1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Úc phải làm nhiều hơn “vẫy cờ” ở Biển Đông

Để cân bằng quyền lực với Trung Quốc ở Biển Đông, Úc được trông chờ có nhiều hành động cụ thể hơn là chỉ “vẫy cờ” báo hiệu sự hiện diện.

Trang The Strategist của Úc vừa đăng tải một bài phân tích của Sam Fairall-Lee nhấn mạnh vai trò của Úc ở Biển Đông và gợi mở những hành động cụ thể mà Canberra có thể làm để đối phó ý đồ cưỡng ép của Trung Quốc ở vùng biển địa chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới này.

Từ thực tiễn mối quan hệ với Trung Quốc của các nước ASEAN cho thấy, việc tự bản thân các nước trong khu vực phản đối Bắc Kinh quá mạnh có thể khiến họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những đòn trả đũa khi chắc chắn rằng ý đồ độc chiếm của nước láng giềng khổng lồ này khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Song song đó, niềm tin đặt vào Mỹ trong việc duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở cũng bị giảm sút khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận kiểu giao dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các mối quan hệ quốc tế cũng làm giảm uy tín của Mỹ trong mắt các nước ASEAN. Những lời hứa mơ hồ của một siêu cường cách xa hàng ngàn km cũng trở nên ít có trọng lượng khi đặt trong những toan tính chính trị.

Các phản ứng quân sự rõ ràng nhất của Mỹ đối với Trung Quốc là các chiến dịch tự do hàng hải (FONOPs) xung quanh một số cấu trúc nằm trong yêu sách quá đáng của Trung Quốc, cũng như một số chuyến thăm và diễn tập tại cảng với các đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, những sáng kiến này chưa mang lại sự đảm bảo cần thiết để khuyến khích các quốc gia ASEAN thực sự cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.

Theo Đô đốc hải quân Úc Michael Noonan, sự xuất hiện của một vài tàu chiến của Úc cũng không chắc đã mang lại nhiều niềm tin cho các quốc gia ASEAN khi đặt trong tương quan với hải quân Trung Quốc.

Úc phải làm nhiều hơn “vẫy cờ” ở Biển Đông - 1

Hải quân của Úc. (Ảnh: THE STRATEGIST)

Nếu Mỹ và Úc muốn xây dựng uy tín thực sự với các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực cân bằng sức mạnh tập thể với Trung Quốc tại Biển Đông thì Mỹ và Úc cần chứng minh khả năng nhiều hơn là lặp lại lời hứa mơ hồ. Hai siêu cường này cần thể hiện rõ ràng ý định và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông với các đối tác ASEAN sẽ là một cách thực thi cam kết trên. Nếu như trước đây các quốc gia ASEAN coi các cuộc tuần tra chung với Mỹ là điều không tưởng, thì điều này không đúng với Úc. Sự tham gia của Úc sẽ ít mang tính khiêu khích hơn so với Mỹ và có nhiều khả năng nhận được sự hỗ trợ từ các nước ASEAN.

Các cuộc tuần tra chung ở phía nam Biển Đông với Indonesia sẽ là điểm khởi đầu tốt để báo hiệu rõ ràng một thái độ cứng rắn đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ có nguy cơ làm xấu thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc của Úc vốn đã bị đóng băng từ lâu. Nhưng so với những lợi ích trong việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc ở Biển Đông, đây vẫn là một sự lựa chọn khả thi cho Úc.

Theo Kim Nguyên
Pháp luật TP. HCM