1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine có nhiều chiến đấu cơ hơn sau 2 năm, nhưng thiếu đạn dược

Quốc Đạt

(Dân trí) - Một sĩ quan không quân Ukraine tuyên bố nước này sở hữu nhiều máy bay chiến đấu hơn so với năm 2022 nhưng không tiết lộ số lượng cụ thể.

Ukraine có nhiều chiến đấu cơ hơn sau 2 năm, nhưng thiếu đạn dược - 1

Một chiếc Sukhoi Su-24MR của Không quân Ukraine (Ảnh: Spotters/Eugene Dmitriyenko).

"Chúng tôi hiện có số lượng máy bay lớn hơn nhiều so với thời điểm bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt"", ông Yevhen Bulatsik, chỉ huy Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7 của Ukraine, nói với một tờ báo Mỹ.

Ông Bulatsik không đưa ra con số cụ thể. Hiện không có dữ liệu công khai về quy mô lực lượng không quân Ukraine.

Vị chỉ huy khen ngợi các kỹ sư vì có thể nhanh chóng sửa chữa những chiếc máy bay bị hư hỏng. Ukraine cũng nhận một số máy bay thời Liên Xô từ đồng minh ở Trung và Đông Âu.

"Tất cả kíp lái đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện thời tiết đơn giản và khó khăn", ông Bulatsyk nói.

Không quân Ukraine ban đầu bị áp đảo quân số trước không quân Nga, khiến một số người dự đoán kịch bản đội máy bay của Kiev sẽ bị tiêu diệt toàn bộ.

Theo thông tin từ phía Mỹ, trong những tuần đầu xung đột, Ukraine có khoảng 56 máy bay hoạt động, hầu hết là mẫu máy bay thời Liên Xô. Con số này sau đó được tăng cường nhờ các máy bay chiến đấu từ Ba Lan và Slovenia, chủ yếu là những chiếc Mig-29.

Sau nhiều tháng vận động, các đồng minh của Ukraine cũng đồng ý cung cấp một số máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo. Các phi công Ukraine đang được huấn luyện lái F-16 và dự kiến dùng mẫu máy bay này trong chiến đấu vào năm 2024.

Theo Forbes, không quân Ukraine mất khoảng 69 máy bay trong năm đầu xung đột nhưng đã có thể bổ sung lực lượng nhờ vào việc khôi phục các khung máy bay cũ trong kho và viện trợ máy bay mới từ đồng minh.

Máy bay không thiếu, vấn đề là đạn dược

Trong số máy bay Ukraine bị tổn thất sau 2 năm có 18 chiếc Su-24, theo Forbes. Gần như toàn bộ 18 chiếc Su-24 thiệt hại là do bị bắn rơi nhưng phần lớn vụ bắn rơi xảy ra trước khi Lữ đoàn hàng không số 7 bắt đầu trang bị tên lửa Storm Shadows và SCALP-EG từ đồng minh.

Những mẫu tên lửa trên có tầm bắn xa, đủ để có thể được phóng đi từ Su-24 ở khoảng cách hàng chục km phía sau phòng tuyến mà và vẫn có thể tấn công mục tiêu tại bán đảo Crimea. Kể từ khi Lữ đoàn 7 chuyển từ ném bom tầm gần sang tấn công bằng tên lửa tầm xa, họ chỉ mất một số ít Su-24, theo Forbes.

Sau khi độc lập khỏi Liên Xô, Ukraine được thừa kế ít nhất một trăm oanh tạc cơ Su-24, thậm chí có thể lên tới 200 chiếc. Dù chỉ có vài chục chiếc có thể được vãn hồi và số còn lại chỉ có thể làm nguồn phụ tùng thay thế, Lữ đoàn 7 cũng vẫn có đủ khung máy bay để chiến đấu trong nhiều năm.

Trên thực tế, tên lửa mới là thứ Không quân Ukraine cần nhất. Lữ đoàn 7 từng được nhận khoảng 100 tên lửa Storm Shadow và SCALP-EG vào năm ngoái nhưng đã nhanh chóng sử dụng gần hết.

Pháp đã cam kết viện trợ thêm 40 tên lửa SCALP-EG vào tháng 1. Trong khi đó, Vương quốc Anh tới nay chưa hứa giao thêm Storm Shadows vì lo ngại kho dự trữ cạn kiệt. Thay vào đó, Anh được cho là đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho mình để họ có thể chuyển thêm Storm Shadows cho Ukraine.

Đức có thể gửi trực tiếp tên lửa Taurus cho Ukraine, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz luôn phản đối việc gửi vũ khí tầm xa như vậy vì sợ rủi ro leo thang.

Theo Forbes, Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm