1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tướng Sudan giải tán chính phủ sau khi bắt giữ Thủ tướng

Minh Phương

(Dân trí) - Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền Sudan, hôm nay tuyên bố giải tán chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc chỉ vài giờ sau khi quân đội bắt giữ Thủ tướng.

tuong sudan_Getty.jpg

Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền Sudan (Ảnh: Getty).

Theo hãng tin Gulf News, phát biểu trên truyền hình hôm nay 25/10, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cho biết, ông đã giải tán Hội đồng Chủ quyền Sudan cũng như chính phủ của Thủ tướng Abdalla Hamdok.

Ông này cho biết, quân đội của ông đã tiến hành đảo chính để "chấm dứt tình trạng đối đầu giữa các chính trị gia, ngăn chặn nguy cơ kích động bạo lực". Ông Burhan nói, sự đối đầu giữa các phe phái kéo theo bạo lực buộc quân đội phải hành động.

Ông Burhan cho biết sẽ lập ra một chính phủ kỹ trị và tạo ra nhiều thể chế nhà nước như tòa án tối cao. Ông nhấn mạnh, Sudan vẫn giữ cam kết với các thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết.

"Để chấn chỉnh đường lối của cuộc cách mạng, chúng tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, giải tán hội đồng chủ quyền lâm thời và giải tán nội các", ông Burhan nói. Ông khẳng định, quân đội sẽ tiếp tục thực hiện quá trình chuyển giao dân chủ cho đến khi quyền lực được trao cho một chính phủ dân sự.

Những tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một nhóm người có vũ trang xông vào dinh thủ tướng, bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao. Thủ tướng Abdalla Hamdok và nhiều quan chức cấp cao Sudan đã bị lực lượng vũ trang quản thúc và đưa đến một nơi bí mật. Binh sĩ Sudan được cho là cũng đột kích các trung tâm truyền hình và đài phát thanh.

Bộ Thông tin Sudan chỉ trích đây là một cuộc đảo chính sau nhiều tuần căng thẳng giữa quân đội và các quan chức dân sự trong chính phủ chuyển tiếp. Văn phòng Thủ tướng Hamdok kêu gọi quân đội Sudan phải chịu trách nhiệm về tính mạng và sức khỏe của ông.

Chính phủ chuyển tiếp Sudan được lập ra từ năm 2019 sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Theo kế hoạch ban đầu, Hội đồng Chủ quyền Sudan sẽ phải chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự cho đến cuộc bầu cử vào năm 2023.

Các động thái của quân đội Sudan đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Hàng nghìn người Sudan đã xuống đường biểu tình, đập phá bên ngoài trụ sở của quân đội.

Liên Hợp Quốc chỉ trích việc lực lượng an ninh Sudan bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự, trong đó có Thủ tướng Hamdok, là "không thể chấp nhận được".
Mỹ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến ở Sudan và kêu gọi quân đội Sudan để chính phủ chuyển tiếp ở nước này tiếp tục làm công việc của mình. Đặc phái viên Mỹ tại Sừng châu Phi Jeffrey Feltman, người đang ở thăm thủ đô Khartoum của Sudan, cũng nhanh chóng rời khỏi quốc gia này.

Josep Borrell, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, cho biết đang theo dõi sát sao tình hình ở Sudan và kêu gọi tất cả các bên liên quan và đối tác khu vực theo dõi quá trình chuyển đổi chính trị ở đất nước này.

Cùng ngày, Liên minh châu Phi kêu gọi quân đội và chính phủ dân sự Sudan lập tức đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm