Nga nêu tên nạn nhân chính của việc Ukraine khóa van khí đốt
(Dân trí) - Nga cảnh báo quyết định của Ukraine về việc khóa van khí đốt chỉ có lợi cho Mỹ với cái giá phải trả là các đồng minh của Washington ở châu Âu.
"Mỹ là bên hưởng lợi chính từ việc phân phối lại thị trường năng lượng và là bên bảo trợ chính cho cuộc khủng hoảng Ukraine", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hôm 2/1.
"Nạn nhân đầu tiên trong chiến lược săn mồi của họ là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức", bà Zakharova nói thêm, đồng thời chỉ ra rằng vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream vào tháng 9/2022 đã buộc Berlin phải mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ "với giá cao hơn đáng kể", dẫn đến việc đóng cửa nhiều ngành công nghiệp của Đức.
"Bây giờ, các quốc gia khác của Liên minh châu Âu, trước đây từng thành công về mặt kinh tế và độc lập, cũng sẽ phải trả giá cho sự bảo trợ của Mỹ", nhà ngoại giao Nga cho biết.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Ukraine từ chối gia hạn hợp đồng với tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga vào cuối năm 2024.
Động thái này trên thực tế đã cắt đứt dòng khí đốt tự nhiên của Nga đến các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) như Áo, Hungary và Slovakia. Động thái này cũng lấy đi của Ukraine khoản phí trung chuyển trị giá gần 1 tỷ USD.
Bà Zakharova lưu ý rằng Kiev đã đưa ra quyết định trên ngay cả khi Gazprom đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng và thanh toán đủ phí trung chuyển, bất kể cuộc xung đột hiện tại giữa Ukraine và Nga. Bà cho biết động thái này sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân EU.
"Trách nhiệm về điều này hoàn toàn thuộc về Mỹ, chính quyền ở Kiev và chính phủ các nước châu Âu đã hy sinh phúc lợi của công dân nước mình vì mục đích trợ cấp cho nền kinh tế Mỹ", bà Zakharova cáo buộc.
Trong khi một số chính trị gia EU, trong đó có Thủ tướng Slovakia Robert Fico, cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" của lệnh khóa van khí đốt, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố đây là "một chiến thắng khác sau khi NATO mở rộng".
Việc chấm dứt thỏa thuận sẽ không cắt đứt hoàn toàn khí đốt của Nga sang châu Âu nhưng khối lượng sẽ giảm đáng kể. Nga vẫn có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Turkstream, nhưng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU sẽ giảm khoảng 14 tỷ mét khối.
Ủy ban châu Âu cho biết, khối lượng này có thể được thay thế bằng khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu qua đường ống từ các nguồn khác, chẳng hạn Na Uy và Mỹ.
Ước tính mới nhất cho thấy, Nga dự kiến sẽ mất khoảng 5,2 tỷ USD/năm từ tiền khí đốt được vận chuyển đến châu Âu qua Ukraine.
Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), Nga phải phụ thuộc một phần vào hoạt động kinh doanh dầu khí vì cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Ngoài EU, xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Nga qua các đường ống là sang Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus. Xuất khẩu LNG chủ yếu phụ thuộc vào doanh số bán hàng cho Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc lại được chiết khấu tới 28% so với xuất khẩu sang châu Âu, nghĩa là Moscow thu được ít lợi nhuận hơn nhiều.