Ukraine thay bộ trưởng quốc phòng trước trận đánh lớn
(Dân trí) - Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov sẽ thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, trong bối cảnh Ukraine dự đoán Nga sẽ mở đợt tấn công mới trong tháng 2 này.
Reuters dẫn thông tin từ ông David Arakhamia, lãnh đạo đảng Người phục vụ nhân dân (SP) của Ukraine, ngày 5/2 cho hay sắp có sự thay đổi về nhân sự ở Bộ Quốc phòng nước này.
"Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov sẽ được điều chuyển sang vị trí bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược nhằm tăng cường hợp tác giữa quân đội và ngành công nghiệp. Thiếu tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội, sẽ kế nhiệm ông Reznikov", ông Arakhamia viết trên Telegram.
Ông cũng lưu ý thêm rằng, chính sách thay đổi nhân sự thời chiến là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, ông Arakhamia không nói rõ liệu khi nào chính thức có sự thay đổi nhân sự này.
Trước đó, trong một cuộc họp báo khi được hỏi về nghi vấn sắp thôi chức tại Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Reznikov nói, mọi quyết định phụ thuộc vào Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ông Reznikov, 56 tuổi, trở thành lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraine từ tháng 11/2021, vài tháng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong suốt gần một năm chiến sự, ông đã thúc đẩy mối quan hệ với các quan chức quốc phòng phương Tây và giúp giám sát việc nhận hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự, bao gồm các bệ phóng tên lửa và xe tăng.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông nỗ lực kêu gọi phương Tây kết nạp Ukraine vào NATO và kịch liệt lên án các hoạt động tham nhũng.
Tuy nhiên, theo Guardian, ông Reznikov đứng trước nhiều sức ép gần đây sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Bộ Quốc phòng Ukraine chi ngân sách mua lương thực tiếp tế cho binh sĩ ngoài tiền tuyến cao gấp 2-3 lần mức giá bán tại siêu thị. Tin tức trên được cho là đã buộc Thứ trưởng Quốc phòng Vyacheslav Shapovalov và Vụ phó Vụ mua sắm quốc phòng từ chức. Hai người này bị cáo buộc tham nhũng và cản trở các hoạt động của quân đội Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Zelensky đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng mới để chứng minh Ukraine đủ tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cũng như nhận viện trợ từ phương Tây.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Ukraine dự đoán Nga đang chuẩn bị cho một đợt tấn công mới quy mô lớn trong tháng 2 này, đánh dấu tròn một năm mở chiến dịch quân sự. Theo ông Reznikov, Moscow sẽ tấn công theo 2 hướng ưu tiên, tìm cách phá vỡ phòng thủ của Ukraine ở miền Đông và miền Nam nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass và duy trì hành lang trên bộ đến bán đảo Crimea.
Ông Reznikov dự đoán, vũ khí hiện đại mà phương Tây mới cam kết viện trợ có thể sẽ không kịp chuyển đến chiến trường, nhưng Ukraine vẫn có khả năng cầm cự, đối phó với đợt tấn công mới của Nga. Ông cho biết, mặc dù Nga tăng cường gây sức ép lên thành phố chiến lược Bakhmut ở miền Đông, nhưng đây vẫn là thành trì của Ukraine.
Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine
Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.
Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.
Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.
Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.
Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.
Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.
Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.
Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.
Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.
Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.
Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.
Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.