thậm chí cả tên lửa Patriot, Ukraine buộc phải rơi vào thế phòng thủ.

Sự suy yếu của các hệ thống phòng không khiến Ukraine dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công trên không và làm tăng thương vong cho dân thường.

Bất chấp những thách thức trên, Ukraine vẫn không bỏ cuộc. Thay vào đó, Kiev đã tìm cách tự lực cánh sinh, một hành trình được đánh dấu bằng sự bền bỉ và đổi mới chiến lược khi đối mặt với nghịch cảnh.

Tự lực cánh sinh

Ukraine xoay chuyển chiến lược, lách khe cửa hẹp chặn đà tiến của Nga - 1

Quân nhân Ukraine thuộc Tiểu đoàn máy bay không người lái tấn công "Achilles" thuộc Lữ đoàn xung kích độc lập số 92 của Lực lượng vũ trang Ukraine thực hành với máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) tại Donetsk (Ảnh: Reuters).

Ngành quốc phòng Ukraine đang chuyển từ mua sắm khẩn cấp sang tăng cường tự sản xuất vũ khí và hình thành quan hệ đối tác chiến lược với các công ty quốc phòng nước ngoài. Sự thay đổi này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine về lâu dài.

Cách tiếp cận mới của Ukraine trong việc sử dụng máy bay không người lái (UAV), đặc biệt là máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), thể hiện sự tập trung của Kiev vào khả năng tự lực cánh sinh.

Hiệu quả của các thiết bị giá rẻ như UAV được củng cố bởi tính linh hoạt và độ chính xác của chúng. Các máy bay không người lái, với khả năng vô hiệu hóa lực lượng bộ binh đối phương trong chiến hào và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao như xe bọc thép, đã thay đổi cục diện chiến sự.

Ví dụ, một báo cáo về tổn thất trang thiết bị của Nga thống kê rằng từ ngày 17/9 đến ngày 17/10/2023, máy bay không người lái FPV đã tham gia vào khoảng 35% chiến dịch của Ukraine nhằm loại bỏ các mục tiêu của đối phương.

Trong giai đoạn này, Ukraine ghi nhận 388 trường hợp thiết bị của Nga bị phá hủy, trong đó máy bay không người lái FPV phá hủy 146 thiết bị. Các cuộc tấn công đã phá hủy 140 triệu USD trang thiết bị, bao gồm hệ thống phòng không Tor trị giá 25 triệu USD.

Bởi vì chúng đã trở thành một thành phần quan trọng trong chiến lược quân sự của Ukraine, nên Ukraine đã mở rộng sản xuất máy bay không người lái FPV trên quy mô toàn quốc. Các công ty không chỉ mở rộng dây chuyền sản xuất, mà còn có những lời kêu gọi và khóa học mở cho người dân bình thường để tham gia nỗ lực lắp ráp.

Do đó, Ukraine đặt mục tiêu sản xuất ít nhất một triệu máy bay không người lái FPV vào năm 2024.

Việc mở rộng quy mô sản xuất cũng giúp giảm giá thành của mỗi máy bay không người lái từ 400 USD xuống còn 350 USD. Để so sánh, máy bay không người lái tự sát của Mỹ, Switchblade 300, có thể có giá cao hơn gấp 12 lần, và Switchblade 600, có thể đắt hơn 200 lần so với máy bay không người lái FPV do Ukraine sản xuất.

Kiev đã chứng kiến sự bùng nổ trong sản xuất và đổi mới máy bay không người lái, đồng thời đang phát triển các máy bay không người lái tầm xa, tiên tiến. Bộ trưởng Kỹ thuật số Mykhailo Fedorov xác nhận, chỉ riêng về phía Ukraine, hơn 300.000 máy bay không người lái đã được các nhà sản xuất đặt hàng vào năm ngoái và hơn 100.000 chiếc đã được gửi ra mặt trận.

Ukraine xoay chuyển chiến lược, lách khe cửa hẹp chặn đà tiến của Nga - 2

Một quân nhân Ukraine thuộc lữ đoàn 47 điều khiển máy bay không người lái từ vị trí ở tiền tuyến gần thành phố Avdiivka (Ảnh: Reuters).

Khả năng tự cung tự cấp của Ukraine còn mở rộng sang sản xuất vũ khí hạng nặng, trong đó pháo tự hành 2S22 Bohdana là một ví dụ điển hình. Ít nhất 30 chiếc Bohdana đã được sản xuất trong cuộc xung đột. Cho đến nay vẫn chưa có chiếc nào bị mất, chỉ có một số chiếc bị hư hỏng và đang được sửa chữa.

Tổng cộng, 25 doanh nghiệp và khoảng 400 chuyên gia đã tham gia sản xuất Bohdana. Họ được phân bổ để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công của đối phương.

Việc mở rộng quy mô sản xuất loại pháo này rất quan trọng vì các đồng minh của Ukraine không thể cung cấp đủ đạn pháo 155mm để đáp ứng nhu cầu của Kiev. Việc sản xuất nội địa cũng giúp giảm đáng kể chi phí của một đơn vị pháo, hiện ở mức khoảng 2,5 triệu USD.

Ukraine cũng đang tìm cách thiết lập nhiều chương trình hợp tác quốc phòng khác nhau với các đồng minh. Một ví dụ là sự hợp tác với Flensburger Fahrzeugbau Gesellschaft của Đức, công ty sẽ thành lập một trung tâm sửa chữa ở phía tây Ukraine, nhằm tăng cường đáng kể hiệu quả bảo trì các khí tài như xe tăng Leopard đồng thời cung cấp đào tạo tại chỗ cho thợ cơ khí của Ukraine.

Một nhà sản xuất vũ khí khác của Đức, Rheinmetall, đã thành lập xưởng sửa chữa xe tăng ở Ukraine và gần đây đã công bố kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất đạn 155mm trong nỗ lực liên doanh với đối tác Ukraine.

"Sẽ sản xuất hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155mm/mỗi năm, bao gồm cả ngòi nổ mồi", Rheinmetall thông báo.

Ukraine cũng đã ký kết thỏa thuận với Cơ quan Hợp tác Quốc phòng Liên Chính phủ Séc về việc thành lập cụm sản xuất vũ khí và với BAE Systems của Thụy Điển để cùng sản xuất xe chiến đấu bộ binh CV-90.

Động lực hướng tới việc tự lực cánh sinh không chỉ là cách phản ứng của Ukraine với cuộc xung đột đang diễn ra, mà còn là một tầm nhìn chiến lược. Ukraine đặt mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh có thể giảm sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, giúp giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện tại và phát triển khả năng răn đe quân sự mạnh mẽ trước các mối đe dọa trong tương lai.

Cuối cùng, Ukraine cũng đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí quan trọng, tận dụng lĩnh vực quốc phòng của mình để đạt được lợi ích kinh tế và địa chính trị.

Chiến lược 3 giai đoạn

Ukraine xoay chuyển chiến lược, lách khe cửa hẹp chặn đà tiến của Nga - 3

Một quân nhân thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 59 của Lực lượng vũ trang Ukraine chuẩn bị khai hỏa hệ thống pháo phóng loạt BM-21 Grad về phía quân đội Nga gần tiền tuyến Donetsk (Ảnh: Reuters).

Việc Ukraine theo đuổi chiến lược tự lực cánh sinh cũng là một trong những cách có thể giúp nước này đối phó với lực lượng Nga áp đảo hơn cả về nhân lực và khí tài, đặc biệt trong bối cảnh nguồn viện trợ từ phương Tây cạn dần.

Các chuyên gia quân sư cho rằng Ukraine vẫn có thể giành chiến thắng trước Nga nếu Kiev ưu tiên phòng thủ, xây dựng lại năng lực chiến đấu và tấn công vào khu vực đối phương dễ bị tổn thương nhất.

"Nếu có một tầm nhìn cho Ukraine trong năm nay, tôi cho rằng Ukraine cần có chiến lược để đạt được thành công, đó là cách tiếp cận được xây dựng trên nguyên tắc giữ vững, xây dựng và tấn công", Michael Kofman, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định.

Theo chuyên gia Kofman, trong giai đoạn "giữ vững" phòng tuyến, Ukraine cần củng cố và bảo vệ phòng tuyến đủ để khiến lực lượng Nga kiệt sức. Chuyên gia Kofman cho rằng, nếu Ukraine liên tục giữ phòng tuyến ngăn Nga tiến công, điều này sẽ khiến Nga rơi vào thế yếu khi bị tiêu hao lực lượng và hứng chịu thiệt hại.

Trong khi giữ vững phòng tuyến, Ukraine có thể "xây dựng" lại lực lượng của mình thông qua việc tái thiết, huấn luyện và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác phương Tây.

Yếu tố "tấn công" sẽ đánh vào những điểm yếu của Nga để làm suy giảm năng lực và tạo cơ hội cho Ukraine tiến hành các hoạt động tấn công sau này.

Trong một bài viết cùng với hai chuyên gia khác trên trang War on the Rocks, Kofman cho rằng chiến lược này có thể giúp Ukraine "giành được lợi thế cần thiết" và đạt được mục tiêu đối phó Nga vào năm 2025, nhưng điều này còn "phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ bền vững của phương Tây cũng như những lựa chọn được đưa ra ngay từ bây giờ".

Ukraine đã tuyên bố thực hiện nhiều cuộc tấn công thành công vào hạm đội của Nga ở Biển Đen bằng cách sử dụng máy bay không người lái, đặc biệt là các xuồng không người lái mang theo chất nổ. Ukraine tuyên bố các cuộc tấn công khiến Hạm đội Biển Đen của Nga bị mất 1/3 tàu chiến.

"Trong trường hợp khả quan nhất, Ukraine có thể giành lại thế chủ động vào năm tới. Còn trong trường hợp xấu nhất, Ukraine vẫn có thể cầm cự một cách hiệu quả và khiến Nga đi chệch hướng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu xung đột trong năm 2025 hoặc 2026", chuyên gia Kofman nói thêm.

Ukraine xoay chuyển chiến lược, lách khe cửa hẹp chặn đà tiến của Nga - 4

Cảnh đổ nát ở thành phố Avdiivka sau các trận giao tranh khốc liệt (Ảnh: New York Times).

Emma Ashford, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Henry L. Stimson, cho rằng Ukraine đang thiếu năng lực thực hiện các cuộc tấn công và Kiev cần chú trọng xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc để ngăn Nga giành thêm các vùng lãnh thổ mới.

"Chúng ta không thể giúp Ukraine lấy lại toàn bộ lãnh thổ của họ, nhưng chúng ta có thể giúp Ukraine ngăn Nga đạt được những bước tiến tiếp theo. Chúng ta ủng hộ việc tăng cường các công sự cố định, đào sâu phòng tuyến của Ukraine, sử dụng mìn sát thương, mìn chống tăng. Đây là những điều mà Nga đã làm trong năm qua nhằm giúp họ phòng thủ khá hiệu quả", chuyên gia Ashford nhận định.

Bà Ashford nói thêm rằng, việc Ukraine tập trung vào phòng vệ có thể mang lại lợi ích chính trị cho các đối tác phương Tây, khi châu Âu có thể duy trì hỗ trợ Kiev trong bối cảnh nguồn viện trợ của Mỹ đang rơi vào thế bế tắc.

"Cách tiếp cận này ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn, giúp giải quyết các vấn đề về nhân lực vì phòng thủ đòi hỏi ít nhân lực hơn tấn công", chuyên gia cho biết thêm.

Theo bà Ashford, mặc dù sự hỗ trợ của Mỹ rất quan trọng trong việc cung cấp một số loại đạn dược và vật tư chủ chốt, nhưng việc Ukraine ưu tiên phòng vệ không nhất thiết đòi hỏi hàng tỷ USD viện trợ mà quốc hội Mỹ đang tranh luận.

Chuyên gia Kofman cho rằng, thành công của Ukraine không nhất thiết là giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát, mà là tạo ra đòn bẩy đủ mạnh để Kiev có thể đàm phán một thỏa thuận hòa bình lâu dài với Nga với các điều kiện có lợi cho mình.

"Mục tiêu hiện tại không phải là để Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình. Tôi hiểu đây là mong muốn của Ukraine, nhưng tôi nghĩ đó không phải là điều dẫn đến chiến thắng. Ukraine cần được đặt vào vị thế để họ có thể đạt được đòn bẩy quyết định, từ đó đàm phán với Nga về việc chấm dứt xung đột và đạt được một nền hòa bình lâu dài", ông Kofman cho biết.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia quân sự nào cũng nhìn thấy con đường dẫn đến chiến thắng cho Ukraine, ít nhất là không thông qua các hành động trên chiến trường. Chuyên gia Daniel Davis tại tổ chức Defense Priorities cho rằng Kiev khó có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga bằng biện pháp quân sự.

Theo chuyên gia Davis, Ukraine cần nỗ lực đàm phán với Nga càng sớm càng tốt để chấm dứt chiến tranh. Thông qua đàm phán, Ukraine có thể tận dụng thời gian để xây dựng lại năng lực công nghiệp và an ninh quốc gia.

"Ukraine không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này vào bất kỳ thời điểm nào bằng biện pháp quân sự. Cho dù họ có nhận được 60 tỷ USD từ Mỹ hay không, ngay cả khi họ nhận được nguồn tài trợ bền vững trong thời gian dài thì điều đó cũng không phải yếu tố quan trọng, bởi vì những nền tảng cơ bản để xây dựng sức mạnh chiến đấu và sức mạnh quân sự đang nghiêng về phía Nga", chuyên gia quốc phòng nhận định.

Lực lượng Ukraine đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược và các nguồn cung quan trọng khác, khiến khả năng phòng thủ của họ trở nên căng thẳng.

"Tình hình vô cùng khó khăn ở một số khu vực trên tiền tuyến, nơi quân đội Nga tập trung tối đa lực lượng dự bị", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói sau chuyến thăm các binh sĩ trên tiền tuyến tại Kharkov hôm 19/2.

Tổng thống Zelensky thừa nhận quân đội Nga đang lợi dụng tình trạng chậm trễ trong việc viện trợ cho Ukraine, trong khi quân đội Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo, hệ thống phòng không và cần thêm vũ khí tầm xa.

Trong khi đó, Nga đã thể hiện năng lực lớn hơn, và khi lực lượng Nga giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka ở Donetsk gần đây, lực lượng không quân của Moscow có thể hỗ trợ tầm gần cho lực lượng bộ binh đang tiến công.

Điều này rõ ràng cho thấy ưu thế trên không của Nga ở một mức độ nhất định. Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu Nga tiếp tục duy trì đà tiến này, họ có thể gây thiệt hại nặng nề cho Ukraine.

Mặc dù vậy, hiện tại, lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu và Nga vẫn hứng chịu tổn thất. Tương lai của cuộc chiến cho đến nay vẫn chưa chắc chắn.

Theo Aljazeera, Business Insider, Newsweek

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine