1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine quyết định “buông” Crimea

(Dân trí) - Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố sẽ không can thiệp vào Cộng hòa tự trị Crimea vì số phận của bán đảo này đã được quyết định tại Mátxcơva và rằng Kiev không muốn bị tiếp tục “hở sườn” ở phía Đông.

Ukraine quyết định “buông” Crimea
Trước quyết tâm của Crimea và sự cứng rắn của Nga, Ukraine đã phải quyết định buông tay do không muốn bị mất thêm lãnh thổ ở phía Đông.

Ông Turchynov đưa ra tuyên bố trên chỉ vài giờ sau khi các nghị sĩ Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc độc lập hoàn toàn khỏi Ukraine để chuẩn bị cho việc sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ nhật tới.

"Cái mà họ gọi là trưng cầu dân ý sẽ không diễn ra tại Crimea mà tại các văn phòng của Điện Kremlin", Tổng thống tạm quyền của Ukraine tuyên bố trong bài phỏng vấn độc quyền dành cho hãng tin AFP của Pháp.

Theo ông Turchynov, mọi sự can thiệp vào Crimea giờ đây đã trở nên vô nghĩa, dù rằng cuộc trưng cầu dân ý là hoàn toàn giả tạo do mọi kết quả đã được ấn định ở Mátxcơva.

“Ukraine sẽ không cố gắng thực thi các hành động quân sự nhằm ngăn cản việc ly khai của bán đảo Crimea, qua đó tránh đẩy khu vực phía Đông rơi vào tình thế nguy hiểm”, nhà lãnh đạo thân phương Tây nói.

Lý do giải thích của ông là “chúng ta không thể phát động chiến dịch quân sự tại Crimea vì sẽ làm "hở sườn" biên giới phía Đông và Ukraine sẽ không được bảo vệ”.

Bán đảo Crimea nằm ở cực Nam Ukraine, tiếp giáp với nhiều khu vực ở phía Đông có đông người gốc Nga hoặc thân Nga sinh sống. Theo kế hoạch, bán đảo này sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine vào ngày 16/3, động thái có thể khiến nhiều khu vực thân Nga ở miền Đông Ukraine cũng muốn tiếp bước.

Trước nguy cơ có thể bị mất Crimea về tay Nga, chính quyền lâm thời ở Kiev và phương Tây đã liên tiếp đưa ra các động thái cứng rắn, bao gồm các biện pháp trừng phạt Mátxcơva, song vẫn không lay chuyển được tình hình.

Cho tới nay, phía Nga vẫn bác bỏ mọi cuộc đối thoại với đối tác Ukraine, vốn là các thủ lĩnh nổi dậy lên nắm quyền sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych hôm 22/2. Điện Kremlin không công nhận tính hợp hiến của chính phủ tạm quyền Ukaine.

“Họ từ chối mọi tiếp xúc ở cấp bộ ngoại giao và cấp chính phủ cao nhất”, quyền Tổng thống Ukraine xác nhận.

Theo kế hoạch, để gỡ rối tình hình, các cường quốc phương Tây đang tìm cách đẩy nhanh thành lập nhóm liên lạc nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thực sự có thể nổ ra.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết không ràng buộc kêu gọi Tổng thống Barack Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt với Nga. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chuẩn bị xong phương án của mình với dự kiến sẽ bắt đầu áp đặt trừng phạt từ ngày 17/3, chỉ một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.

Giới chuyên gia cho rằng kịch bản Crimea tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga là khó tránh khỏi và biện pháp duy nhất mà phương Tây có thể áp đặt chống Mátxcơva chỉ là các biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự.

Vũ Anh
Tổng hợp