1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Úc: Bang Tasmania e ngại dự án 100 triệu USD của Trung Quốc

Trung Quốc đang đặt quyết tâm vào bang Tasmania, miền Nam Úc, với dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái trị giá 100 triệu USD.

Dự án đã được Công ty Quản lý Du lịch và Nông nghiệp Cambria Green - dưới quyền lãnh đạo của doanh nhân Úc gốc Hồng Kông Ronald Hu và doanh nhân Trung Quốc Liu Kejing - đề xuất hồi tháng 4. Trải rộng trên 3.000 ha ở bờ Đông Tasmania, dự án này được xem là một trong những cơ hội phát triển du lịch lớn nhất của bang.

Trên trang Facebook công ty, 2 doanh nhân trên cho biết họ đưa ra dự án trên nhằm mục đích thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn, vừa để thưởng thức vẻ đẹp của bờ Đông Tasmania vừa đem lại giá trị kinh tế cộng thêm và việc làm cho khu vực. Theo trang News.com.au, dự án trên hy vọng thu hút khách du lịch Trung Quốc giàu có đến khu vực này. Trong năm 2017, tổng cộng có 279.000 du khách quốc tế đã đến Tasmania, chi tiêu gần 500 triệu USD; riêng khách du lịch Trung Quốc đến Tasmania đã tăng 60% so với năm 2016.

Tasmania hiện là địa phương ở Úc có lượng nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất, theo báo The Guardian (Anh). Tuy nhiên, dự án được các nhà đầu tư Trung Quốc hậu thuẫn này đang gây ra nhiều bàn cãi, dân cư địa phương lo ngại môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Bà Anne Held, Chủ tịch Liên minh bờ Đông, cho biết người dân địa phương cảm thấy mờ mịt về dự án trên, đồng thời họ không tin dự án sẽ nâng cao con số việc làm đáng kể.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên trong chuyến thăm tới Tasmania, Úc năm 2014. Ảnh: APP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên trong chuyến thăm tới Tasmania, Úc năm 2014. Ảnh: APP

"Họ không tổ chức hỏi ý kiến trước khi đệ trình kế hoạch xây dựng khu vực đó. Các nhà phát triển không công bố họ thực sự muốn điều gì và chính do không biết nên người dân có cảm giác không tin cậy" - bà Anne thừa nhận. Bà cho biết thêm cư dân còn lo ngại sự phát triển dự án, nếu thực sự diễn ra, có thể ảnh hưởng đến quần thể thực vật và động vật ở Tasmania.

Trong khi đó, Đảng Tasmanian Greens - vốn phát triển từ nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường ở Tasmania - nêu cao những mối lo ngại ngày càng tăng về quyền sở hữu và tầm ảnh hưởng của nước ngoài ở Tasmania. Ngoài ra, thủ lĩnh Tasmanian Greens, bà Cassy O’Connor, đặt vấn đề về ý đồ chính trị và mục tiêu chiến lược của chính phủ Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ không phải là những kẻ ngốc dễ lợi dụng đối với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ đến và bảo vệ chủ quyền của Tasmania, an ninh thực phẩm, lối sống và văn hóa của chúng tôi từng ngày một" - bà khẳng định.

Tuy vậy, nhà phát triển Hu đã phản bác ý tưởng dự án trên có liên quan đến sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Còn người dân địa phương ít quan ngại về sự căng thẳng chính trị mà lo ngại nhiều hơn về mức độ ảnh hưởng mà cộng đồng của họ phải gánh chịu từ dự án.

Các ý kiến trái chiều về dự án được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng về chính trị giữa Canberra và Bắc Kinh vẫn chưa hạ nhiệt. Quan hệ giữa hai bên đang đứng trước một giai đoạn đầy thử thách khi chính quyền Úc có thể sắp thông qua dự luật mới nhằm ngăn chặn nguy cơ gián điệp và sự can thiệp của nước ngoài về chính trị, sau khi giới tình báo và các chuyên gia hồi năm 2017 cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các hãng truyền thông, trường đại học và chính trường Úc. Thêm vào đó, Canberra cũng thể hiện nước này có thể sẵn sàng giao chiến với Trung Quốc nếu căng thẳng leo thang ở biển Đông.

Theo Lục San

Người lao động