1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine không thỏa hiệp, hối thúc đồng minh viện trợ khẩn cấp

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp từ các đồng minh và đối tác, vì bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc đáp ứng nhu cầu của quân đội Kiev đều phải trả giá đắt.

Ukraine không thỏa hiệp, hối thúc đồng minh viện trợ khẩn cấp - 1

Lính Ukraine tập trận gần Kiev (Ảnh: Reuters).

"Các binh lính của chúng tôi, những người hùng của chúng tôi đang giữ lãnh thổ, nhưng điều đó vô cùng khó khăn do thiếu đạn pháo", ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, tuyên bố hôm 22/1.

Ông Yermak tuyên bố, trong chiến dịch quân sự toàn diện, Ukraine đã giành lại hơn 50% lãnh thổ do Nga kiểm soát.

"Nhưng tất nhiên, binh lính của chúng tôi sẽ vô cùng khó khăn khi chiến đấu mà không có đạn dược cũng như không có một số thứ quan trọng khác. Vì vậy, tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng: việc viện trợ khẩn cấp vô cùng quan trọng đối với chúng tôi, bởi vì cái giá của thời gian trong chiến tranh là mất đi sinh mạng con người", ông Yermak nhấn mạnh.

Ông khẳng định Ukraine không từ bỏ lãnh thổ của mình.

"Chúng tôi không sẵn sàng cho bất kỳ sự thỏa hiệp và nhượng bộ nào liên quan đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền tự do của chúng tôi", quan chức Ukraine nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng mặc dù có nhiều xung đột và chiến tranh đang diễn ra trên thế giới, Ukraine vẫn là một chủ đề ưu tiên vì đây là cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến hai. Đó là lý do ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào quá trình tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa trên Công thức Hòa bình Ukraine.

"Sau cuộc gặp ở Davos, nơi chúng tôi tổ chức một sự kiện với sự tham gia của các cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn chính sách đối ngoại cho các nhà lãnh đạo từ 82 quốc gia, bao gồm những quốc gia có quan hệ khá phức tạp với nhau", ông Yermak nói.

"Tất cả chúng tôi đã ngồi cùng bàn và thảo luận về Ukraine trong hơn 8 giờ đồng hồ: làm thế nào để chấm dứt chiến tranh, làm thế nào để đảm bảo hòa bình công bằng, làm thế nào để xây dựng một kế hoạch chi tiết từ cộng đồng quốc tế gồm các quốc gia có trách nhiệm và thực hiện nó trong tương lai", người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết thêm.

Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang cân nhắc kế hoạch tăng cường viện trợ cho Ukraine khi đề xuất gói viện trợ 55 tỷ USD tiếp tục bị Hungary phản đối.

Cụ thể, khối này tính lập ra một quỹ trị giá gần 22 tỷ USD dùng để hoàn trả cho từng quốc gia thành viên cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm đạn dược, máy bay không người lái và tên lửa.

Chiến sự kéo dài, trong khi cuộc phản công của Ukraine không đạt được đột phá, cùng với những biến động trên chính trường đã khiến mức độ sẵn sàng viện trợ của phương Tây giảm dần.

Trong bối cảnh viện trợ nước ngoài bắt đầu nhỏ giọt, Ukraine đã quyết định củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước để đảm bảo tự sản xuất được vũ khí đối phó Nga.

Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine, Oleksandr Kamyshin, nói rằng với sự phát triển phù hợp, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có tiềm năng trở thành "kho vũ khí của thế giới tự do".

Ukraine cũng đang tăng cường hợp tác với phương Tây trong lĩnh vực sản xuất vũ khí. Một số công ty châu Âu cho biết họ quan tâm đến việc hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Theo Ukrinform