1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine lo lắng khi MiG-31K Nga cất cánh: Mối đe dọa có thật

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Ngay khi máy bay MiG-31 mang tên lửa Kinzhal (Dagger - Dao găm) của Nga cất cánh, còi báo động đã vang lên khắp lãnh thổ Ukraine.

Ukraine lo lắng khi MiG-31K Nga cất cánh: Mối đe dọa có thật - 1

Tiêm kích MiG-31K Nga mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (Ảnh minh họa: Telegram).

Mig-31K Nga cất cánh, toàn bộ Ukraine nâng cao cảnh giác

Ukrainska Pravda đưa tin, phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia hôm 15/11, người phát ngôn lực lượng Không quân Ukraine, Đại tá Yuri Ignat thừa nhận mối lo ngại về việc tiêm kích MiG-31K của Nga cất cánh, đồng thời khẳng định mối đe dọa là có thật.

Ông cho biết, quyết định có hủy cảnh báo không kích khẩn cấp mỗi khi chiến đấu cơ Nga này cất cánh thực hiện các chuyến bay dài hay không chỉ có thể được đưa ra bởi lãnh đạo cao nhất của nhà nước. Ông nói, mối đe dọa tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal vẫn là hiện thực.

Đại tá Yuri Ignat nói: "Quyết định này không hề dễ dàng, nó cần được đưa ra ở cấp độ cao nhất. Tôi nghĩ điều gì đó sẽ được xem xét. Đây không phải là lần đầu tiên những câu hỏi như vậy được đặt ra và nêu lên trên báo chí...".

Ông nhấn mạnh: "Có một mối nguy hiểm. Nó sẽ không biến mất. Đối với mối đe dọa về khả năng Nga sử dụng vũ khí đạn đạo, rõ ràng là cảnh báo sẽ được ban bố ở một số khu vực nhất định mà tên lửa đối phương có thể tiếp cận. Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal Kh-47M2 trên MiG-31K có thể vươn tới bất kỳ điểm nào trong lãnh thổ của chúng tôi".

Đại tá Ignat lưu ý rằng hoạt động kinh doanh và nền kinh tế thực sự phải hứng chịu các cuộc không kích kéo dài, dịch vụ ngừng hoạt động, trẻ em không được đến trường. Vì vậy, đang có các cuộc thảo luận về việc phân loại và phát cảnh báo theo mức độ nguy hiểm (cam, vàng, đỏ). Đồng thời, quyết định phải do lãnh đạo cao nhất của nhà nước đưa ra và Lực lượng Không quân sẽ thực hiện.

Trong khi đó, ông Ignat cho biết, kênh Telegram của Lực lượng Không quân Ukraine đã thường xuyên kịp thời thông báo cho công chúng về tất cả các mối đe dọa trên không phát sinh.

Ukrainska Pravda đưa tin, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, theo ước tính quân sự sơ bộ, Nga đã bắn tới 50 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tấn công các mục tiêu của Kiev. Sau khi nhận được hàng loạt hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của phương Tây, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ khoảng 15 tên lửa loại này.

Phía Nga không bình luận về thông tin trên.

Ukraine lo lắng khi MiG-31K Nga cất cánh: Mối đe dọa có thật - 2

Tiêm kích MiG-31K của Nga mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Vì sao Ukraine lo ngại MiG-31K của Nga đến vậy?

Một sự thật hiển nhiên là mỗi khi phát hiện máy bay chiến đấu Nga cất cánh, Ukraine đều phát đi tín hiệu cảnh báo phòng không trên toàn quốc.

Thứ nhất, MiG-31K được thiết kế để làm nhiệm vụ chuyên biệt, mang phóng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (Dao găm). Trên thực tế, MiG-31 không có gì quá đáng sợ bởi nó đã ra đời cách đây hơn 40 năm (1982), dù đã qua nâng cấp hiện đại hóa thì chúng vẫn được cho là tương đối lạc hậu. Điều mà Ukraine sợ đó chính là "con dao găm" sắc bén - tên lửa siêu vượt âm Kinzhal - gắn trên nó.

Thứ hai, mỗi phút bay của tiêm kích MiG-31 Nga là một phút lo lắng của Ukraine vì họ không thể biết liệu nó có bắn tên lửa hay không và nhằm vào mục tiêu nào.

"Dao găm" có tầm bắn hơn 2.000km, thừa sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Ukraine nên mỗi khi MiG-31K cất cánh là cả toàn bộ đất nước phải báo động. 

Thứ ba, Ukraine chưa có vũ khí đánh chặn để đối phó hiệu quả bởi tên lửa Kinzhal có khả năng tàng hình, không chỉ nhờ vận tốc siêu vượt âm tạo ra kén plasma trung hòa về điện khiến các biện pháp theo dõi và giám sát bằng radar vô hiệu, mà nó còn có mồi bẫy giả gây khó khăn cho việc phát hiện ra tên lửa giữa màn nhiễu.

Với chỉ vài phút khi tên lửa đã đạt tốc độ siêu vượt âm tới Mach 10 (bằng 10 lần tốc độ âm thanh thông thường) để lao tới mục tiêu, việc phát hiện và lên phương án đối phó với Kinzhal gần như không thể ở thời điểm hiện tại.

Mặc dù Ukraine tuyên bố đã bắn hạ tới 15 tên lửa loại này của Nga nhưng chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov bác bỏ. Ông nói rằng, không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal của Nga bằng hệ thống tên lửa phòng không Patriot MIM-104 do Mỹ sản xuất. Ông giải thích rằng, radar của Patriot không thể theo dõi Kinzhal do hạn chế về tốc độ đối với mục tiêu bị đánh chặn chỉ tới Mach 3.

Đó là chưa kể Kinzhal không chỉ có độ chính xác cực cao, mà còn có thể đạt được khả năng thay đổi quỹ đạo cơ động, khiến vũ khí phòng không khó đánh chặn.

Thứ tư, Nga đang đẩy mạnh sản xuất Kinzhal. Trong cuộc phỏng vấn ngày 6/11 với hãng tin RBC Ukraine, Vadym Skibitskyi, đại diện Tình báo Quân sự Ukraine (HUR), cho biết, Nga đang "đợi nhiệt độ xuống dưới 0" trước khi tiến hành các cuộc tấn công hàng loạt vào hệ thống năng lượng của Ukraine.

Theo tình báo Ukraine, tính đến đầu tháng 11, Nga đã dự trữ được khoảng 870 tên lửa có độ chính xác cao với tầm bay hơn 350km. Điều này gần giống như những gì người Nga đã làm cách đây một năm. Số lượng tên lửa hiện có của Nga được ước tính là: 165 quả Kalibr; 160 quả Kh-101, Kh-555 và Kh-55; 290 Iskander-M và Iskander-K; 80 Kinzhal; 150 tên lửa X-22/X-32.

Mặc dù Kiev liên tiếp thông báo bắn hạ nhiều Kinzhal, nhưng rõ ràng là tên lửa này lại gây áp lực tâm lý rất lớn cho Ukraine.

Theo Ukrainska Pravda, Sputnik, CCTV, RBC
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine