1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tương lai mờ mịt cho Kosovo

(Dân trí) - Thời hạn chót của Liên Hợp Quốc đề ra nhằm tìm kiếm thoả thuận về tương lai của tỉnh Kosovo đã chính thức hết hạn vào ngày 10/12. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kéo dài từ tháng 2/2006 nhằm phá vỡ sự bế tắc về số phận của khu vực này đã thất bại.

Kosovo hiện vẫn là một tỉnh thuộc nước Cộng hoà Serbia nhưng các lãnh đạo người Albani tại Kosovo đã đe doạ sẽ đơn phương tuyên bố độc lập sau khi thời hạn chót kết thúc.

 

Lo ngại phản ứng bạo lực từ chính phủ Serbia, ngoại trưởng các nước trong khối NATO đã thống nhất sẽ tiếp tục giữ 16.000 binh sĩ tại Kosovo để ngăn chặn các cuộc xung đột.

 

Ngày 10/12, ngoại trưởng 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp Brussels để thảo luận về các cách thức nhằm ngăn chặn bạo lực nếu người Albani tuyên bố độc lập.

 

Nhà hoà giải Wolfgang Ischinger, quan chức Đức đại diện EU trong bộ 3 đàm phán về Kosovo (gồm Mỹ, EU và Nga) sẽ có cuộc họp với các ngoại trưởng EU trước hội nghị thượng đỉnh của khối khai mạc tại Brussels vào thứ 6 tuần này.

 

EU chia rẽ

 

Các quốc gia thành viên của EU vẫn chia rẽ về việc liệu có công nhận tuyên bố độc lập của Kosovo hay không. Một số nước châu Âu lo ngại rằng việc công nhận độc lập của Kosovo có thể tạo tiền lệ nguy hiểm cho quân ly khai ở các khu vực khác.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã ấn định thời hạn chót là ngày 10/12 các nhà hoà giải từ bộ 3 phải trình lên Liên Hợp Quốc một thoả thuận giữa Kosovo và Serbia nhưng các thuộc đàm phán đã thất bại.

 

Nhóm bộ 3 kết luận trong một bản báo cáo: “Sau 120 ngày đàm phán tập trung, các bên đã không thể đạt tới một thoả thuận nào về số phận của Kosovo. Không một bên nào muốn nhượng bộ về vấn đề cốt lõi là chủ quyền của Kosovo”.

 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tái khẳng định yêu cầu của Matxcơva rằng cần phải tiếp tục đàm phán. Phát biểu tại Brussel hôm 7/12, ông Lavrov cho biết Serbia đã đưa ra một loạt các đề xuất cụ thể, các đề xuất thoả hiệp” đòi hỏi cần phải tiếp tục đàm phán về tương lai của Kosovo.

 

Nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến

 

Cựu tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc ở Kosovo, đã đưa ra một đề xuất là trao độc lập cho tỉnh Kosovo dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.

 

Kế hoạch trên đã được người Albania chấp thuận. Tuy nhiên, Serbia lại phản đối vì lo ngại nạn phân biệt chủng tộc đối với người Serbia có thể không bị trừng phạt một khi Kosovo độc lập.

 

NATO đã bị chỉ trích sau khi tổ chức này thất bại trong việc ngăn cản các cuộc nổi loạn của người Albani năm 2004 trong đó người Serbia đã bị tấn công. 19 người đã thiệt mạng trong vụ bạo lực này.

 

Kosovo có dân số 2 triệu người, nằm dưới sự bảo hộ của LHQ kể từ khi NATO tiến hành chiến dịch đánh bom năm 1999 nhằm chấm dứt một cuộc đàn áp bạo lực của người Serbia chống lại những người những người Albania.

 

Người Albani - chiếm khoảng 90% trong tổng số 2 triệu người ở Kosovo, với sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây muốn được độc lập từ Serbia nhưng chính phủ Serbia không chấp thuận điều này. Nga cũng ủng hộ Serbia bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, luôn phản đối kế hoạch trao độc lập cho Kosovo nếu không được sự đồng tình của Serbia.

 

Vấn đề độc lập cho Kosovo cũng góp một phần khiến quan hệ giữa Nga và các phương Tây cũng trở nên căng thẳng suốt thời gian qua.

 

VTH

Theo BBC