1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tướng lĩnh quân đội Thái Lan đồng ý gặp thủ lĩnh biểu tình Suthep

(Dân trí) - Giới tướng lĩnh quân đội nắm nhiều quyền lực ở Thái Lan đã quyết định sẽ gặp thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban theo đề xuất của ông này để tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tướng lĩnh quân đội Thái Lan đồng ý gặp thủ lĩnh biểu tình Suthep
Dư luận hy vọng cuộc gặp sắp tới giữa Tư lệnh quân đội Thái Lan và ông Suthep sẽ giúp tìm ra giải pháp chấm dứt khủng hoảng.

Thông cáo của các lực lượng vũ trang công bố cuối ngày 12/12 cho biết quân đội Thái Lan đã quyết định gặp thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban trong cuộc họp dự kiến vào ngày mai.

 “Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thái Lan, Tướng Thanasak Patimaprakorn,  sẽ là nhà trung gian hòa giải giữa các bên liên quan để tìm ra lối thoát cho đất nước”, thông cáo cho biết.

Cuộc gặp sẽ có sự tham dự của tư lệnh các đơn vị hải, lục và không quân Thái Lan.

Đây là chuyển biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vốn đang đe dọa vận mệnh của chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Nó cũng đánh dấu việc lực lượng quân đội một lần nữa phải ra tay can dự vào tình hình chính trường nhiều bất ổn sau khi lực lượng biểu tình chống chính phủ quyết tâm lật đổ bà Yingluck để loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng chính trị của dòng họ Shinawatra.

Trước đó, chính ông Suthep đã đưa ra đề xuất tiến hành cuộc gặp này , đồng thời tuyên bố sẽ ngăn cản cuộc tổng tuyển cử sắp tới và tiếp tục xúc tiến kế hoạch thành lập "Hội đồng nhân dân".

Trong cuộc gặp với 7 hiệp hội kinh doanh của Thái Lan, thủ lĩnh biểu tình tuyên bố sẽ làm tất cả để ngăn chặn cuộc bầu cử diễn ra vào đầu tháng 2 năm sau theo đề xuất của bà Yingluck. Theo ông, cuộc bầu cử cần được trì hoãn vì Thái Lan đang trong tình trạng bất bình thường.

Thủ lĩnh biểu tình cũng tiết lộ chi tiết về "Hội đồng nhân dân" mà phe đối lập muốn thành lập. Theo đó, hội đồng này sẽ gồm 300 thành viên được lựa chọn từ tất cả các nhóm đại diện trong xã hội. Trong số này sẽ có 1/3 được bổ nhiệm giữ trọng trách cải cách chính trị.

Cũng trong cuộc gặp, ông Suthep tái khẳng định lập trường buộc Thủ tướng Yingluck phải từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ tạm quyền cho tới khi “Hội đồng nhân dân” vạch ra xong kế hoạch cải cách chính trị.

Trong khi đó, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp mềm mỏng trong cuộc khủng hoảng nhằm tránh gây đối đầu căng thẳng. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng đã mời các đoàn ngoại giao ASEAN và nhiều nước khác ở Bangkok tới để giải thích về tình hình bất ổn, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc tổng tuyển cử vốn được thực hiện nhằm trao toàn quyền quyết định cho người dân.

Vũ Anh
Tổng hợp