1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tỷ phú đề xuất ông Putin điều hành châu Âu

Trong khi nhiều tỷ phú phương Tây lên tiếng bày tỏ sự tín nhiệm đối với tổng thống Putin, thì tình hình châu Âu đang trở nên hết sức rối ren.

Tổng thống Putin nên điều hành châu Âu

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Mail, ông Bernie Ecclestone, Giám đốc điều hành tập đoàn Công thức 1 cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên là người đứng ra điều hành châu Âu.

Ông Bernie Ecclestone không che giấu sự ngưỡng mộ dành cho ông chủ điện Kremlin và bày tỏ niềm tin vào một trật tự thế giới mới.

“Ông ấy là người nên lãnh đạo châu Âu. Ông ấy sẽ sắp xếp lại trật tự những gì đang diễn ra ở Syria. Một điểm hay là ông Putin làm điều ông ấy tin là đúng đắn và ông ấy giữ vững quan điểm này. Rất khó xoay chuyển ý định của ông ấy”,ông Bernie Ecclestone khẳng định.

Trước đó, doanh nhân 85 tuổi người Anh cũng đã từng có nhiều người lên tiếng bày tỏ sự tín nhiệm và niềm tin với Tổng thống Putin.

Ngày 14/2, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã dành nhiều lời khen ngợi vai trò của ông chủ điện Kremlin trong cuộc chiến tại Syria. "Chỉ có một người duy nhất trên hành tinh này có thể chấm dứt cuộc nội chiến Syria bằng một cú điện thoại, đó chính là ông Putin", ông Hammond khẳng định.

Ngoại trưởng Anh cũng nói thêm: “Chỉ cần ông ấy gọi một cú điện thoại cho ông Assad, nói rằng cuộc chơi đã đến hồi kết thúc, và thế là mọi chuyện sẽ ổn. Tôi tin chắc rằng vào thời điểm thuận lợi nhất, điều đó sẽ xảy ra”.

Không lâu trước đó, hôm 17/12/2015, vị tỷ phú đang tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá cao quan điểm của nhà lãnh đạo nước Nga trong các vấn đề quốc tế.

Ông Bernie Ecclestone (phải) trò chuyện cùng Tổng thống Nga (giữa). Ảnh: TASS
Ông Bernie Ecclestone (phải) trò chuyện cùng Tổng thống Nga (giữa). Ảnh: TASS

Ông Donald Trump tự tin vào mối quan hệ tốt với Putin và nói thêm: “Tôi luôn cảm thấy Nga và Mỹ có thể làm việc tốt với nhau trong vấn đề chống khủng bố và lập lại hòa bình thế giới, chứ chưa nói gì đến lĩnh vực thương mại và tất cả những lợi ích khác xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau”.

Trước đó, ngày 8/6/2015, Fox News dẫn ý kiến của tướng Mỹ đã về hưu, Jack Keane trong một cuộc phỏng vấn cho hay: "Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn là nhà lãnh đạo đáng nể nhất và uy tín nhất trên thế giới hiện nay".

Theo tướng Keane, ông Putin một nhà lãnh đạo quốc tế mạnh mẽ nhất trên thế giới. Hơn nữa, ông cũng giành được đại đa số sự ủng hộ của người dân mình.

Hồi tháng 11/2014, tờ Tiếng nói nước Nga dẫn lời nam diễn viên Mỹ nổi tiếng Mickey Rourke cho rằng ông Putin là "một chàng trai tuyệt vời xuất sắc" khi xuất hiện trước công chúng trong chiếc áo phông in hình chân dung ông Putin.

Nam diễn viên cho hay: "Tôi đã gặp ông Putin và tôi có cảm tưởng là chúng tôi quý mến lẫn nhau. Tôi cho rằng ông Putin là một chàng trai xuất sắc tuyệt vời và vì vậy tôi đã mua chiếc áo phông này".

Châu Âu ngày càng rối ren

Trong một diễn biến khác, tình hình châu Âu thời gian gần đây đang ngày càng trở nên rối ren và bế tắc.

Trước làn sóng người di cư, một số nước châu Âu đã đưa ra những đề xuất không chính thức về việc thu hẹp khu vực Schengen với lý do dòng người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi có thể tràn vào châu Âu thông qua các nước Trung Âu.

Hôm 21/2, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cảnh báo trong hai tuần tới, các nước EU "cần phải thống nhất một cách tiếp cận chung nếu không muốn viễn cảnh Schengen đổ vỡ xảy ra".

Trong khi đó tình hình EU vẫn đang trở nên rối ren, bế tắc.
Trong khi đó tình hình EU vẫn đang trở nên rối ren, bế tắc.

Tổ chức Bertelsmann Foundation có trụ sở tại Đức tính toán rằng trong kịch bản bi quan nhất, khi Khu vực Schengen bị phá vỡ, các trạm kiểm soát xuất hiện trở lại tại biên giới các nước, giá hàng hóa nhập khẩu có thể tăng tới 3%.

Trong đó, thiệt hại lớn nhất lên tới 235 tỷ euro cho nền kinh tế đầu tàu là Đức và 244 tỷ euro cho Pháp trong vòng một thập kỷ từ 2016 đến năm 2025.

Tổ chức này chỉ ra rằng khi phải thực hiện các biện pháp kiểm tra tại biên giới, thời gian vận chuyển hàng hóa trong châu Âu sẽ tăng lên, đẩy giá thành hàng hóa lên cao đối với các công ty và người tiêu dùng.

Ngay cả khi giá hàng nhập khẩu chỉ tăng 1%, phá bỏ Schengen cũng sẽ khiến EU phải chi phí thêm 470 tỷ euro từ nay đến năm 2025. Thiệt hại này có thể lên đến 1,4 nghìn tỷ euro, hay 10% Tổng Sản phẩm Nội khối (GDP) của liên minh 28 thành viên này.

Trong khi hiệp ước Schengen đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ thì mối lo Anh rời khỏi liên minh EU ngày càng đến gần khiến các bên vô cùng lo lắng.

Phát biểu với báo giới, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas khẳng định: Châu Âu chưa có "kịch bản B" trong trưởng hợp cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi EU. Tuy vậy, EC sẽ không tham gia chiến dịch vận động trong cuộc trưng cầu dân ý tại Anh và khẳng định bất kỳ sự can thiệp nào cũng có thể dẫn đến sự phản tác dụng.

Sau cuộc họp nội các khẩn cấp, nước Anh đã bắt đầu khởi động các chiến dịch vận động người dân trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23/6.

Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, kết quả từ cuộc trưng cầu này sẽ là quyết định cuối cùng trong việc đi hay ở lại EU của London và sẽ không có lần đàm phán thứ hai.

Theo kết quả cuộc thăm dò được đăng tải hôm 21/2, hiện có 48% số người được hỏi cho rằng nước Anh nên ở lại EU, trong khi 33% số người có ý kiến ngược lại.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt