DNews

Ukraine căng mình vượt "vành đai lửa" trong trận địa mìn lớn nhất thế giới

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine đã triển khai lực lượng công binh và thiết bị do phương Tây cung cấp để rà phá bom mìn, nhưng mạng lưới phòng thủ dày đặc của Nga vẫn là thách thức lớn với nỗ lực phản công của Kiev.

Ukraine căng mình vượt "vành đai lửa" trong trận địa mìn lớn nhất thế giới

"Nơi bị rải mìn nhiều nhất thế giới"

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 1

Một số loại mìn thường được chôn hoặc rải trên mặt đất ở Ukraine (Ảnh: Getty).

Quân đội Nga đã xây dựng mạng lưới bãi mìn dày đặc trong cuộc xung đột tại Ukraine, đặc biệt để đối phó với chiến dịch phản công đang diễn ra của Kiev. Nga đã đặt mìn sâu dưới lòng đất và dựng nhiều lớp mìn nhằm phá hủy các thiết bị rà phá mìn của Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 13/8 thừa nhận Ukraine là quốc gia bị rải mìn nhiều nhất thế giới.

"Những bãi mìn trải dài hàng trăm km, hàng triệu thiết bị kích nổ, ở một số nơi trên tiền tuyến, mật độ rải mìn lên đến 5 quả/m2", ông Reznikov nói.

GLOBSEC, một tổ chức tư vấn toàn cầu, đã công bố một báo cáo tiết lộ rằng khoảng 30% diện tích Ukraine, tương đương hơn 170.000km2, từng là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt và sẽ cần các hoạt động rà phá bom mìn kỹ lưỡng.

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 2

Ukraine trở thành một trong những quốc gia có nhiều bom mìn nhất trên thế giới (Đồ họa: Guardian).

Theo Washington Post, sau hơn một năm chiến sự bùng phát, Ukraine trở thành một trong những quốc gia có nhiều bom mìn trên lãnh thổ nhất thế giới. Diện tích lãnh thổ chứa đạn pháo, mìn, bom của Ukraine ước tính rộng bằng với bang Florida của Mỹ.

Báo Mỹ dẫn lời các chuyên gia cho hay lượng bom, mìn ở Ukraine lớn đến mức nếu nước này có 500 đội rà phá thì phải mất 757 năm để xử lý xong số thuốc nổ còn sót lại trên lãnh thổ.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính ngân sách cho việc rà phá bom mìn ở Ukraine có thể vượt quá 37 tỷ USD cho đến năm 2033.

Dựa trên dữ liệu do chính phủ Ukraine và các tổ chức rà phá bom mìn nhân đạo thu thập, nỗ lực xử lý bom mìn của Ukraine có thể kéo dài trong nhiều thế hệ.

Greg Crowther, giám đốc chương trình của tổ chức Nhóm tư vấn bom mìn, nhận định: "Số lượng vũ khí khổng lồ ở Ukraine là chưa từng có trong 30 năm qua. Không có nơi nào giống như vậy".

Các loại mìn trên mặt trận Ukraine

Có rất nhiều loại bom mìn đang nằm trên lãnh thổ Ukraine và mỗi loại lại có mối nguy hiểm khác nhau.

Trang tin Business Insider đã liệt kê 4 loại mìn chính được Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các loại mìn này được chia thành hai nhóm chính gồm mìn sát thương và mìn chống tăng.

Mìn sát thương

Mìn nổ mảnh

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 3

Mìn "bướm" (Ảnh: Trung tâm huấn luyện tác chiến quân đội Đức Letzlingen).

Mìn nổ mảnh là loại mìn phổ biến nhất, được thiết kế để gây thương tích nặng hoặc khiến đối phương tử vong.

Theo trang Howstuffworks, mìn nổ mảnh được chôn dưới mặt đất chỉ vài cm và thường được kích nổ bằng áp lực khoảng 5-16kg.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết lực lượng rà phá bom mìn đã "tìm thấy và vô hiệu hóa" cả mìn nổ PMN-2 và PMN-4 ở Ukraine.

Với mìn PMN, loại vũ khí này chứa lượng thuốc nổ lớn đến mức có thể khiến binh sĩ phải tháo chân.

Theo HRW, PMN-2 là "loại mìn hình tròn, có vỏ bằng nhựa", đồng thời lưu ý rằng Ukraine từng phá hủy kho dự trữ loại mìn này vào năm 2003.

Một loại mìn nổ khác gây tranh cãi trong cuộc xung đột Nga - Ukraine là PFM-1, còn được gọi là mìn "bướm". Loại mìn này được phóng từ rocket và rải trên một khu vực rộng lớn.

Phần thân bằng nhựa cỡ nhỏ của mìn PFM-1 chứa khoảng 37gr chất lỏng có sức nổ mạnh. Loại mìn này bị cấm theo Công ước Cấm mìn sát thương năm 1997.

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 4

Mìn PMN-2 (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin/Wikimedia Commons).

Mìn nhảy

Dây bẫy hoặc áp lực nhỏ thường được dùng để kích hoạt những loại mìn này. Khi được kích hoạt, một thanh kim loại nhô ra khỏi mặt đất, tung quả mìn lên không trung ở độ cao khoảng 1m, rồi phát nổ và gây thương tích khủng khiếp.

Mìn phân mảnh

Khi mìn phân mảnh phát nổ, loại mìn này sẽ phát tán các mảnh thủy tinh hoặc kim loại theo các hướng khác nhau, gây thương tích ở khoảng cách 200m, theo Howstuffworks.

HRW cho biết họ đã tìm thấy mìn "phân mảnh giới hạn" OZM-72 được sử dụng ở Ukraine. HRW mô tả OZM-72 là "đạn xuyên giáp đa mục đích".

Loại mìn khiến binh sĩ Ukraine sợ nhất là POM-2 và POM-3. Chúng được rải bằng rocket, sau đó bung dù và rơi xuống đất. Khi binh sĩ đối phương gặp phải loại mìn này, chúng sẽ bay lên cao tầm ngang ngực và phát nổ, phóng ra 1.850 mảnh văng với phạm vi sát thương lên tới 16m.

Mìn chống tăng

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 5

Mìn chống tăng tại một vị trí do quân đội Ukraine kiểm soát ở hướng Velyka Novosilka (Ảnh: Getty).

Mìn chống tăng là phiên bản mạnh hơn nhiều của mìn sát thương. Loại mìn này được thiết kế để gây thiệt hại tối đa cho xe tăng đối phương bằng cách phá hủy lớp giáp của phương tiện này.

Theo Howstuffworks, để kích nổ mìn chống tăng cần áp lực lớn khoảng 158-338kg.

Nhiều loại mìn chống tăng được sử dụng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, bao gồm PTM-1 và TM-62M.

HRW cho biết mìn PTM-1 "có hình chữ nhật, thân bằng nhựa" do trực thăng thả xuống hoặc được phóng từ hệ thống pháo phản lực. Theo HRW, cả Nga và Ukraine đều sở hữu loại mìn này.

Trong khi đó, TM-62M là "loại mìn hình tròn lớn, có vỏ kim loại". Loại mìn này có thể được đặt bằng máy hoặc bằng tay. Cả Nga và Ukraine được cho là đều dự trữ loại mìn này.

Thách thức từ bãi mìn

Cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine Andrey Zagorodnyuk cho rằng, khoảng 2 triệu quả mìn trên lãnh thổ đang làm chậm đà phản công của Kiev.

Theo ông Zagorodnyuk, ở một số khu vực, các quả mìn chỉ nằm cách nhau vài mét, khiến việc rà phá trở nên phức tạp và đòi hỏi thời gian đáng kể. Chỉ riêng nhiệm vụ phá mìn đã khiến cho các cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine gặp nhiều khó khăn hơn.

Những binh sĩ tham gia giai đoạn đầu trong cuộc phản công của Ukraine phải đối mặt với những bãi mìn trải dài khoảng 20km. Đây được xem là một trong những lý do chính khiến đà tấn công của Kiev không như kỳ vọng.

Ukraine đã phải thay đổi chiến lược phản công vào mùa hè này, sau khi nhiều xe tăng và xe chiến đấu bị mắc kẹt trong các cánh đồng rải đầy mìn. Điều này khiến xe tăng của Ukraine dễ trở thành mục tiêu tấn công của pháo binh hoặc máy bay không người lái Nga.

Đối mặt với "vành đai lửa" của Nga, các binh sĩ Ukraine thậm chí phải bỏ lại xe tăng do phương Tây cung cấp và di chuyển bằng cách đi bộ.

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 6

Các xe phá mìn Leopard 2R của Ukraine bị hư hại sau khi cố gắng tạo các vệt đường an toàn qua bãi mìn của Nga (Ảnh: Quân đội Nga).

Lực lượng công binh rà phá bom mìn tại Ukraine phải đánh cược với tử thần, khi phải đối mặt với một công việc nguy hiểm với khối lượng rất lớn nhưng nhân sự mỏng.

Lính công binh thường tiếp cận bãi mìn vào ban đêm và bắt đầu công việc của họ ngay trước bình minh, với hy vọng tránh được hỏa lực của pháo binh. Nếu đối phương phát hiện có sự xuất hiện của lính công binh, hỏa lực sẽ lập tức được kích hoạt.

Lính công binh sẽ phải bò trên mặt đất, sử dụng thanh kim loại dài khoảng 60cm để chọc xuống đất, sau đó sử dụng ngòi nổ 90 giây để phá hủy bất cứ thứ gì được phát hiện.

Máy dò kim loại có thể trở nên vô dụng khi mặt đất rải đầy mảnh bom mìn. Lính công binh làm việc theo ca 4 tiếng, trong thời gian đó họ có thể dọn sạch một khu vực rộng 60cm, dài 100m.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên nếu những người lính được điều động để rà phá bom mìn, mở đường cho các đơn vị tiến công, có thể không trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Quốc phòng Ukraine không công bố chính xác số lượng lính công binh chuyên rà phá bom mìn. Họ được cho là mục tiêu số 1 của pháo binh Nga.

Hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố có 6.000 lính công binh đang phục vụ trong quân đội, nhưng con số này trên thực tế có lẽ thấp hơn nhiều.

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 7

Bãi mìn là một trong những lớp phòng thủ của Nga gây thách thức lớn nhất cho lực lượng phản công của Ukraine (Đồ họa: New York Times).

Lực lượng công binh Ukraine cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị. Ukraine đã kêu gọi phương Tây cung cấp thêm phương tiện để rà phá bom mìn. Bộ Quốc phòng Ukraine gần đây tuyên bố họ cũng sẽ tự chế tạo thiết bị rà phá để san phẳng các bãi mìn.

Mick Ryan, cựu tướng quân đội và hiện thành viên của Viện Lowy, nhận định, trong vài thập niên qua, công nghệ rà phá bom mìn của Ukraine đã không phát triển nhanh như các lĩnh vực chiến tranh khác, chẳng hạn việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa dẫn đường chính xác. 

"Ukraine cần một Dự án Manhattan trong lĩnh vực rà phá bom mìn", ông Ryan nói, đề cập đến chương trình được Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 để chế tạo bom nguyên tử.

Ngoài những bãi mìn đã được đặt sẵn, Nga cũng sử dụng vũ khí chống tăng để đối phó các phương tiện rà phá bom mìn của Ukraine. Đây là một trong những trở ngại khó khăn nhất đối với cuộc phản công của Ukraine trong khi Kiev không có đủ các vũ khí quân sự để loại bỏ chúng.

Theo Rob Lee, chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia (Mỹ), Nga đã triển khai các bãi mìn theo "những cách sáng tạo" như một phần của nhiều tuyến phòng thủ. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch phản công của Kiev từ đầu tháng 6, các lực lượng Ukraine đã chịu thương vong đáng kể và bị chậm nhịp độ tiến công vì những bãi mìn dày đặc của Nga.

Chuyên gia Lee nhận định, khi các lực lượng Ukraine triển khai các phương tiện rà phá để dọn đường qua các cánh đồng rải đầy mìn, Nga đã phát huy năng lực chống tăng, trong khi Kiev để lộ một lỗ hổng lớn trong cuộc phản công.

Nỗ lực vượt trận địa mìn

Các thiết bị rà phá bom mìn hiện đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Ukraine nhằm vượt qua các bãi mìn dày đặc của Nga trên khắp mặt trận.

Lính công binh thuộc Lữ đoàn cơ giới 33 và Lữ đoàn xung kích 47 thực hiện một trong những bước đi đầu tiên khi sử dụng thiết bị rà phá bom mìn MCLC. Thiết bị này gồm một sợi dây chứa chất nổ mạnh được phóng bằng động cơ tên lửa đẩy, có thể tạo ra một con đường xuyên qua bãi mìn và các chướng ngại vật khác.

Mặc dù MCLC không thể giúp Ukraine giành chiến thắng trong các trận chiến, nhưng nếu không có thiết bị rà phá này, Kiev chắc chắn sẽ thất bại. Mark Hertling, một tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định MCLC là một thiết bị đơn giản về kỹ thuật, nhưng có vai trò quan trọng trong việc công phá bãi mìn.

Theo học thuyết của Liên Xô, MCLC là thiết bị quan trọng đối với các tiểu đoàn công binh nhằm hỗ trợ cho các đơn vị tấn công ở tiền tuyến. Tuy vậy, vấn đề với MCLC là chúng có những sợi dây dài chứa chất nổ mạnh nhưng không được bảo vệ, do vậy dễ bị tấn công.

Một video ghi lại cuộc tấn công của Ukraine gần thành phố Bakhmut, vùng Donbass cho thấy các lực lượng Ukraine đã triển khai cùng lúc nhiều tổ hợp rà phá mìn M58.

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 8

Tổ hợp rà phá bom mìn M58 MICLIC của quân đội Mỹ (Ảnh: Defense Express).

Tổ hợp rà phá bom mìn M58 MICLIC được trang bị cho quân đội Mỹ từ năm 1988. Với nguyên lý hoạt động giống với tổ hợp rà mìn UR-77 của Liên Xô, một động cơ tên lửa đẩy sẽ được phóng đi kéo theo một đoạn dây chứa thuốc nổ. Khi chạm đất, lượng chất nổ kéo theo sẽ được kích hoạt và phá hủy các chướng ngại vật và bãi mìn trong phạm vi khoảng 800m2.

Sức công phá mạnh mẽ của tổ hợp M58 MICLIC được nhận định có thể giúp quân đội Ukraine đẩy nhanh đà tiến công mà vẫn bảo đảm an toàn cho các cuộc đột kích của bộ binh cơ giới.

Được đặt trên khung gầm cơ sở của xe quân sự M353 hoặc M200A1, các tổ hợp M58 MICLIC có thể hoạt động trong nhiều điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau. Thời gian triển khai của loại khí tài này cũng khá nhanh, chỉ mất từ 3 phút đến 5 phút. Tuy nhiên, nhược điểm của tổ hợp rà mìn M58 MICLIC là các binh sĩ sẽ cần tới 30 phút để nạp lại chất nổ cho lần phóng kế tiếp.

Nhiều phương tiện rà phá bom mìn đã được phương Tây viện trợ cho Ukraine. Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov xác nhận Cơ quan Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp nước này đã nhận được xe bọc thép Armtrac 400 đầu tiên để  rà phá bom mìn tại tỉnh Kharkov.

Phương tiện rà phá bom mìn Armtrac 400 do công ty Armtrac có trụ sở tại Anh chế tạo, được xem là phương tiện rà phá bom mìn lớn và mạnh mẽ nhất từng được sản xuất. Tùy loại địa hình, các xe Armtrac 400 mỗi giờ có thể dọn được vật liệu nổ trong phạm vi hơn 2.400m2.

Lớp giáp của Armtrac 400 có độ dày lên tới 10mm. Cùng với tấm kính chống đạn dày 40mm, Armtrac 400 có thể chịu được mức công phá của 10kg mìn chống tăng.

Đối mặt với hàng nghìn quả mìn của Nga trong cuộc phản công, các lực lượng Ukraine đang sử dụng kỹ thuật ảnh nhiệt để phát hiện các bãi mìn.

Ukraine căng mình vượt vành đai lửa trong trận địa mìn lớn nhất thế giới - 9

UAV gắn camera ảnh nhiệt có thể hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực rà phá mìn (Ảnh: Getty).

Theo CNN, các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến đã gắn một camera ảnh nhiệt trên máy bay không người lái (UAV) vào lúc hoàng hôn. Các camera di động này sẽ bay phía trên các bãi mìn của Nga và phát hiện tín hiệu nhiệt từ những quả mìn được đặt dưới lòng đất. Nhiệt độ mà những quả mìn này thu được từ mặt trời mùa hè vào ban ngày vẫn được giữ lại khi mặt trời lặn, khiến chúng hiển thị rõ hơn trên camera ảnh nhiệt.

Máy bay không người lái gắn camera ảnh nhiệt luôn sẵn sàng được cung cấp cho lực lượng tiền tuyến của Ukraine và có giá thành tương đối rẻ, khoảng 5.000 USD mỗi chiếc.

Paul McCann, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ về rà phá bom mìn HALO, nói rằng các chuyên gia rà phá bom mìn của họ đã sử dụng kỹ thuật này ở Angola và cho thấy hiệu quả nhất định. Ông cho biết tín hiệu nhiệt từ các quả mìn có thể nhìn thấy rõ hơn vào lúc bình minh và hoàng hôn, khi chúng tương phản nhiều hơn với nhiệt độ bên ngoài.

Tuy vậy, Pete Smith, quản lý chương trình Ukraine tại tổ chức Halo, cho biết mức độ ô nhiễm bom mìn ở Ukraine là chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Tổ chức này hiện có 900 người rà phá bom mìn ở Ukraine, chủ yếu là người dân địa phương, và dự kiến con số này có thể lên tới 1.200 người vào cuối năm nay.

"Nếu muốn rà phá hết bom mìn (ở Ukraine) trong 10 năm, sẽ cần ít nhất 10.000 người rà phá", ông Smith nói, dựa trên số mìn được rải ở Ukraine tính đến thời điểm hiện tại.

Theo Guardian, BI, CNN, Washington Post

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine