1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tương lai nào cho Dải Gaza và cục diện Trung Đông sau một năm?

Nguyên Long

(Dân trí) - Cuộc xung đột tại Gaza không chỉ liên quan đến riêng người Israel và Palestine mà còn kéo theo cả sự tham gia của các quốc gia, dân tộc khác và đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.

Tương lai nào cho Dải Gaza và cục diện Trung Đông sau một năm? - 1

Một tòa nhà đổ nát do chiến sự tại Dải Gaza (Ảnh: Reuters).

Tương lai nào cho Dải Gaza?

Một năm đã qua kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bắt đầu - một cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử xung đột Israel - Palestine từ trước đến nay và để lại những "vết sẹo" sâu sắc về chính trị, an ninh và xã hội trên khắp vùng đất Trung Đông mà chưa biết đến khi nào mới có thể "lành".

Cuộc tấn công bất ngờ của Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023 đã thúc đẩy phản ứng mạnh mẽ nhất của Israel trong nhiều thập kỷ, khiến cho Gaza - dải đất nhỏ hẹp bên bờ Địa Trung Hải lại một lần nữa trở thành tâm điểm trong vòng xoáy của bạo lực và xung đột.

Ngày nay, cuộc chiến đã lan rộng từ Gaza sang Li Băng và ít nhất sáu mặt trận khác nhau, làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục triệu người Israel và Palestine và gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất ở khu vực Trung Đông kể từ Mùa xuân Ả Rập năm 2010. Sự leo thang và lan rộng của xung đột trong khu vực khiến triển vọng về việc chấm dứt chiến tranh là rất ít nếu các bên liên quan không nỗ lực kiềm chế và tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Những gì còn lại trên Dải Gaza sau một năm xung đột?

Sau một năm xung đột khốc liệt, Dải Gaza đang chìm trong cảnh hoang tàn, đổ nát, hệ thống cơ sở hạ tầng trên dải đất nhỏ hẹp "nóng" nhất Trung Đông này gần như sụp đổ; cuộc sống và sinh kế của người Palestine gần như bị tàn phá hoàn toàn.

Tình hình nhân đạo ở Gaza đã lên đến mức thảm khốc khi tính đến ngày 03/10 đã có khoảng 42.000 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hơn 96.700 người bị thương và ít nhất 10.000 người được cho là đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát, đồng nghĩa với số người chết thực sự có thể cao hơn nhiều. 90% dân số phải di dời, tất cả các trường học đã đóng cửa kể từ khi xung đột bắt đầu, hơn một nửa số bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu của Gaza hoàn toàn không hoạt động, dịch bệnh tràn lan, tình trạng mất an ninh lương thực lan rộng và 2/3 việc làm bị mất, các tiện ích đã bị xuống cấp nghiêm trọng và ước tính có khoảng 40 triệu tấn đổ nát và mảnh vỡ ở Gaza, tương đương với sự tàn phá của các thành phố Đức trong Thế chiến II. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có thể phải mất tới 15 năm mới có thể dọn dẹp hết đống đổ nát ở Gaza ngày nay.

Tình hình càng ngày càng tồi tệ khi viện trợ nhân đạo đến Gaza rất khó khăn. Theo báo cáo hồi tháng 9 của Văn phòng Điều phối viên Nhân đạo của Liên Hợp Quốc, 46% các chuyến hàng viện trợ đã bị cản trở hoặc bị từ chối. Ngày 2/10, ông Philippe Lazzarini - Tổng Ủy viên của Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông cho biết, hơn 100.000 tấn thực phẩm đang bị mắc kẹt bên ngoài Gaza do hạn chế tiếp cận cũng như sự phá vỡ luật pháp và trật tự.

Trong khi đó, Israel cũng phải chịu hậu quả không nhỏ khi ngoài 1.200 người tử vong ban đầu trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, khoảng 64 con tin vẫn còn bị giam giữ, 117 người đã được thả và 70 người được xác nhận đã thiệt mạng, khoảng 8.700 người bị thương và hơn 100.000 người Israel đã phải di dời, đặc biệt là các cộng đồng sinh sống gần Dải Gaza và dọc biên giới phía Nam với Li Băng.

Những gì diễn ra sau một năm xung đột

Một là, xung đột tiếp tục leo thang và lan rộng: Sau một năm xung đột, bất chấp các nỗ lực của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, xung đột vẫn tiếp diễn, nhấm chìm Dải Gaza và các khu vực khác trong bạo lực, đồng thời đẩy Trung Đông tới bờ vực  một cuộc chiến toàn diện.

Trong những tuần gần đây, Israel đã leo thang đáng kể các cuộc tấn công vào nước láng giềng Li Băng, nhắm vào các khu vực được coi là thành trì của lực lượng Hezbollah trên khắp Li Băng nhằm "bảo vệ biên giới" của Israel với Li Băng và "để tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người Israel phải di dời "có thể trở về nhà". Bên cạnh đó, Israel cũng đang cân nhắc đáp trả mạnh mẽ Iran vì Tehran đã phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel hồi đầu tháng 10 vừa qua.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran chưa bao giờ cao như thời gian này. Nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh Trung Đông Burcu Ozcelik tại Viện nghiên cứu về quốc phòng và an ninh hàng đầu của Anh RUSI đánh giá, cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel đã tác động sâu sắc đến tâm lý của Israel, làm thay đổi cách tiếp cận an ninh của nước này đối với Gaza và Li Băng.

Đồng quan điểm, ông Dennis Ross, cựu quan chức Mỹ phụ trách đàm phán vấn đề Israel - Palestine nhấn mạnh, cuộc xung đột đã định hình lại quan điểm an ninh của Israel cũng như động lực khu vực, đồng thời phá vỡ kỳ vọng về một Trung Đông có thể bình yên trong bối cảnh quan hệ Ả rập Xê út - Israel đang trên đà đường bình thường hóa.

Hai là, Israel rơi vào tình trạng chia rẽ nội bộ sâu sắc hơn bao giờ hết: Cuộc xung đột Israel - Hamas càng khiến sự chia rẽ xã hội ở Israel trở nên nghiêm trọng khi xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói đối lập trong xã hội, đặc biệt là giữa một bên muốn chấm dứt cuộc chiến với Hamas ở Dải Gaza để có thể thúc đẩy các thỏa thuận đưa con tin người Israel bình an trở về nhà, một bên muốn tiếp tục cuộc chiến để giành thắng lợi cuối cùng. Hơn nữa, an ninh quốc gia của Israel cũng đang đứng trước những thách thức to lớn khi xung đột với Hamas ngày càng leo thang, số phận các con tin chưa có lời đáp, trong khi đó là giao tranh với Hezbolla ở phía Bắc cũng như các mối đe dọa từ các cuộc tấn công của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran trong khu vực đang rất lớn.

Bên cạnh đó, nỗi sợ hãi và lo lắng ngày càng sâu sắc trong lòng người dân Israel khiến cho sự bất bình trong xã hội ngày càng gia tăng. Theo khảo sát của Viện An ninh quốc gia Israel vào tháng 9, 31% người Israel đánh giá mức độ an ninh của họ ở mức "thấp" hoặc "rất thấp", trong khi chỉ 21% cảm thấy an toàn ở mức "cao" hoặc "rất cao".

Ba là, các biện pháp ngoại giao hầu như không hiệu quả: Kể từ khi chiến sự bùng phát, cộng đồng quốc tế đã liên tục triển khai các nỗ lực ngoại giao để tìm giải pháp hòa bình, tuy nhiên, những mâu thuẫn chồng chất kéo dài hàng thập kỷ đã khiến tiếng súng chưa bao giờ ngừng trên Dải Gaza kể từ ngày 7/10 năm ngoái đến nay.

Các cuộc đàm phán gần như bị đóng băng, các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình gần như không có hiệu quả ngoài một lệnh ngừng bắn ngắn ngủi kéo dài 4 ngày hồi tháng 11 năm ngoái (24-28/11/2023) để tạo điều kiện cho việc trao đổi con tin lsrael để đổi lấy tù nhân Palestine. Các vòng đàm phán hòa bình liên tiếp đã không đạt được nhiều tiến triển bất chấp việc Mỹ cùng với Ai Cập và Qatar đã nỗ lực thúc đẩy đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang và lan rộng ra toàn khu vực.

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng tại Gaza và Li Băng, đồng thời nhấn mạnh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào tác động của Mỹ tới Israel. Minh chứng rõ nhất là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối sáng kiến của Mỹ và Pháp về một lệnh ngừng bắn 21 ngày tại Li Băng, thậm chí Israel còn gia tăng các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn vào những mục tiêu quân sự nhằm đạt mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hezbolla. Trong bối cảnh này, ông Borrell cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tìm kiếm các giải pháp ngoại giao khác cho vấn đề xung đột Trung Đông và cho rằng việc chỉ dựa vào một quốc gia duy nhất cho vấn đề phức tạp trong quá trình tìm kiếm hòa đàm có thể tái diễn một viễn cảnh tương tự như Hiệp định Trại David trước đây.

Mới đây ngày 10/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cũng bày tỏ quan điểm của Bắc Kinh rằng, việc giải quyết xung đột giữa Israel và Hamas cần ý chí chính trị và nỗ lực ngoại giao; trong đó cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nước lớn có ảnh hưởng cần đóng vai trò mang tính xây dựng để ngăn chặn tình hình thêm bất ổn.

Do đó, đã đến lúc các bên liên quan cần thay đổi cách tiếp cận ngoại giao để không rơi vào vòng xoáy xung đột kéo dài. Biện pháp khả thi là chỉ có thể thông qua các nỗ lực quốc tế đa phương và cân bằng, khu vực này mới có thể hy vọng tiến tới một giải pháp hòa bình bền vững.

Tương lai nào cho Dải Gaza và cục diện Trung Đông sau một năm? - 2

Máy bay chiến đấu F-15 của Israel bắn pháo sáng trên bầu trời Gaza ngày 10/10 (Ảnh: Reuters).

Cục diện xung đột trong thời gian tới

Khi cuộc xung đột Israel - Hamas bước sang năm thứ hai, hy vọng về một lệnh ngừng bắn ngày càng trở nên mờ nhạt, nhất là khi xung đột đang lan rộng ra và ngày càng gây ra nhiều hậu quả và hệ lụy nguy hiểm về an ninh với toàn khu vực Trung Đông.

Hamas chuyển hướng sang chiến thuật chiến tranh du kích: Các cuộc tấn công không cân xứng vào lực lượng Israel đã trở thành hình thức chiến tranh chủ đạo của nhóm này kể từ tháng 5/2024 đến nay. Khi năng lực suy yếu và nhiều lữ đoàn bị giải thể, Hamas ngày càng chuyển sang chiến thuật chiến tranh du kích, phục kích binh lính Israel bằng thuốc nổ. Mạng lưới đường hầm rộng lớn của Hamas vẫn hoạt động ở nhiều khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép các chiến binh Hamas triển khai chiến thuật đánh nhanh, rút nhanh.

Mục tiêu của Hamas trong thời gian tới là sẽ tiếp tục đấu tranh vũ trang chống lại Israel trong khi vẫn duy trì được chỗ đứng vững chắc về mặt tư tưởng và chính trị ở Palestine.

Israel chuyển trọng tâm sang phía Bắc: Với việc Thủ tướng Israel Netanyahu dường như hoãn mọi kế hoạch ngừng bắn với Hamas cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, IDF đã chuyển trọng tâm sang phía Bắc đến khu vực biên giới Israel - Li Băng, nơi Hezbollah đang duy trì mặt trận thứ hai  của "Trục kháng cự" do Iran đứng đầu. Các cuộc không kích của Israel đã tiêu diệt lực lượng lãnh đạo của Hezbollah, trong khi IDF đã phát động một cuộc chiến trên bộ "có giới hạn" vào miền Nam Li Băng vào ngày 1/10.

Trong khi đó, Iran đã có những động thái tham chiến khi phóng khoảng 200 tên lửa vào Israel thời gian gần đây. Các nhà quan sát đánh giá, Trung Đông hiện đang bên bờ vực một cuộc chiến toàn diện hơn bao giờ hết.

Thời gian tới cuộc chiến ở Dải Gaza sẽ vẫn tiếp diễn như một cuộc chiến tiêu hao khi Hamas tiếp tục tổ chức chiến tranh du kích còn IDF tập trung tăng cường hiện diện của mình dọc theo hành lang Philadelphia và Netzarim. Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận chính thức trong tương lai gần để đảm bảo việc trả lại các con tin còn lại, Israel có thể sẽ nhắm đến việc duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với một số khu vực nhất định ở Gaza để tiến hành các hoạt động trong tương lai, tương tự như cách họ hoạt động ở Bờ Tây. Trong khi đó, về phía Hamas, mặc dù họ không còn hoặc có thể không mong muốn cai quản một Gaza chìm trong đổ nát do chiến tranh tàn phá nhưng có khả năng họ vẫn tiếp tục chiến đấu với IDF trong một cuộc xung đột cường độ thấp. Với sự hiện diện của quân đội Israel dự kiến sẽ vẫn tồn tại ở Gaza dưới một hình thức nào đó và Hamas còn lâu mới bị xóa sổ hoàn toàn, bạo lực vũ trang sẽ tiếp tục xảy ra ở Gaza trong tương lai gần.

Nguy cơ chiến tranh lan rộng: Nguy cơ về một cuộc chiến toàn diện giữa Israel, Hezbollah và Iran cũng đang rất cận kề. Trong thời gian tới, Israel có thể: (1) Phát động một cuộc chiến trên bộ và kéo dài vào miền Nam Li Băng để đẩy lực lượng Hezbollah ra khỏi biên giới Israel - Li Băng, lý tưởng nhất là đến hoặc qua sông Litani nhằm tái tạo lại vùng đệm mà Israel đã chiếm giữ từ năm 1985 đến năm 2000. Israel có thể sử dụng các cuộc không kích để hỗ trợ chiến dịch trên bộ để làm suy yếu đáng kể năng lực của Hezbollah, phá hủy cơ sở hạ tầng (bao gồm cả đường hầm) ở phía Nam, rút quân về Israel và đe dọa leo thang nếu Hezbollah tiếp tục tấn công. (2) Tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn kéo dài chống lại Hezbollah và có thể là Iran và các nhóm được Iran hậu thuẫn, tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc phát động chiến dịch trên bộ.

Tất nhiên, Hezbollah dưới sự hỗ trợ của Iran sẽ phản công bằng cách triển khai tấn công bằng tên lửa, tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái lớn và kéo dài vào lãnh thổ Israel, đồng thời triển khai các hoạt động trên bộ hạn chế trên lãnh thổ Israel. Các mục tiêu tấn công của Hezbolla và Iran sẽ vừa mang tính chính trị, vừa mang tính quân sự.

Bà Ruth Wasserman Lande, một cựu chính trị gia Israel nói rằng, đã đến lúc cần nỗ lực tìm kiếm một cách tiếp cận toàn diện ở khu vực, không chỉ dừng lại ở Dải Gaza, Bờ Tây hay Li Băng. Tầm nhìn bao gồm việc thiết lập các vùng đệm để ngăn chặn sự xâm nhập của khủng bố, nỗ lực tái thiết Lãnh thổ Palestine và các nước láng giềng, giải quyết vấn đề hệ tư tưởng và tình trạng kích động gây ra xung đột, hợp tác với các quốc gia Ả rập ôn hòa để đảm bảo ổn định khu vực.

Gaza - dải đất nhỏ hẹp nhưng luôn "nóng rẫy" bên bờ Địa Trung Hải - luôn là tâm điểm trong vòng xoáy bạo lực và xung đột kéo dài hàng thế kỷ giữa người Israel và Palestine liên quan đến các yêu sách lãnh thổ, tôn giáo, sắc tộc. Cuộc xung đột Israel - Hamas đang diễn ra là cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử xung đột giữa hai bên từ trước đến nay, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và chưa biết liệu có ngày về, đồng thời trở thành chương tồi tệ nhất trong ký ức sống của người Palestine mà cần phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể chữa lành.

Cuộc chiến này rõ ràng không chỉ liên quan đến riêng người Israel và Palestine mà còn kéo theo cả sự tham gia của các quốc gia, dân tộc khác và đang đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến toàn diện. Chính vì vậy, đã đến lúc các bên liên quan và cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực hợp tác thiết thực bằng các cam kết có ý nghĩa và bền vững để nhanh chóng chấm dứt bạo lực, tìm kiếm giải pháp ngoại giao hiệu quả. Việc đạt được các mục tiêu này sẽ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực cũng như thiện chí của các bên liên quan, cũng có thể là một năm, vài năm, thậm chí là cả thế hệ nhưng nó rất đáng để tất cả cùng nỗ lực vì một vùng đất Trung Đông hòa bình và ổn định.