Ukraine chuẩn bị tấn công Donbass: “Canh bạc tất tay”?
Thỏa thuận Minsk 2 sắp tan vỡ, Kiev lại tập trung trang, thiết bị chuẩn bị tấn công Donbass. Liệu đây có phải là “canh bạc cuối cùng”?.
Ukraine tập trung binh lực lớn đến miền Đông
Theo thông tin chính thức của truyền thông Ukraine, quân đội nước này đã điều 170 đơn vị thiết giáp tiến vào miền Đông để chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn trong đêm trước Ngày Độc lập của nước này vào ngày 24-8.
Theo đó, các đơn vị thiết giáp sẽ được điều đến các “khu vực diễn ra các cuộc chiến chống khủng bố” (ATO) của quân Chính phủ tại miền Đông Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã chấp thuận cho các đơn vị này được điều động miền Đông trong chuyến thị sát của ông đến bãi tập Chuguev, ở thành phố Kharkov ngày 22-8.
Trong số các xe thiết giáp được đưa đến miền Đông có cả 25 chiếc xe tăng, bao gồm T-64 BM "Bulat", T-64BV và T-72, cùng với hệ thống phóng rocket nhều nòng BM-21 Grad, các loại tên lửa phòng không, hệ thống chống tăng Stugma, các loại pháo chống tăng và pháo tự hành cùng nhiều xe quân sự Hammer.
Trong khi đó, với những thiệt hại nặng nề từ các đợt tiến công trước đây, quân đội Ukraine cũng đang hối thúc các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nước này khẩn trương sửa một 1.000 trang thiết bị quân sự cũ, bởi số lượng viện trợ nước ngoài chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Dù đặt nhiều hy vọng vào việc nhận được viện trợ quân sự từ phương Tây, tới nay, Ukraine mới chỉ nhận được 500 trang thiết bị quân sự. Các trang thiết bị quân sự này không có vũ khí sát thương, bao gồm radar, thiết bị quan sát ban đêm, thiết bị tìm nhiệt và một số xe Hammer của Mỹ.
Kiev tiếp tục tăng cường binh lực đến miền đông đất nước
Trong ngày 22-8, phát biểu trước các binh sĩ tăng, thiết giáp Ukraine tại thao trường Chuguev, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đã đích thân thừa nhận, Kiev thực hiện thỏa thuận “Minsk-2” chỉ nhằm mục đích tranh thủ thời gian để củng cố quốc phòng.
"Cho dù người ta chỉ trích đến đâu chăng nữa thì Hiệp định Minsk cũng đã tạo ra khoảng ngưng thuận lợi, cho chúng tôi thời gian để tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine”. Ông Poroshenko nói và lưu ý rằng Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục tăng thành phần hợp đồng vũ khí cho quân đội.
Tuy nhiên, vị Tổng thống này tiếp tục có những biện bạch rất "buồn cười", nhằm bao biện cho những yếu kém trong tác chiến của quân đội nước này. Ông Poroshenko cho biết, Ukraine tăng cường binh lực đến Donbass để “giúp khắc phục phần nào sự lạc hậu thua kém rõ ràng về kỹ thuật quân sự so với Nga".
Tổng thống Ukraine giải thích rằng, vũ khí trang bị mới sẽ được điều động đến các khu vực chiến sự nguy hiểm và vùng giáp biên giới Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng. trong tương lai gần, các hình thức triệu tập nhập ngũ và tổng động viên sẽ được duy trì.
Ông Poroshenko cũng lưu ý rằng trước khi hết năm 2015, chính phủ nước này sẽ đưa vào biên chế lực lượng vũ trang Ukraine hơn 300 xe bọc thép, 400 xe ô tô, 30.000 rocket và nhiều đạn dược, vũ khí cá nhân.
Miền đông Ukraine đang đứng trước bờ vực tiếp tục cuộc nội chiến được người ta dự báo rằng, nó sẽ chỉ dừng lại khi một bên thất bại toàn diện, phải chịu những điều kiện của bên kia.
Tổng thống Ukraine Poroshenko phát biểu trước các binh sĩ tăng, thiết giáp Ukraine
Nếu tiếp tục đánh, sẽ không còn thỏa thuận Minsk nào nữa
Ngày 23-8, tờ Contra Magazin của Áo đã có bài viết đả phá việc Kiev tỏ vẻ đạo đức giả, bỏ nốt những đồng tiền cuối cùng còn lại vào chiến tranh. “Khó thể vượt các chính trị gia Ukraine về mức độ đạo đức giả và điên rồ” - bài viết được InoTV dẫn lại cho biết.
Một mặt, Kiev nói về thỏa thuận ngừng bắn và cải cách nhằm cải thiện nền kinh tế, nhưng mặt khác họ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Mối đe dọa quân sự từ phía đông là tương lai có thể dự đoán trong một thập kỷ. Tác giả Marco Meyer chỉ ra điều này.
Mayer phân tích, trong khi Ukraine đang trên bờ vực phá sản thì hiện đại hóa quân đội là mục tiêu ưu tiên hàng đầu được ông Poroshenko nhấn mạnh. Cuộc chiến ở phía đông đã ngốn hết các nguồn lực tài chính, là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Ukraine trở nên yếu kém.
Tiền từ IMF và EU được dự định giải quyết các vấn đề kinh tế lại được đổ vào chiến tranh. Như vậy, các nhà đầu tư quốc tế đang gián tiếp góp phần phá nát Ukraine, đẩy ra xa hơn giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột - ông Mayer nhấn mạnh trong phần kết luận của bài báo.
Tờ báo mạng của Đức “Telepolis” ngày 23-8 nhận định, Kiev cố ý duy trì Ukraine trong tình trạng chiến tranh. Trước cuộc gặp của Petro Poroshenko với ông Francois Hollande và bà Angela Merkel ở Berlin, có vẻ như Ukraine không còn cần đến một thỏa thuận ngừng bắn. Kiev đã và đang tuân thủ các thỏa thuận Minsk chỉ trên lời nói, còn trên thực tế, chính quyền Ukraine cố gắng duy trì đất nước trong tình trạng chiến tranh, và làm tất cả mọi thứ để không cung cấp quy chế đặc biệt cho khu vực Donbass, tờ báo ghi nhận.
Theo quan điểm của tờ "Telepolis", điều khoản khó giải quyết nhất trong Hiệp định Minsk là quy chế đặc biệt của hai nước cộng hòa không được công nhận, chứ không phải lệnh ngừng bắn và trao đổi tù binh. Mục tiêu của Kiev là khiêu khích lực lượng dân quân, khiến chiến tranh tiếp diễn.
Tờ báo mạng của Đức nhận định rằng, không có bí mật gì là chính quyền Ukraine đã cố gắng bỏ qua Hiệp định Minsk để tiếp tục cái gọi là "sự xâm lăng của Nga" bằng các phương tiện chính trị, kinh tế và quân sự.
Vào ngày 24 tháng 8 diễn ra cuộc gặp của ông Petro Poroshenko với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin. Tờ "Telepolis" lưu ý đến việc, Kiev nhiều lần nhấn mạnh rằng, cuộc gặp được tổ chức theo sáng kiến của Poroshenko mà không có sự tham gia của Nga.
|
Cuộc nội chiến đã tiêu tốn sạch ngân sách giành cho phát triển kinh tế
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lưu ý rằng, cuộc gặp tại Berlin không phải là cuộc hội đàm trong định dạng Normandy. Ông Lavrov cũng bày tỏ hy vọng rằng, cuộc họp ba bên sẽ mang tính chất giáo dục, ông Hollande và bà Merkel sẽ thúc đẩy Kiev thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk.
Tờ "Telepolis" dự đoán rằng, chắc là ở Berlin, ông Poroshenko sẽ kêu gọi Pháp và Đức áp dụng "các biện pháp kiên quyết để chống lại sự xâm lăng của Nga". Trong khi trên thực tế, các đại diện của OSCE đã cáo buộc cả hai bên - lực lượng ly khai Donbass và cả Kiev đều không thực hiện thỏa thuận Minsk.
Theo tác giả bài báo Florian Rötzler, có vẻ như "tàu đã chạy rồi", cả Kiev và lực lượng dân quân đều không còn quan tâm tới việc thực hiện lệnh ngừng bắn.
Miền đông Ukraine đang đứng trước trận đánh quyết định cuối cùng. Nếu thắng, Ukraine sẽ đòi lại được Donbass nhưng nếu thua, sẽ không bao giờ có một thỏa thuận Minsk nào nữa.
Tuy nhiên, ông Rötzler hy vọng rằng, bà Merkel và ông Hollande sẽ làm bất cứ điều gì để tránh bị "xấu hổ", bởi vì Hiệp định Minsk gắn chặt với tên tuổi của họ.
Theo Huy Bình
Đất Việt