1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tỷ phú Anh “lao đao” vì nghi án quấy rối tình dục

(Dân trí) - Tỷ phú Philip Green, một trong những doanh nhân giàu nhất nước Anh được biết đến với câu chuyện khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và truyền thông Anh, sau khi một nghị sĩ đích danh nêu tên ông trong các vụ quấy rối tình dục.

Tỷ phú Anh “lao đao” vì nghi án quấy rối tình dục

Tỷ phú Anh “lao đao” vì nghi án quấy rối tình dục - Ảnh 2.

Ông Philip Green (Ảnh: Reuters)

 BBC đưa tin, tỷ phú ngành bán lẻ Anh Philip Green, ông chủ của hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng tại Anh và toàn cầu như Topshop, BHS, Burton và Miss Selfridge, đã bị cáo buộc tội quấy rối tình dục.

Trước đó, báo Telegraph chỉ đưa tin về một doanh nhân đã có hành vi “quấy rối tình dục hoặc phân biệt chủng tộc”. Peter Hain, nghị sĩ của đảng Bảo thủ Anh, ngày 25/10 đã bất ngờ công khai nêu tên ông Green là nhân vật chính trong bài viết của Telegraph trước quốc hội nước này. Tỷ phú người Anh đã phủ nhận hoàn toàn cáo buộc trên.

Theo BBC, báo Telegraph đã mất 8 tháng để điều tra các nghi án xâm hại tình dục chống lại ông Green. Tuy nhiên, việc tiết lộ tên của nghi phạm vướng nghi án quấy rối tình dục trên báo chí và truyền thông trong vụ việc này đã bị tòa án cấm, vì vậy Telegraph chỉ đưa tin dưới dạng nghi phạm ẩn danh. Tuy nhiên, sau thông báo rộng rãi của ông Hain, toàn bộ truyền thông Anh đã đưa tin về cáo buộc này.

Theo đó, Telegraph đã phỏng vấn 5 nhân viên/cựu nhân viên của ông Green làm việc tại tập đoàn Arcadia, hé lộ rằng họ dường như đã được “trả một khoản tiền đáng kể” để đổi lấy cam kết pháp lý rằng họ sẽ không lên tiếng về các vụ quấy rối. Chính vì vậy, tờ báo này đã không được phép nêu tên của nghi phạm.

Nghị sĩ Hain cho biết ông đã liên lạc với một nguồn thạo tin và biết được nhân vật đề cập trong bài báo của Telegraph là ông Green. Ông cho rằng việc dùng tiền để đổi các thỏa thuận không được phép tiết lộ trong trường hợp này là không đúng và ông phải có trách nhiệm chỉ đích danh người vi phạm.

Theo luật của Anh, nếu một nghị sĩ đưa ra bất cứ phát biểu nào tại quốc hội, người đó sẽ không bị truy tố trước tòa. Đây là một trong những điều luật cổ xưa nhất của Anh và ông Hain đã sử dụng quyền này để tiết lộ danh tính của ông Green.

Dư luận Anh đánh giá cao cách ông Hain lên tiếng vì sự việc, cho rằng điều này là cần thiết nhằm đảm bảo tiếng nói của các nạn nhân bạo hành, cũng như những người nghèo được lắng nghe ở quốc hội.

Theo BBC, tỷ phú Philip Green vẫn được biết đến như là một tấm gương sáng cho các doanh nhân khởi nghiệp ở Anh. Ông sinh năm 1952 trong một gia đình nghèo khó, cha mất sớm. Luôn nỗ lực phải cố gắng và vươn lên trong cuộc sống, ông Green đã khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng với một cửa hàng quần áo bình dân.

Từ một cửa hàng bé nhỏ, ông dần dần phát triển quy mô, tự thuê nhà xưởng ở nước ngoài sản xuất quần áo cung cấp cho các hãng thời trang danh tiếng. Nhờ nắm bắt xu hướng tốt, cùng với sự liều lĩnh, Green đã thâu tóm về tay tập đoàn Acardia với hàng loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng tại Anh và châu Âu, trở thành một trong những “ông trùm” bán lẻ đình đám nhất xứ sở sương mù.

Tuy nhiên, tới năm 2010, ông bắt đầu gặp khó khăn khi thương hiệu BHS thua lỗ và ông Green thậm chí đã bán thương hiệu này với giá 1 bảng Anh cho Dominic Chappell, một nhà đầu tư đã 3 lần bị phá sản vào năm 2015. Sự sụp đổ của BHS đã khiến uy tín của ông giảm sút, và đẩy hàng chục nghìn lao động vào tình thế khó khăn. BBC cho rằng, với việc bị “chỉ điểm” tại quốc hội, sắp tới tương lai của ông Green sẽ còn vất vả và khó khăn hơn trong việc khôi phục lại uy tín.

Đức Hoàng

Theo BBC