UAV sát thủ không chiến Nga tập kích, phá hủy tổ hợp tên lửa Ukraine
(Dân trí) - Máy bay không người lái (UAV) của Nga đã phá hủy hệ thống phòng không Buk-M1 của Ukraine trong một trận tập kích.
Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 được triển khai để bảo vệ các vị trí của quân đội Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom. Tuy nhiên, một trận tập kích của UAV Lancet Nga khiến hệ thống Buk-M1 bị phá hủy hoàn toàn, theo trang tin Avia Pro.
UAV tự sát giúp Nga tấn công hiệu quả hơn trước Ukraine nhờ khả năng tấn công chính xác, cơ động hơn so với việc kéo các tổ hợp pháo kích thước lớn trên chiến trường.
Lancet hoạt động theo cơ chế mang thuốc nổ bay lơ lửng trên không trung và liên tục tìm kiếm mục tiêu. Khi mục tiêu được xác nhận, UAV sẽ tấn công tự sát như cơ chế của một tên lửa không đối đất. UAV này được đặt tên là "Lancet", tức là "dao mổ", vì khả năng tấn công mục tiêu chính xác cao như "trong một cuộc phẫu thuật".
UAV Lancet của nhà thầu ZALA Aero được trang bị một số hệ thống định vị mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử. UAV này có kênh liên lạc đặc biệt để truyền hình ảnh các mục tiêu và xác nhận việc phá hủy chúng thành công.
Lancet có tốc độ ấn tượng khoảng 110km/h, khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 3kg cùng với việc được tích hợp hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. Lancet được nhận định là có thể gây ra thiệt hại lớn với các trang thiết bị quân sự của đối phương. Lancet có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 40km và có trọng lượng cất cánh tối đa 12kg (gồm cả thuốc nổ).
Trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Lancet đã phá hủy nhiều hệ thống vũ khí, radar, thiết giáp hạng nhẹ, cứ điểm của phía Kiev. Lancet hiện được trang bị cho hầu hết các đơn vị của Nga ở mặt trận phía đông và phía nam Ukraine.
Theo nhà sản xuất, Lancet có nhiều lợi thế so với các vũ khí khác. Thứ nhất, nó hoạt động theo cơ chế "bay lảng vảng", tức là luôn được triển khai trên không và sẵn sàng tấn công mục tiêu bất cứ lúc nào, kể cả mục tiêu di động như pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong một cuộc chiến thực sự. Thứ 2, Lancet khá nhỏ, nhẹ nên gần như "tàng hình" trước radar phòng không truyền thống. Thứ 3, giá thành của UAV này khá rẻ nếu so với các loại đạn tấn công chính xác cao truyền thống.
Dù Buk-M1 khá cũ, nhưng các chuyên gia đánh giá việc hệ thống phòng không này bị phá hủy là một tổn thất đáng kể đối với quân đội Ukraine. Điều này là do quân đội Ukraine chỉ có một số lượng tương đối nhỏ các hệ thống phòng không loại này, trong khi Ukraine không thể triển khai các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa hiện đại của phương Tây ở tiền tuyến. Thay vào đó, các hệ thống phòng không hiện đại được thiết kế để bảo vệ các thành phố và cơ sở quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine.
Buk-M1 là một trong những loại tên lửa đất đối không tầm trung tự hành phổ biến nhất thế giới hiện nay. Buk-M1 được đưa vào sử dụng từ năm 1979 với nhiệm vụ chính là tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay trực thăng và cánh cố định, máy bay không người lái của đối phương.