Tuyệt phẩm tàu ngầm Soryu của Hải quân Nhật Bản
Ngày 17/1/2016, tờ “Bình luận quân sự (Nga) đăng tải bài viết về tàu ngầm Soryu của Hải quân Nhật Bản.
Theo đó, tờ Bình luận quân sự (Nga) lại cho đăng bài của phóng viên TASS (Nga) tại Tokyo Vasili Golovin cũng viết về chủ đề này, trong đó có đưa ra thêm một số thông tin mới (hoặc có thể là mới) - xin được tóm tắt giới thiệu với bạn đọc:
1. Theo Hiến pháp Nhật Bản, từ cuối những năm 40 của thế kỷ trước, nước này cam kết không sử dụng sức mạnh quân sự để làm phương tiện giải quyết các vấn đề quốc tế.
Chính vì vậy mà các phương tiện thông tin đại chúng Nhật Bản thường ít đề cập đến lĩnh vực quốc phòng và càng ít khi so sánh quân đội Nhật Bản với quân đội các nước khác. Nhưng trên thực tế, Nhật Bản có một tiềm lực quân sự hùng hậu, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm.
2. Năm 1998, trong cuộc tập trận Hải quân đa quốc gia tiến hành 2 năm/lần do Mỹ chủ trì Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) đã diễn ra một sự kiện khiến Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ là đô đốc A. Clemens bị sốc nặng.
Trong một trận hải chiến mô phỏng, một tàu ngầm Nhật Bản đã lần lượt “đánh chìm” 9 tàu chiến và tàu hỗ trợ các lớp khác nhau của Mỹ. Trong khi đó tàu ngầm Nhật vẫn không bị phát hiện.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.
3. Trong các cuộc tập trận RIMPAC tiếp sau đó, các tàu ngầm Nhật tuy không lập được “chiến công” vang dội như trong năm 1998, nhưng cũng có được những thành tích đáng nể và thường “giành chiến thắng” trong các trận hải chiến giả định với Hải quân đồng minh Mỹ.
4. Nếu như Không quân Nhật Bản được trang bị chủ yếu các máy bay của Mỹ, thì Hải quân Nhật Bản nhận các tàu ngầm và tàu nổi hoàn toàn do Nhật Bản tự sản xuất. Các tính năng kỹ chiến thuật ưu việt của các tàu ngầm Nhật Bản được đại đa số chuyên gia và các nhà phân tích quân sự phương Tây công nhận.
5. Loại tàu ngầm của Nhật Bản được các chuyên gia đặc biệt chú ý là các tàu lớp Soryu. Tàu có chiều dài 84 m, chiều rộng 9,1 m. Các tàu này được trang bị 4 hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập Stirling nên có thể ở dưới nước lâu hơn các tàu ngầm chạy điện – diesel khác.
Soryu có 6 ống phòng ngư lôi 533 mm để phóng tên lửa chống hạm Harpoon. Chiếc tàu ngầm Soryu đầu tiên được đưa vào trực chiến năm 2009.
6. Tàu ngầm Soryu được đánh giá là một trong những tàu ngầm “phi nguyên tử” tốt nhất trên thế giới tính theo các tiêu chí như tiếng ồn (tối thiểu) và thời gian lặn dưới nước (tối đa).
Do trang bị động cơ AIP nên nó không cần phải nổi để nạp ắc quy. Chính vì vậy mà tàu có thể lặn dưới nước trong một khoảng thời gian tương đối dài. Thêm nữa, các tàu ngầm lớp Soryu được cho là có khả năng hoạt động sát đáy biển rất tốt và điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trong khi tuần tiễu ở vùng biển Đông Á vì khu vực này có tương đối nhiều vùng biển nông.
7. Đã có 6 chiếc Soryu được đưa vào trang bị cho Hải quân Nhật Bản. Đến năm 2019, con số trên sẽ là 10. Tổng cộng Hải quân Nhật hiện nay có 18 tàu ngầm. Đến năm 2022 – sẽ có tổng cộng 22 tàu ngầm và theo đáng giá của Tokyo thì chúng hoàn toàn có khả năng kiểm soát toàn bộ vùng biển nằm trong khu vực lợi ích của Nhật Bản.
8. Hải quân Nhật Bản đặc biệt chú ý công tác tuyển chọn và huấn luyện thủy thủ tàu ngầm. Các thủy thủ phải qua các kỳ kiểm tra tâm lý hết sức kỹ lưỡng và qua nhiều giai đoạn để xác định khả năng sống trong không gian kín, không có ánh sáng mặt trời và không khí tự nhiên trong một thời gian dài.
9. Các thông tin về các chiến dịch tàu ngầm là bí mật quốc gia. Các thành viên của tàu bị cấm tuyệt đối, không được tiết lộ thông tin về mục đích và thời gian các chuyến ra khơi.
Ngay cả chỉ huy lực lượng tàu nổi và không quân tuần tiễu Nhật Bản cũng không được thông báo về hoạt động của các tàu ngầm. Đồng minh Mỹ đánh giá rất cao nguyên tắc trên và khả năng giữ bí mật về hoạt động của tàu ngầm Nhật Bản.
10. Những kỹ năng đó rất có ích cho người Nhật trong các “cuộc chơi dưới nước” với một đối thủ chính mới của Nhật – Hải quân Trung Quốc. Có nguồn tin khẳng định là tàu ngầm Nhật Bản có khả năng phát hiện tàu ngầm “lạ” ở cự ly tới 80 km.
Trong trang bị của tàu ngầm Nhật có “ngân hàng tiếng ồn” – tức là “chân dung âm thanh” của phần lớn các tàu ngầm “lạ” hoạt động trong khu vực. Một sỹ quan Bộ tham mưu Hải quân Nhật Bản khẳng định với phóng viên TASS (tức V. Golovin như đã nói ở trên) là Bộ tham mưu Hải quân Nhật Bản xác định chính xác vị trí của tất cả các tàu ngầm Trung Quốc khi đang di chuyển trong từng phút một ngay sau khi chúng rời căn cứ.
Việc phát hiện được thực hiện bằng các biện pháp và phương tiện đồng bộ - các tàu ngầm Nhật Bản, vệ tinh gián điệp Mỹ và phân tích các tín hiệu vô tuyến.
11. Khu vực hoạt động chủ yếu của các chiến dịch tàu ngầm Nhật Bản hiện nay – Biển Đông Trung Hoa, nơi Hải quân Trung Quốc đang gia tăng hoạt động. Khu vực được đặc biệt chú ý là quần đảo Nansei (tức Ryukyu), có nghĩa là vùng biển giữa Kyushu và Đài Loan.
Khu vực Tsushima, cũng như các lối ra Thái Bình Dương từ Biển Đông Trung Hoa tại vùng biển Okinawa và Kyushu cũng được kiểm soát rất chặt chẽ. Nhật Bản đang tìm cách giám sát khu vực giữa Đài Loan và Philippin, tức là khu vực (lối ra) cũng được các tàu Hải quân Trung Quốc sử dụng để ra đại dương.
12. Nhật Bản rất quan tâm đến việc phổ biến công nghệ Nhật Bản trong lĩnh vực đóng tàu cho các nước được cho là đồng minh tiềm năng của Nhật Bản trong kiềm chế Trung Quốc. Tháng 11/2015, Nhật Bản đã chuyển đến Úc đề nghị cùng đóng tàu ngầm để trang bị cho Hải quân Úc.
Theo Lê Hùng – Nguyễn Hoàng (tổng hợp)
Đất Việt