1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine đang thách thức Nga

Bên cạnh cáo buộc "âm mưu khủng bố" Crimea, Ukraine thách thức Nga đưa ra các bằng chứng tại cuộc họp kín ở Hội đồng Bảo an LHQ.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Volodymyr Yelchenko hôm 11/8 đã có cuộc họp kín tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, thách thức phía Nga đưa ra các bằng chứng tố nước này tấn công khủng bố bán đảo Crimea.

“Nếu có việc đó thì bằng chứng đâu? Tuyên bố, tranh ảnh, video hay bất kỳ thứ gì cũng được. Họ chỉ nói mồm”, ông Yelchenko nói với báo chí quốc tế.

Theo ông Yelchenko, để xác minh thông tin về vụ việc này, Ukraine đã yêu cầu các quan sát viên Liên Hợp Quốc và các quan chức Chữ Thập đỏ đến Crimea để thẩm vấn 2 người bị bắt giữ liên quan đến vụ tấn công mà Nga cáo buộc nói trên.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Volodymyr Yelchenko.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Volodymyr Yelchenko.

Đại sứ Ukraine cho rằng, kết quả cuộc thẩm vấn này cần phải được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tổ chức An ninh Hợp tác châu Âu (OSCE).

Ông Yelchenko cáo buộc Nga đã điều động tới 40.000 binh sĩ đến Crimea và dọc theo biên giới với Ukraine: “Con số này cho thấy Nga đang có ý đồ xấu và đó là điều cuối cùng mà chúng tôi muốn xảy ra”.

“Hy vọng lớn nhất của tôi là cuộc trao đổi tại Hội đồng Bảo an sẽ giúp Nga hiểu rằng, họ không thể tiếp tục thực hiện những hành vi như thế này”, Đại sứ Ukraine nhấn mạnh.

Theo đó, nguồn tin cho hay, nhân vật bị phía Nga tố cáo là "hung thủ thực hiện cuộc tấn công khủng bố" vào Crimea là Evgenii Pano (39 tuổi, người đến từ khu vực Zaporozhye, đã từng lái xe tải quân sự trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraine) hiện đã bị phía Nga giam giữ trong 2 tháng.

Evgenii Panov - trong khu giam của Nga tại Bán đảo Crimea.
Evgenii Panov - trong khu giam của Nga tại Bán đảo Crimea.

Em trai của nhân vật này cáo buộc chính Cơ quan an ninh Nga đã dàn dựng để bắt cóc ông Evgenii, lấy đó làm nguồn lực để sử dụng các bước đi tấn công vào Ukraine.

Theo người em trai- ông Igor Kotelianets cho hay, ông Evgenii vốn không quan tâm tới vấn đề Crimea, ông từng giúp đỡ các cựu chiến binh Ukraine thuộc lực lượng ATO và làm nhiều hoạt động xã hội.

Bộ Quốc phòng Ukraine đã bác bỏ các cáo buộc của FSB cho rằng chính cơ quan tình báo của quốc gia này đã tham gia vào các hoạt động, âm mưu tấn công vào lãnh thổ vốn đã thuộc về Nga từ năm 2014.

"Những tuyên bố dù được phía FSB đưa ra là gì thì đó cũng chỉ là một trong những nỗ lực biện minh cho việc tái triển khai và hành động tích cực của các đơn vị quân sự Liên bang Nga trên lãnh thổ của bán đảo Crimea. Những lời cáo buộc về cuộc tấn công được tiến hành từ phía đất liền Ukraine đều không có căn cứ.

Crimea đã và vẫn là đất của Ukraine, các cư dân sống trên đó là cư dân Ukraine", trang Ukraine Crisis dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ukraine.

Vladyslav Seleznyov, phát ngôn viên của Bộ Tổng Tham mưu Ukraine nói với truyền thông: "FSB đã chờ đợi tới 4 ngày để công khai các thông tin họ có, sau đó các thông tin được lưu hành trong các mạng xã hội xuất hiện. Và hiện nay, trên lãnh thổ Crimea đang thực hiện các bài tập chống khủng bố".

Theo Oleksandr Turchynov, Trưởng Hội đồng An ninh và Quốc phòng của Ukraine trong một tuyên bố hôm 10/8 cho hay, không chỉ có một nhân viên duy nhất của Cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine bị giam giữ trong các lãnh thổ bị chiếm đóng ở Crimea.

"Hành động đầy tính khiêu khích của FSB cho thấy họ thể hiện rõ là một phần tử của chiến tranh. Nga đang tiến hành chống lại đất nước chúng tôi", ông Turchynov nhấn mạnh.

Ukraine đang ngày càng có những lời "thách đấu" tới Nga khiến quan hệ giữa hai nước được đẩy tới giai đoạn nóng bỏng.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Đứng trước các cáo buộc của Nga cho rằng Ukraine đang "lựa chọn khủng bố chứ không phải hòa bình" và các cáo buộc quanh âm mưu tấn công vào bán đảo Crimea, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bác bỏ hoàn toàn.

Ông cho rằng đó là những lời “vô nghĩa và cay độc”.

Ông Poroshenko cũng ra lệnh cho quân đội Ukraine phải luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ tại khu vực dọc biên giới với Crimea, miền Đông Ukraine nơi quân Chính phủ và phe đối lập vẫn đang giao tranh bất chấp thỏa thuận Minsk năm 2015.

Không chỉ vậy, những phản ứng này của ông Poroshenko cho thấy rõ thái độ thách thức khi từ hồi đầu tháng 8, Ukraine từ chối vị Đại sứ mới của Nga tại Kiev và chưa có kế hoạch trả lời về sự không thay đổi người của Moscow kể cả khi Nga đã phó mặc mối quan hệ song phương cho Tổng thống Ukraine.

Với những phản ứng của Ukraine hiện giờ, khả năng cao là Moscow có thể đóng cửa Đại sứ quán tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố, Ukraine rõ ràng đã có “hành động phá hoại và khủng bố ở Crimea”- bán đảo mà Nga sáp nhập vào năm 2014.

“Tình trạng hỗn loạn đang lan tràn tại Kiev, Chính phủ Ukraine không hiểu họ phải làm gì để giải quyết tình hình tại Donetsk”, ông Churkin nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có ảnh hưởng tại Ukraine đảm bảo rằng họ có thể làm hết sức mình theo khuôn khổ của thỏa thuận Minsk”.

Đại sứ Nga cũng bác bỏ những lo ngại về việc Nga đang tăng cường các hoạt động quân sự dọc biên giới Ukraine.

“Thay vì tìm cách đếm số binh sĩ của chúng tôi, Ukraine và phương Tây cần tìm cách kết thúc cuộc xung đột tại Donetsk và ngừng nã pháo vào dân thường tại Donetsk và Lugansk”, ông Churkin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cả hai Đại sứ Nga và Ukraine đều bày tỏ hy vọng căng thẳng sẽ không tiếp tục leo thang.

Theo Thạch Tú

Đất Việt