1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ukraine còn tin tưởng vào phép màu của Hiệp định Minsk?

Người dân Ukraine dường như đã không còn tin tưởng vào phép màu của các Hiệp định Hòa bình từng được ký kết hai lần tại thủ đô Minsk. Bởi vậy có thể thấy rõ họ không có tâm trạng đón đợi Hiệp định Minsk-3, có vẻ đang được chính quyền nước này thai nghén đề xuất.

Nhà cửa người dân vùng Donbass vẫn tiếp tục bị phá hủy bởi vũ khí hạng nặng.
Nhà cửa người dân vùng Donbass vẫn tiếp tục bị phá hủy bởi vũ khí hạng nặng.

Báo Độc lập (Nga) cuối tuần qua cho biết hơn một nửa số người dân Ukraine đã sẵn sàng từ bỏ Donbass, bởi mong muốn sớm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho đất nước.

Chiều 17/6, tại Kiev, chính quyền Ukraine đã ban bố một chế độ mới, theo đó sẽ kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển giữa các vùng lãnh thổ Ukraine và các khu vực do lực lượng ly khai thuộc Nhà nước nhân dân tự xưng Donestk (DNR) và Nhà nước nhân dân tự xưng Lugansk (LC) kiểm soát. Theo quyết định này, Ukraine cắt hoàn toàn các chuyến bay dân sự (ngoại trừ đối với các nhóm di tản và trẻ em), tăng cường kiểm soát các phương tiện giao thông cá nhân, kiểm soát ngặt nghèo hơn việc cấp phép đi lại cũng như mở rộng danh mục các lý do từ chối cấp phép tham gia giao thông.

Các quyết định nêu trên có hiệu lực ngay khi được ban bố, tức là ngay sau cuộc gặp thường kỳ của Nhóm Minsk để giải quyết cuộc xung đột Ukraine, vừa diễn ra chiều 17/6. Tuần trước, Ukraine cũng thông qua và thực hiện một quyết định khác, theo đó hạn chế tối đa việc vận chuyển hàng hóa tới các vùng lãnh thổ không do chính quyền Kiev kiểm soát.

Báo chí Nga cho biết nhìn chung, các thành phần tham gia cuộc đàm phán chiều 17/6 đều tỏ ý không hài lòng về kết quả đàm phán, bởi tuy đạt được những tiến bộ nhất định, song hoàn toàn không tạo được bước đột phá nào. Cuộc họp được tổ chức bí mật tại Minsk ngày 17/6, và không cho phép giới báo chí tiếp cận tại tất cả các tiểu nhóm họp về chính trị, an ninh và nhân đạo. Giống như lần trước, tiểu nhóm kinh tế một lần nữa lại không thể nhóm họp, do quan điểm giữa các bên tham gia đàm phán quá khác nhau, và dường như họ không thể đàm phán, mà chỉ có thể trao cho nhau các "tối hậu thư".   

Có thể thấy rõ tình trạng bất đồng của tiểu nhóm kinh tế là một bức tranh thu nhỏ, phản ánh tình trạng chung của toàn Nhóm đàm phán Minsk. Trong mọi vấn đề, Nhóm tiếp xúc Minsk chỉ có thể đưa ra những giải pháp mang tính chiến thuật, mà không thể đề ra một chiến lược thống nhất. Tờ báo cũng cho biết tại tiểu nhóm chính trị, các đại biểu tham gia đàm phán cũng đối mặt với các vấn đề tương tự, khi mà các bên vẫn tiếp tục tranh cãi về thứ tự ưu tiên trong các mục cần thực hiện của Hiện định Hòa bình Minsk.

Được biết, các bên tham gia đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine đã lần lượt đưa các tuyên bố. Đầu tiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nêu rõ đòi hỏi của Ukraine gồm: "rút quân đội, vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine; thành lập các trạm kiểm soát trên biên giới Ukraine, tiến hành bầu cử theo quy định và tiêu chuẩn của châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), và cũng đúng với tinh thần luật pháp Ukraine, Ukraine sẽ đối thoại với các đại diện thực sự của Donbass chứ không phải là những tên khủng bố".

Tiếp đó, đại diện của LC và DNR cũng đã chuyển cho phía Ukraine những đề xuất của họ về các giải pháp giải quyết tranh chấp. Theo họ, tình hình sẽ phụ thuộc vào các cải cách Hiến pháp Ukraine. Các nước cộng hòa tự xưng đòi hỏi quyền tự chủ hoàn toàn khỏi trung ương, và họ vẫn giữ ý định tiến hành các cuộc bầu cử riêng, mà không tham gia cuộc bầu cử do Kiev tổ chức.

Cuối cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ quan điểm của Nga rằng, cách duy nhất để giải quyết xung đột - là tuân thủ các Hiệp định Minsk. Ông Putin nêu rõ: "những thỏa thuận Minsk là công bằng và cân bằng, và nó có thể tác động đến một trong các bên trong cuộc xung đột, chính là nước cộng hòa không được công nhận Donetsk và Lugansk. Chúng ta không thể không nhận thấy rằng vai trò và vị trí của họ đã thay đổi rất nhiều: họ đã sẵn sàng và mong muốn đàm phán về tất cả các điểm của Hiệp định Minsk". Ông Putin đồng thời cũng đặt dấu hỏi về thái độ của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vì sao đã không thể tác động một cách hiệu quả để nhà cầm quyền Kiev thiện chí giải quyết tất cả các vấn đề trên".

Tổng thống Nga đồng thời cũng liệt kê một loạt vấn đề cần giải quyết trước tiên, đó là tuân thủ Hiệp định Minsk: cải cách Hiến pháp Ukraine theo hướng trao quy chế tự trị cho LC và DNR; thông qua đạo luật ân xá cho lực lượng nổi dậy đòi ly khai; ban hành đạo luật về tình trạng đặc biệt của Donbass và thông qua một luật mới về chính quyền tự trị địa phương; dỡ bỏ lệnh phong tỏa kinh tế các vùng lãnh thổ LC và DNR.

Trong những ngày này, tờ "Tin tức" của Ukraine cũng đưa ra một kịch bản hoàn toàn mới để giải quyết vấn đề, mà nhìn bề ngoài có vẻ nó sẽ cho phép phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Đó là soạn thảo Hiệp định Minsk-3, theo đó đề xuất trao quy chế đặc biệt không chỉ cho LC và DNR, mà là cho toàn bộ vùng Donbass. Lãnh đạo các khu vực mới phải do Nhóm bộ tứ "Norman Quartet" (gồm Ukraine, Nga, Đức, Pháp) thống nhất chỉ định. Tuy nhiên văn phòng tổng thống của cả Moskva lẫn Kiev đều không xác nhận thông tin về kịch bản trên.      

Cuối cùng, Viện Nghiên cứu Chiến lược "Ukraine mới" cho biết 62% người dân Ukraine vì mong muốn hòa bình và ổn định, đã sẵn sàng từ bỏ các vùng lãnh thổ muốn tách ra độc lập. Con số này gia tăng đáng kể so với thời điểm mùa Thu năm ngoái, mà nguyên nhân phần nhiều là do người dân đã quá mệt mỏi với chiến tranh.
Theo Quế Anh (P/v TTXVN tại Moskva)