1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Ukraina ra khỏi khối SNG?

Hôm nay, quốc hội Ukraina sẽ thảo luận khả năng nước này ra khỏi khối các quốc gia độc lập (SGN). Sau hơn 20 năm tồn tại, Cộng đồng các nước thuộc Liên Xô cũ lại đứng trước thách thức mới.

Ukraina ra khỏi khối SNG?
Ukraina đổ lỗi xung đột ở miền đông nước này cho Nga. Đây là nguyên nhân khiến Ukraina muốn rút khỏi SNG

Vitali Kovalchuk, phó chủ tịch đảng “Khối Poroshenko” cho hay vấn đề rút Ukraina khỏi tổ chức SNG sẽ được xem xét tại Quốc hội Ukraina ngày 8/12.

Tác giả của đề xuất này là các nghị sĩ của đại diện cho liên minh cầm quyền hiện nay tại Ukraina gồm Khối Poroshenko của Tổng thống Petro Poroshenko và Đảng Mặt trận Dân tộc của Thủ tướng Arseniy Yatsenuyk.

Dự thảo nghị quyết hồi được đưa ra cuối tháng 11/2014 với mục tiêu chấm dứt quy chế thành viên và sự tham gia của Ukraina ở các tổ chức của SNG. Nội dung toàn văn bản hiện chưa được công bố.

Sau hơn 20 năm tồn tại, SGN đã có những vai trò nhất định trong lịch sử. Nhờ sự ra đời của SNG mà sự giải thể của Liên Xô thành 15 quốc gia độc lập đã diễn ra không đến nỗi hỗn loạn, đường biên giới mới của các quốc gia mới độc lập về cơ bản được giữ nguyên (mặc dù ở một số nước vẫn có những tranh chấp lãnh thổ). Có thể coi việc ra đời SNG đã giúp tránh được “sự đổ vỡ tan tành” của Liên Xô. SNG đã góp phần duy trì hòa bình, bảo đảm an ninh cho các nước thành viên.

Ngoài ra, một số cơ chế hợp tác trong lĩnh vực quân sự - an ninh cũng đã ra đời, thực hiện được phần nào chức năng giải quyết các tranh chấp quân sự và các xung đột vũ trang. SNG đã xây dựng được một nền tảng luật pháp liên quốc gia cho hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, buôn lậu ma tuý, tội phạm kinh tế, buôn người, xâm phạm bản quyền và một số loại tội phạm khác. Sự ra đời của SNG cũng góp phần ngăn chặn sự phá sản về mặt kinh tế của các nước thành viên.

Tuy nhiên, so với những thành công, những hạn chế, yếu kém trong liên kết SNG có phần nhiều hơn. Liên kết chính trị mang tính hình thức, kém hiệu quả hợp tác thực tế, nên chưa thu hút sự quan tâm đúng mức của các nước thành viên. SNG thiếu sự gắn kết, phối hợp với nhau trong xử lý các vấn đề của khối cũng như trên trường quốc tế.

Cùng với sự vận động phức tạp của thế giới và khu vực, sự trưởng thành của các quốc gia SNG với tư cách là các chủ thể quan hệ quốc tế, đường lối chính trị của các nước này ngày càng có xu hướng tách rời Nga. Từ số thành viên ban đầu là 12 nước, về sau một số nước tỏ ra không mặn mà với SNG, riêng Gruzia năm 2009 đã tách hẳn ra khỏi SNG.

Một số nước SNG bộc lộ ý muốn thoát khỏi “vòng ảnh hưởng” của Nga, nghiêng về Mỹ và các nước phương Tây. Họ bắt đầu điều chỉnh cơ cấu quân sự của mình theo các tiêu chuẩn của NATO, tham gia từng phần vào các cơ chế của NATO.

Chưa hết, tiến trình liên kết kinh tế SNG diễn ra rất chậm chạp, mức độ liên kết yếu ớt. Dù các nước SNG đã ký với nhau rất nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế với các dạng thức khác nhau, song trên thực tế, các điều khoản của những văn bản, hiệp định này chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. Vai trò của SNG cả trên lĩnh vực kinh tế - thương mại cũng khá mờ nhạt.

Sự thất bại của SNG có thể đước lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Có thể thấy có khá nhiều những thế lực bên ngoài đã và đang triển khai cuộc giành giật quanh đường hướng vận động của các nước SNG trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự - an ninh, kinh tế - thương mại..., nhưng rõ nhất là Mỹ và các nước Tây Âu. Cho đến nay, Mỹ và nhiều nước Tây Âu vẫn lo ngại Nga sẽ nổi lên thành một “đế chế mới” trong không gian “hậu Xô viết”, và họ cho rằng điều này làm tổn hại đến lợi ích nhiều mặt của họ. Vì vậy, các nước này đã và đang tìm mọi cách cản trở Nga thúc đẩy quá trình liên kết SNG. Chính sự can thiệp, lôi kéo của các nước phương Tây đã thúc đẩy sự phân hoá của SNG.

Đáng chú ý nhất là vào năm 1997, các nước Gruzia, Ukraina, Azecbaijan và Moldova thành lập nhóm GUAM, mang tính chống Nga rõ rệt. Nhóm này hoạt động ngoài khuôn khổ SNG, nhưng trong phạm vi của Hội đồng Đối tác châu Âu - Đại Tây Dương bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự và chương trình Đối tác vì hoà bình của NATO. Năm 2009, theo sáng kiến của EU, một chương trình mang tên" Đối tác phương Đông" được thông qua, với sự tham gia của 27 nước thành viên EU và 6 nước thành viên SNG (Azecbaijan, Armenia, Belarus, Ukraina, Gruzia và Moldova).

Chương trình này có mục đích thúc đẩy 6 nước nói trên đến gần hơn với EU, trước hết là xích lại gần những tiêu chuẩn và giá trị cần thiết cho sự liên kết chính trị và kinh tế với EU. Hội nghị thượng đỉnh EU và 6 nước “Đối tác phương Đông” được tổ chức 2 năm một lần, lần thứ hai đã diễn ra cuối tháng 9/2011 tại Ba Lan. Theo một số nhà nghiên cứu, việc tham gia Chương trình này của các nước SNG nói trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình liên kết SNG.

Sau 20 năm tồn tại, nhìn vào thực trạng liên kết SNG, cho đến nay vẫn khó đưa ra câu trả lời SNG là gì. Dường như SNG vẫn vừa là một giải pháp tình thế, một dạng thức gìn giữ, điều phối các mối quan hệ có chiều dài lịch sử giữa các nước thuộc Liên Xô cũ, vừa là một kiểu hợp tác, liên kết của các thực thể kinh tế, chính trị - xã hội độc lập, mới ra đời trong một không gian vừa rất rộng lớn, vừa rất riêng, rất phức tạp, hầu như “có một không hai” trên thế giới.

Tất cả những nhân tố này, cùng với tác động nhiều chiều của các nhân tố bên ngoài đã làm cho tiến trình hợp tác, liên kết SNG trở nên vô cùng khó khăn. Nhưng lại có một sự thật hiển nhiên rằng, các nước SNG sẽ khó khăn hơn, bất ổn hơn nếu đứng riêng rẽ, đơn độc. Hơn nữa ngả theo phương Tây, tham gia các tổ chức liên kết ở châu Âu - Đại Tây Dương đối với nhiều nước SNG cũng không phải muốn là được.

Bài học kinh nghiệm rút ra qua hơn 20 năm tồn tại SNG cho thấy, vấn đề cơ bản của SNG không phải là các nhà lãnh đạo thiếu ý chí, thiếu quyết tâm hoặc khó tìm sự đồng thuận, mà là thiếu các biện pháp, hành động cụ thể để thúc đẩy hợp tác, nhất là các biện pháp để các nước thành viên tìm thấy lợi ích thiết thực trong tiến trình liên kết SNG.

Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)
Đây là tổ chức liên minh các quốc gia được thành lập theo Hiệp ước kí ngày 8/12/1991 tại Minsk (Belarus) giữa các nước Belarus, Nga, Ukraina. SNG ra đời trong hoàn cảnh sau khi Liên Xô tan rã, 15 nước cộng hoà thuộc Liên Xô đã tuyên bố độc lập, tuy nhiên các nước có yêu cầu phối hợp hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá... đã dẫn đến thành lập tổ chức này.
Đến 21/12/1991, các nước Azecbaijan, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan đã gia nhập SNG và sau đó là Gruzia, nâng số thành viên lên 12.
Nhiệm vụ của SNG là bảo đảm an ninh tập thể, tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự, xã hội và pháp luật, ngăn ngừa và quản lí xung đột.
 
Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes