1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine đặt mua 100 xe thiết giáp trước trận chiến lớn

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Ba Lan thông báo Ukraine đã đặt mua 100 xe thiết giáp đa dụng Rosomak khi Kiev được cho là đang chuẩn bị cho chiến dịch phản công quy mô lớn.

Ukraine đặt mua 100 xe thiết giáp trước trận chiến lớn - 1

Xe thiết giáp Rosomak của quân đội Ba Lan tuần tra gần Trại Giro ở tỉnh Ghazni, Afghanistan (Ảnh: Quân đội Mỹ).

"Tôi nhận đơn đặt hàng của Thủ tướng (Ukraine) Denys Shmyhal cho 100 chiếc Rosomak được sản xuất tại đây", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 1/4 thông báo trong chuyến thăm nhà máy sản xuất xe thiết giáp Rosomak ở thị trấn Siemianowice Slaskie, miền nam Ba Lan.

Ông Morawiecki cho biết, đơn hàng sẽ được tài trợ thông qua các nguồn quỹ mà Ba Lan nhận được từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ để viện trợ quốc phòng cho Ukraine. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết hoặc tổng giá trị của hợp đồng.

Theo ông Morawiecki, các mẫu Rosomak, xe thiết giáp "hiện đại nhất" của Ba Lan, được sản xuất dựa theo mẫu thiết giáp Patria của Phần Lan. Rosomak được trang bị pháo 30mm và súng máy 7,62mm. Các phương tiện này có thể tăng tốc tới tốc độ 100km/h và có thể vượt qua các chướng ngại vật dưới nước với tốc độ lên tới 10km/h, theo cơ quan quốc phòng Militartyi.

Trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 16/3 cho biết Ba Lan sẽ bàn giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 đầu tiên cho Ukraine trong những ngày tới.

"Số máy bay còn lại đang được bảo dưỡng và chuẩn bị", ông Duda nói thêm, song không nêu cụ thể tổng số MiG-29 mà Ba Lan dự định gửi tới Ukraine.

Ba Lan là một trong các thành viên NATO ủng hộ mạnh mẽ Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Với quyết định chuyển MiG-29 cho Ukraine, Ba Lan trở thành quốc gia NATO viện trợ máy bay chiến đấu để hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Nga bất chấp những cảnh báo trước đó của Moscow.

Quyết định của Warsaw có thể trở thành chất xúc tác để các quốc gia NATO khác xem xét cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định, động thái của Ba Lan không có nghĩa Mỹ cũng sẽ cấp F-16 cho Ukraine.

Mỹ hay các đồng minh như Đức, Pháp, Anh vẫn lo ngại viện trợ máy bay chiến đấu cho Kiev sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga. Các nước này mới chỉ dừng lại ở hỗ trợ xe tăng chiến đấu, hệ thống phòng không và đạn dược. Họ tin rằng, đạn dược là nhu cầu cấp bách nhất lúc này đối với Ukraine.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, việc cung cấp máy bay chiến đấu của NATO cho Ukraine và bảo trì chúng trên lãnh thổ các nước của liên minh này sẽ bị coi là sự tham gia trực tiếp của NATO vào xung đột với Nga và trở thành các mục tiêu quân sự hợp pháp của Moscow.

Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực viện trợ khí tài và huấn luyện cho quân đội Ukraine, hỗ trợ Kiev phản công trước khi Nga kịp mở một đợt tấn công mới quy mô lớn. Cả Nga và Ukraine đều đang dồn nguồn lực cho cuộc chiến ở thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine. Mỹ muốn Ukraine tập trung nguồn lực, chuẩn bị cho chiến dịch phản công vào cuối mùa xuân để giành lại lãnh thổ. Chiến dịch này có thể bắt đầu từ tháng 5.

Theo Reuters