1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine nhích 100m mỗi ngày trước "bức tường thép" của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - NATO nhận định, sau hơn 3 tháng phản công, Ukraine đang duy trì đà tiến chậm hơn kỳ vọng ban đầu, vào khoảng 100m mỗi ngày.

Ukraine nhích 100m mỗi ngày trước bức tường thép của Nga - 1

Binh sĩ Ukraine bắn súng cối về phía các vị trí của Nga ở tiền tuyến gần Bakhmut, vùng Donetsk (Ảnh: AFP).

Phát biểu tại cuộc họp ở Nghị viện châu Âu hôm 7/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, Ukraine đang trong một cuộc chiến khốc liệt đối phó với hàng phòng thủ đáng gờm và được chuẩn bị kỹ lưỡng của Nga.

Theo ông, dù thành quả của Ukraine vẫn hạn chế, nhưng phía Kiev vẫn đang tiến lên phía trước.

"Người Ukraine quyết định phát động cuộc tấn công vì họ sẽ giành lại đất đai. Và họ đang đạt được đà tiến. Có lẽ không nhiều như chúng tôi mong đợi, nhưng họ đang dần tiến lên khoảng 100m mỗi ngày", ông Stoltenberg cho biết.

Theo Business Insider, kể từ khi cuộc phản công vào đầu tháng 6, Ukraine đã phải đối mặt với làn sóng hoài nghi, bao gồm cả từ phương Tây, rằng lực lượng của Kiev có đà tiến không đủ nhanh.

Nga đã có nhiều tháng để thiết lập các vị trí phòng thủ, điều mà Ukraine cho rằng là kết quả của việc Kiev phải chờ vũ khí từ phương Tây trước khi bắt đầu phản công. Moscow cũng đã xây dựng một hệ thống phòng thủ như "bức tường thép" được gọi là "Phòng tuyến Surovikin".

Đây là một loạt các chướng ngại vật và công sự kết nối và đan xen trên lãnh thổ do Nga kiểm soát. Việc xây dựng bắt đầu dưới sự giám sát của Tướng Nga Sergey Surovikin, tổng chỉ huy chiến trường của Moscow vào mùa thu năm ngoái, để đáp trả cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine ở Kharkov.

Phần chính của phòng tuyến bao gồm 3 lớp chướng ngại vật và vị trí chiến đấu và được bảo vệ ở phía trước bởi các bãi mìn. Sau các bãi mìn là lớp đầu tiên của phòng tuyến - hệ thống hào nhằm ngăn chặn xe tăng và thiết giáp hạng nặng tiến về phía trước.

Tiếp theo là phòng tuyến răng rồng làm bằng bê tông được thiết kế để ngăn chặn các phương tiện đối phương. Và xa hơn nữa là những chiến hào với các binh sĩ Nga trong vị trí chiến đấu.

Để đạt được đà tiến, Ukraine phải xuyên qua các pháo đài kiên cố của Nga, một nhiệm vụ phức tạp và gây thiệt hại lớn về cả vũ khí lẫn nhân lực. Điều này lý giải vì sao Ukraine khó tiến nhanh khi phản công.

Tuy nhiên, Ukraine bắt đầu đạt được đà tiến ở một số khu vực tại Zaporizhia, hướng mục tiêu tới việc mở đường ra biển Azov và cắt đứt hành lang trên bộ của Moscow nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.

Tuy đã xuyên qua được lớp đầu tiên trong phòng tuyến của Nga, nhưng giới chuyên gia nhận định, lỗ hổng này chưa đủ lớn để Ukraine có thể dồn lực lượng thiết giáp hạng nặng qua vùng Moscow kiểm soát.

"Chưa có ai từng nói việc phản công sẽ dễ dàng. Nhiều ý kiến dự đoán rằng nó sẽ khó khăn, thách thức và đổ máu", ông Stoltenberg phát biểu hôm 7/9.

Các quan chức quân sự Ukraine cho rằng tuyến phòng thủ tiếp theo của Nga có thể dễ xâm nhập hơn, khi Moscow đang cố gắng duy trì đủ nhân lực để bảo vệ tất cả các khu vực trên tiền tuyến, dẫn tới kéo căng lực lượng.

Theo phía Ukraine, Nga cũng đã phải huy động quân dự bị tinh nhuệ tới một số khu vực, diễn biến ảnh hưởng tới lực lượng quân sự mà Moscow có thể cần tới sau này.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine