Ukraine dọa phá hủy cầu Crimea, Nga cảnh báo đanh thép
(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đe dọa phá hủy cơ sở hạ tầng của Nga, bao gồm cầu Crimea.
"Chính quyền Kiev đang công khai tuyên bố các kế hoạch khủng bố liên quan đến cơ sở hạ tầng của Nga", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngay sau khi tập đoàn truyền thông Đức Axel Springer công bố đoạn video ghi lại cuộc phỏng vấn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tuần.
"Những lời của nhà lãnh đạo Ukraine một lần nữa chứng minh cho chúng tôi thấy tính đúng đắn tuyệt đối và sự phù hợp của các quyết định mà (Tổng thống Nga Vladimir Putin) đưa ra liên quan đến việc bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Peskov nói thêm.
Đầu tuần này, Tổng thống Zelensky cho biết ông và chính phủ Ukraine "thực sự muốn phá hủy cơ sở hạ tầng của Nga", bao gồm cầu Crimea.
Nhà phân tích quân sự Nga Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí Quốc phòng, cho biết lời đe dọa phá hủy cây cầu Crimea của Tổng thống Ukraine là một phần trong chiến dịch phản công mới của Kiev.
"Ukraine trước đây đã nhiều lần cố gắng tấn công cầu Crimea bằng cách sử dụng những các đối tượng phá hoại và tàu tự sát không người lái. Tuy nhiên, xét đến các cuộc tấn công diễn ra gần đây, Nga đã tăng cường nghiêm túc khả năng của mình, bao gồm việc triển khai thêm lực lượng và phương tiện phòng không, tăng cường các thiết bị nổ và thực hiện một loạt các biện pháp kỹ thuật khác nhằm giảm thiểu cơ hội của Ukraine tiến hành thêm các cuộc tấn công kiểu này", ông Korotchenko nói.
Tuy nhiên, nhà phân tích cho biết những nỗ lực tấn công như vậy có thể được thực hiện bằng vũ khí có độ chính xác cao mà Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine. Điều này liên quan đến cả vũ khí tấn công trên không, đặc biệt là tên lửa Storm Shadow.
Ông Korotchenko lưu ý rằng hiện tại, một cuộc phản công của Ukraine sẽ không thể thực hiện được chủ yếu do quân đội Ukraine suy kiệt, tinh thần sa sút và thiếu nguồn lực quân sự và kỹ thuật.
"Ngoài ra, thực tế là Ukraine trong vài tháng qua đã xây dựng một số tuyến phòng thủ, nơi cần đến nguồn nhân lực cũng như nguồn lực tài chính lớn. Điều này cho thấy kế hoạch của Kiev là nhằm giữ vững quyền kiểm soát các vị trí mà họ đang nắm giữ. Hoặc, ngay cả khi họ rời bỏ các vị trí này, mục đích của họ là ngăn chặn việc mất các thành phố và thị trấn lớn dọc theo đường giao chiến hiện tại", nhà phân tích nói.
Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022, nhiều quan chức và chỉ huy ở Ukraine đã đe dọa phá hủy cây cầu dài 19km nối bán đảo Crimea và vùng Krasnodar. Họ cho rằng công trình này rất quan trọng đối với quân đội Nga.
Một số cơ quan truyền thông phương Tây nhận định các cuộc tấn công vào cầu Crimea là không thể tránh khỏi. Vào tháng 2, chỉ huy Hải quân Ukraine, Phó Đô đốc Aleksey Neizhpapa, tuyên bố cây cầu sẽ bị phá hủy vào năm 2024.
Trong một bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn An ninh Aspen vào tháng 7 năm ngoái, ông Zelensky tuyên bố cầu Crimea là mục tiêu hợp pháp của Ukraine và phải bị "vô hiệu hóa".
Kiev đã nhiều lần đề nghị Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus, đặc biệt là để tấn công cây cầu bắc qua eo biển Kerch. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kiên quyết bác bỏ đề nghị này, cho rằng Nga có thể coi đây là sự tham gia trực tiếp của Berlin vào cuộc chiến.
Cầu Crimea được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 và là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Tuy nhiên, Moscow đã mở một hành lang trên bộ rộng lớn tới Crimea sau khi Nga tuyên bố sáp nhập thêm 4 khu vực ở Ukraine vào mùa thu năm 2022.
Nga cho biết cầu Crimea đã nhiều lần bị tên lửa và máy bay không người lái của hải quân Ukraine nhắm mục tiêu, nhưng hầu hết các cuộc tấn công đều bị ngăn chặn thành công.