1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine khóa van trung chuyển khí đốt sang châu Âu: Nga sẽ ứng phó ra sao?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia dự đoán về động thái tiếp theo của Nga sau khi Ukraine dừng trung chuyển khí đốt của Moscow sang châu Âu.

Ukraine khóa van trung chuyển khí đốt sang châu Âu: Nga sẽ ứng phó ra sao? - 1

Châu Âu từng phụ thuộc mạnh mẽ vào khí đốt Nga nhưng họ đã cố gắng đa dạng nguồn cung trong thời gian qua (Ảnh: RT).

Thỏa thuận kéo dài 5 năm cho phép tập đoàn Gazprom của Nga tiếp tục gửi khí đốt đến các quốc gia thành viên EU thông qua Ukraine đã hết hạn vào đầu năm 2025 mà không có thỏa thuận mới nào thay thế.

Ukraine ca ngợi việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt khi cuộc chiến giữa họ và Nga vẫn chưa có hồi kết. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine gọi đây là một "sự kiện lịch sử" gây tổn thất tài chính cho Moscow và phù hợp với các động thái của châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng điều này "không chỉ làm suy yếu tiềm năng kinh tế của châu Âu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến mức sống của người dân châu Âu". Bà nói rằng Kiev và các đồng minh châu Âu "đã hy sinh sự thịnh vượng của người dân mình để cung cấp hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế Mỹ", ám chỉ việc Washington hưởng lợi từ động thái này.

Theo ước tính của chuyên gia, Nga có thể thiệt hại khoảng 6-7 tỷ USD sau khi Ukraine khóa van đường ống. Tuy nhiên, Nga được cho sẽ không ngồi yên vì năng lượng vốn là một mặt hàng quan trọng giúp họ đảm bảo tiềm lực trong cuộc chiến. Giới quan sát dự đoán Nga sẽ có hành động trong thời gian tới.

Margarita Balmaceda, Giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế và Ngoại giao, Đại học Seton Hall (Mỹ), cho hay: "Tôi hiểu rằng Nga sẽ cố gắng thay thế việc trung chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine bằng các tuyến đường khác như Turk Stream qua Thổ Nhĩ Kỳ và tuyến Balkan nhỏ hơn qua Serbia, cùng với việc tăng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)".

Nhưng điều quan trọng nhất, tôi dự đoán Nga sẽ tìm cách thay thế nguồn thu này bằng cách xuất khẩu "khí đốt tự nhiên ẩn". Đó là khí đốt tự nhiên được xuất khẩu sang Liên minh châu Âu dưới dạng phân bón chứa nitơ, được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên nhưng không nằm trong lệnh trừng phạt và không phụ thuộc vào đường ống dẫn.

Phân bón nitơ được tạo ra bằng cách trộn hóa chất từ không khí với hydro bằng khí đốt tự nhiên ở nhiệt độ và áp suất cao. Nga có thể sử dụng lượng khí đốt dư thừa để sản xuất phân bón với chi phí giảm đáng kể, tăng tính cạnh tranh và vẫn đẩy được hàng hóa sang châu Âu. 

Trên thực tế, xuất khẩu phân bón nitơ của Nga sang EU đã tăng hơn gấp đôi sau cuộc chiến năm 2022 và đã trở thành một nguồn thu đáng kể cho Moscow. Khi EU tăng nhập mặt hàng này, họ lại tiếp tục phụ thuộc vào Nga ở một lĩnh vực khác sau khí đốt đường ống, yếu tố có thể dẫn tới việc gây áp lực kinh tế lên Nga trở nên kém hiệu quả. 

Trong khi đó, Pavel K. Baev, Giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Na Uy), cho rằng việc chấm dứt trung chuyển khí đốt qua Ukraine chắc chắn không phải là điều bất ngờ. Ông dự đoán và những khó khăn mà Gazprom đối mặt sẽ ngày càng sâu sắc, bởi vì phần lớn khoản đầu tư khổng lồ vào các công trình đường ống với những khách hàng lớn nhất đã dừng hoạt động.

Nga có thể sẽ phải dè chừng tham vọng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong việc mở rộng sản xuất dầu và khí đốt, điều này là một mối đe dọa lớn đối với doanh thu xuất khẩu của Nga. Trước đó, ông Trump từng cảnh báo áp thuế lên hàng hóa châu Âu nếu các nước EU không mua thêm năng lượng từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại.

Ukraine khóa van trung chuyển khí đốt sang châu Âu: Nga sẽ ứng phó ra sao? - 2

Các tuyến đường vận chuyển khí đốt chính ở châu Âu. Cho tới nay, tuyến đường khí đốt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu vẫn còn hoạt động (Ảnh: BBC).

Trong khi đó, Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Ngoại giao và Quốc phòng Nga, cho rằng Moscow sẽ không có phản ứng nào đặc biệt trước động thái của Ukraine.

"Nếu Ukraine quyết định dừng lại, không có cách nào buộc họ tiếp tục thỏa thuận. Nga cần phải tìm cách làm việc với các khách hàng ở châu Âu, những người vẫn muốn mua khí đốt Nga và cần các tuyến đường thay thế. Đối với tình hình Ukraine, lựa chọn duy nhất của Nga là tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi đạt được kết quả như mong muốn", ông nhận định.

Giáo sư Andreas C. Goldthau từ Trường Chính sách Công Willy Brandt, Đại học Erfurt (Đức), nhận định: "Việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua Ukraine không đồng nghĩa với việc Nga dừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt. Các nguồn cung qua các đường ống trên đất liền có thể đã phần lớn kết thúc, nhưng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vẫn đang tìm đường đến châu Âu".

Nhu cầu khí đốt tại Trung Quốc đang tăng, và ông Putin đã nỗ lực xây dựng năng lực xuất khẩu để phục vụ thị trường đó, ví dụ như hệ thống đường ống "Sức mạnh Siberia" (Power of Siberia). Ngoài ra, công suất dư thừa trong nước có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thay thế cho thị trường thế giới, chẳng hạn như phân bón.

Tuy nhiên, việc chấm dứt trung chuyển qua Ukraine đánh dấu một sự thay đổi nhanh chóng và mang tính cơ bản trong các mối quan hệ năng lượng Á-Âu: Địa lý thương mại khí đốt đã thay đổi đáng kể, với việc Nga chuyển hướng xuất khẩu về phía Đông, trong khi châu Âu hướng về phía Tây (Mỹ) để nhập khẩu.

Trong tương lai, doanh thu của Nga từ xuất khẩu khí đốt sẽ giảm, vì họ đã từ bỏ thị trường quan trọng nhất của mình. Trong khi đó, chi phí nhập khẩu của châu Âu sẽ tăng do sự phụ thuộc ngày càng lớn vào LNG toàn cầu.

Theo Newsweek, BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine