1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine đã dịu giọng sau gần 3 năm xung đột với Nga?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, phía Ukraine dường như gần đây đã có những phát ngôn bớt cứng rắn hơn khi cuộc chiến với Nga đã trải qua mốc 1.000 ngày.

Ukraine đã dịu giọng sau gần 3 năm xung đột với Nga? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Theo Telegraph, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong thời gian qua đã có những phát ngôn giảm đi sự quyết liệt trong bối cảnh Nga đang đạt được đà tiến trên chiến trường và tương lai viện trợ của Mỹ cho Kiev trở nên khó đoán định.

Báo Anh nhận định, những sự thay đổi này diễn ra sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông là người từng chỉ trích các khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraine và tuyên bố sẽ giúp khép lại chiến sự trong 24 giờ.

Sự thay đổi rõ ràng nhất có thể ghi nhận chính là phát biểu của ông Zelensky vào tối 20/11 khi trả lời phỏng vấn Fox News. Ông đã thừa nhận rằng Crimea, bán đảo Nga sáp nhập vào năm 2014, không thể giành lại bằng vũ lực.

Trước đó, vào năm 2023, Ukraine từng tuyên bố mở cuộc phản công lớn, với mục tiêu giành lại bán đảo nhưng thất bại. Ngoài ra, Kiev cũng không ít lần tuyên bố sẽ lấy lại Crimea từ tay Nga bằng biện pháp quân sự.

Tuy nhiên, trong tuần này, ông Zelesnky thừa nhận: "Chúng tôi không thể để hàng chục nghìn người dân phải thiệt mạng để giành lại Crimea. Chúng tôi hiểu rằng Crimea có thể được trả lại bằng biện pháp ngoại giao".

Đây không phải là lần đầu ông Zelensky thay đổi cách diễn đạt trong thời gian qua.

Tuần trước, ông Zelensky đã ám chỉ rằng ông biết thời gian cho mục tiêu chiến thắng Nga trên chiến trường đang cạn dần vì ông Trump sẽ thúc đẩy Ukraine vào các cuộc đàm phán.

"Chắc chắn rằng chiến sự sẽ kết thúc sớm hơn với các chính sách của nhóm hiện sẽ lãnh đạo Nhà Trắng trong tương lai", ông nói.

Trước đó, ông Zelensky đã bác bỏ mọi cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình với Nga và tuyên bố sẽ không từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine.

Trong bài phát biểu năm mới 2022-23 của ông, nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố: "Chúng ta chiến đấu và sẽ tiếp tục chiến đấu. Vì một từ quan trọng: Chiến thắng".

Gần đây hơn, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9, ông Zelensky cho hay: "Chiến tranh không thể dễ dàng biến mất. Đó là lý do tại sao cuộc chiến này không thể được xoa dịu bằng các cuộc đàm phán".

Đó cũng là thông điệp tương tự vào tháng 10, trong bài phát biểu tại quốc hội Ukraine khi ông Zelensky nói rằng Nga sẽ "phải thua cuộc chiến" và rằng ông sẽ từ chối "trao đổi bất kỳ lãnh thổ nào của Ukraine".

Nhưng cuộc bầu cử ở Mỹ dường như đã thay đổi tất cả.

Ông Trump đã nói rằng ông muốn kết thúc nhanh chóng cuộc chiến ở Ukraine, điều đó có nghĩa là ông Zelensky có thể sẽ phải đạt được thỏa thuận với Nga.

Điều đó cũng có nghĩa là Tổng thống Ukraine trên thực tế có thể sắp mất đi đồng minh mạnh nhất của mình để tiếp tục cuộc chiến bằng vũ lực. Không gian để ông suy tính các chiến lược đã thu hẹp lại đáng kể.

John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Kiev và Moscow, cho biết ông Zelensky đang thích nghi với thực tế mới.

"Tình hình Ukraine đang bấp bênh. Đây là một sự bùng nổ mới của chủ nghĩa hiện thực sau chiến thắng của ông Trump", ông nói với The Telegraph.

Trong khi đó, người dân Ukraine cũng đã mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua.

Cuộc thăm dò của công ty Mỹ Gallup được thực hiện vào tháng 8 và tháng 10 năm 2024 cho thấy, 52% người Ukraine được hỏi muốn Kiev đàm phán để chấm dứt chiến sự càng sớm càng tốt, trong khi 38% tin rằng Ukraine cần phải chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng.

Đây là lần đầu tiên trong khảo sát của Gallup mà phần lớn người tham gia muốn khép lại cuộc chiến. Trong khảo sát năm 2022 và 2023, con số này lần lượt là 22% và 27%.

Theo Telegraph
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine