1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine tuyên bố Nga không còn an toàn ở Biển Đen

An Hoàng

(Dân trí) - Biển Đen dường như không còn an toàn đối với Hạm đội Biển Đen của Nga sau loạt vụ tấn công gần đây của Ukraine.

Ukraine tuyên bố Nga không còn an toàn ở Biển Đen - 1

Ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ trụ sở Hạm đội Biển Đen Nga sau khi bị tập kích hôm 22/9 (Ảnh: Reuters).

Gần đây, Ukraine liên tục tập kích nhằm vào hải quân Nga tại khu vực Biển Đen. Ngày 13/9, tên lửa hành trình của Ukraine đã phá hủy một tàu đổ bộ và một tàu ngầm tấn công ở Sevastopol. Vài ngày sau, một cuộc tấn công khác nhằm vào trung tâm chỉ huy hạm đội .

Các cuộc tấn công quy mô lớn như vậy diễn ra gần như hàng ngày, chủ yếu sử dụng máy bay không người lái (UAV), tên lửa và biệt kích. Các cuộc đột kích của Ukraine đã phá hủy các hệ thống radar, khẩu đội phòng không và các hệ thống tên lửa quan trọng của Nga.

Người phát ngôn Bộ tư lệnh Tác chiến miền Nam của Ukraine Natalia Humeniuk ngày 23/9 nhận định tình hình Biển Đen vẫn căng thẳng và Ukraine "còn chặng đường dài phía trước để phá hủy toàn bộ năng lực" của Nga tại bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh: "Nga nhận ra họ không còn an toàn tại Biển Đen và các căn cứ của mình". Bà cũng cảnh báo "giai đoạn bùng nổ sẽ tiếp tục và có thêm những điều thú vị và thông tin trong tương lai".

Các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraine vào Hạm đội Biển Đen Nga cho thấy chiến lược của Kiev nhằm cô lập vùng biển ngoài khơi Crimea và "phi quân sự hóa" hạm đội của Moscow.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng kiêm cố vấn Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nói: "Mục tiêu của Nga về cơ bản là bóp nghẹt Ukraine về mặt kinh tế. Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là vô hiệu hóa Hạm đội Biển Đen, chấm dứt sự kiểm soát của Nga ở vùng biển và khôi phục tự do hàng hải. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác và sẽ theo đuổi mục tiêu đó cho đến khi hoàn thành".

Ukraine tuyên bố Nga không còn an toàn ở Biển Đen - 2

Tàu ngầm Rostov-on-Don đi qua eo biển Bosporus để tới Biển Đen hồi tháng 2/2022 (Ảnh: Getty).

Nga có những tính toán riêng khi nỗ lực kiểm soát Biển Đen. Việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và phong tỏa Biển Azov đều giúp Nga hạn chế tối đa khả năng tiếp cận của hải quân Ukraine và bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu hàng hải của nước này.

Tuy nhiên, theo nguồn phân tích quốc phòng Oryx của Hà Lan, kế hoạch của hải quân Nga gần 2 năm qua đang bế tắc. Tại khu vực Biển Đen, đã có 16 tàu chiến của Nga bị hư hại hoặc phá hủy mặc dù áp đảo về sức mạnh hải quân và không quân.

Mỗi tổn thất đều đặt ra một thách thức dài hạn mới đối với ngành đóng tàu của Nga, vốn đang bị hạn chế bởi căng thẳng kinh tế, các lệnh trừng phạt quốc tế và vẫn trong tình trạng phụ thuộc nhiều vào các nhà máy đóng tàu của Ukraine. Việc thay thế các tàu bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng sẽ mất nhiều năm.

Theo ông Zagorodnyuk, tuần dương hạm Moskva là tàu tốt nhất của Nga nhưng đã bị tên lửa chống hạm Ukraine đánh chìm hồi tháng 4/2022.

"Chúng tôi sẽ tấn công các tàu Nga cho đến khi tất cả chúng chung số phận với tuần dương hạm Moskva", ông nói.

Kiev tiếp tục hối thúc phương Tây viện trợ các vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu F-16, hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa MGM-140. Quân đội Ukraine tham vọng đặt toàn bộ Crimea trong tầm ngắm.

Tuy nhiên, về lâu dài, Ukraine cần nhiều hơn ngoài máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm và máy bay không người lái của hải quân để bảo vệ Biển Đen. Để có thể thiết lập quyền kiểm soát lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, Ukraine còn cần đến một hạm đội.

Theo Newsweek