1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine: Lãnh đạo Crimea đề nghị Putin giúp đỡ, Nga "đáp lời"

(Dân trí) - Nga đã "đáp lời" khi Thủ tướng mới được bầu của Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine hôm nay 1/3 đề nghị Tổng thống Putin giúp phục hồi “hòa bình” ở Crimea. Còn Kiev mặc dù cáo buộc Nga đưa 2.000 binh sỹ vào Crimea "gây hấn ngang nhiên" nhưng từ chối dùng vũ lực với "khiêu khích của Nga".

Ukraine: Lãnh đạo Crimea đề nghị Putin giúp lập lại hòa bình

Những người mặc quân phục không rõ danh tính đang kiểm soát các tòa nhà chính quyền, sân bay ở Crimea.

Thủ tướng Ukraine: Từ chối phản ứng bằng vũ lực với “khiêu khích” của Nga

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho hay hay Ukraine từ chối phản ứng bằng vũ lực với “khiêu khích” của Nga trên bán đảo tự trị Crimea, sau khi có tin lính Nga đã được đưa đến khu vực.

“Sự hiện diện không thích hợp của lính Nga trên lãnh thổ Ukraine là sự khiêu khích và nỗ lực của Nga nhằm khiến Ukraine phản ứng bằng vũ lực đã thất bại”, ông Arseniy Yatsenyuk cho biết tại cuộc họp nội các đầu tiên của chính quyền mới tại Kiev. Cuộc họp được phát trên truyền hình.

Lãnh đạo Crimea đề nghị Putin giúp đỡ

Trước đó, vào ngày hôm nay 1/3, Thủ tướng của vùng tự trị Crimea tuyên bố đề nghị ông Putin giúp đỡ để lập lại hòa bình ở Crimea. “Xét về trách nhiệm của tôi trước cuộc sống và an ninh của người dân, tôi đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp đỡ đảm bảo hòa bình và sự yên tĩnh tại lãnh thổ Crimea”, ông Sergiy Aksyonov cho biết trong bài phát biểu được báo chí địa phương trích dẫn và được phát toàn bộ trên đài truyền hình nhà nước Nga.

Ông Aksyonov được các nghị sỹ tại Crimea bầu chọn là thủ tướng vùng Crimea, nhưng động thái không được giới lãnh đạo mới ở Kiev phê chuẩn.

Ông Aksyonov không nói rõ ông cần loại hỗ trợ nào từ phía ông Putin và Nga.

Cũng trong bài phát biểu ông Aksyonov cho biết tất cả các lực lượng an ninh ở Crimea, khu vực tự trị của Ukraine, hiện đang nằm dưới sự quản lý của ông.

“Là thủ tướng Crimeam, tôi đã ra quyết định các đơn vị của lực lượng an ninh thuộc Bộ Nội vụ, cơ quan an ninh, quân đội, hải quân, cơ quan thuế quan và lực lượng biên phòng đều chịu sự quản lý trực tiếp của tôi”.

“Tôi ra lệnh toàn bộ các tư lệnh chỉ thực hiện chỉ thị của tôi. Những ai không đồng ý tôi sẽ yêu cầu từ chức”, ông tuyên bố.

Ông cũng biết đã quyết định phản ứng với việc bổ nhiệm lãnh đạo lực lượng cảnh sát của Kiev. Động thái này theo ông là phi pháp và sẽ gây ra bạo loạn.

Nga “đáp lời”

Ngay sau khi đề nghị của ông Aksyonov được đưa ra, Điện Kremlin ngày 1/3 cho hay, Nga sẽ không bỏ qua đề nghị của Thủ tướng vùng tự trị Crimea của Ukraine đối với Tổng thống Putin, nhằm giúp đỡ lập lại bình yên trên bán đảo bên bờ Biển Đen.

“Nga sẽ không bỏ qua đề nghị này”, một nguồn tin tại Kremlin được các hãng thông tấn lớn của Nga dẫn lời cho biết.

Kiev tố Nga đưa 2.000 quân vào Crimea “gây hấn ngang nhiên”

Thông tin của lãnh đạo Crimea được đưa ra khi chính phủ mới của Ukraine sẽ có cuộc họp nội các đầu tiên vào ngày hôm nay, giữa một loạt lo ngại lực lượng ủng hộ thân Nga đang thắt chặt kiểm soát Crimea, bất chấp cảnh báo Mỹ.

Theo giới chức Ukraine, binh sỹ được trang bị hạng nặng trong quân phục không phù hiệu đã chiếm các vị trí quanh các tòa nhà chính quyền ở Crimea và sân bay ở Simferopol. Giới chức Ukraine đã cáo buộc Nga “gây hấn ngang nhiên”.

Tại Washington, một quan chức quân sự Mỹ cho rằng Mátxcơva được cho là đã phái thêm “nhiều trăm” binh sỹ tới vùng nói tiếng Nga Crimea, nơi Nga đã có căn cứ quân sự lớn của Hạm đội Hắc Hải.

Một quan chức Ukraine cuối ngày hôm qua cho rằng trong ngày 2.000 lính Nga đã vào Crimea trên 13 chiếc máy bay của Nga.

“13 máy bay Nga đã hạ cánh xuống sân bay Gvardeyskoye (gần Simferopol, thủ phủ Crimea) với 150 người trên mỗi máy bay”, ông Sergiy Kunitsyn, đại diện đặc biệt của Tổng thống Ukraine tại Crimea cho biets trên kênh truyền hình địa phương ATR. Ông cũng cho biết thêm không phận đã được đóng cửa. Chưa rõ liệu Nga có quyền sử dụng căn cứ hay gửi thêm quân tới Crimea theo thỏa thuận với Ukraine hay không.

Tổng thống Mỹ Obama, từ Washington, đã bày tỏ lo ngại trước thông tin “di chuyển quân của Liên bang Nga ở trong lòng Ukraine” và cảnh báo Nga sẽ phải “trả giá cho bất kỳ can thiệp quân sự nào ở Ukraine”.

Một quan chức cấp cao Mỹ sau đó cho rằng “cái giá” đó bao gồm quyết định ông Obama và các lãnh đạo châu Âu bỏ hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp G8 tại khu nghỉ mát Sochi, nơi vừa diễn ra Olympic Mùa đông, vào tháng 6 tới.

Tổng thống tạm quyền của Ukraine Oleksandr Turchynov cũng nhắm trực tiếp tới lãnh đạo Kremlin: “Cá nhân tôi kêu gọi Tổng thống Putin ngưng ngay lập tức sự khiêu khích quân sự và rút khỏi Cộng hòa tự trị Crimea…Đây là sự gây hấn ngang nhiên đối với Ukraine”, ông tuyên bố.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea phủ nhận lực lượng của họ tham gia vào các sự kiện ở khu vực. Ông Putin hôm qua cũng khẳng định với các lãnh đạo chủ chốt của châu Âu rằng Nga sẽ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trung Anh

Tổng hợp