Tục lệ đón tết ở một số quốc gia châu Á
(Dân trí) - Phong tục truyền thống tiến đưa năm cũ và chào đón năm mới ở nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới có nhiều điểm khá tương đồng. Tuy nhiên mỗi quốc gia vẫn giữ được bản sắc riêng trong ngày lễ tết, tạo cho người ta một ấn tượng khó quên nếu có dịp được thưởng lãm.
1. Myanmar.
Năm mới của người dân Myanmar được tổ chức theo phật lịch, tức vào giữa tháng 4 dương lịch. Vào dịp này, người Myanmar sẽ tổ chức lễ hội thi nhảy ếch và bưng nước chạy. Những người tham dự trò chơi phải nhảy theo tư thế của ếch hết đọan đường quy định. Còn người thi bưng nước phải vừa chạy vừa bưng một bát nước đầy đến điểm quy định sao cho nước không bị sánh ra ngoài.
Lời chúc mừng năm mới của người Myanmar là "hắt nước vào người nhau". Ở các thành phố lớn như Rangoon, Mandalay người ta để các thùng nước dọc các con phố. Luôn có người đứng chầu chực bên những thùng nước, "rình" người đi đường rồi hắt nước vào họ thay cho lời mừng tuổi
2. Ấn Độ
Đối với người Ấn Độ, thời điểm thiêng liêng nhất để chào đón năm mới là vào lúc giao thừa. Mọi người vây quanh một đống lửa lớn, ca hát và nhảy múa. Sau đó họ dùng bột mỳ kỳ cọ cơ thể, rồi vứt bột mỳ bẩn vào đống lửa coi như đã loại bỏ mọi lo lắng phiền muộn của năm cũ.
Tại những nơi công cộng, người ta còn chuẩn bị sẵn các thùng bột màu để mọi người tạt vào nhau. Ai bị tạt nhiều bột màu thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Ở một số vùng núi dân tộc ít người phía bắc, để chúc tụng năm mới người ta thường cọ mũi với nhau. Cọ càng mạnh thì làm ăn càng gặp nhiều suôn sẻ.
3. Malaysia.
Khi gặp gỡ vào dịp năm mới, người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, sau đó thu tay lại rồi áp sát vào tim chừng vài giây. Người nào lớn tuổi hơn thì chào hỏi trước. Ở đất nước này, việc chạm tay vào tay người phụ nữ là hết sức bị cấm kỵ nên những người đàn ông phải chờ cho người phụ nữ chìa tay ra trước.
4. Triều tiên
Ngày đầu năm, người Triều Tiên thức dậy từ rất sớm, lúc mặt trời vừa ló. Mỗi người sẽ lấy một ít tiền cho vào trong hình nộm bằng rơm, sau đó đem bỏ ra ngoài phố để đuổi tà ma, đón vận may. Đến xế chiều, người ta lấy tóc rụng được thu thập trong năm đem ra đốt, mong sự bình an cho cả năm.
5. Lào
Sáng đầu năm, mọi người mặc quần áo đẹp, đem theo các loại bình lọ to nhỏ đựng nước đi chúc tết. Người được chúc phải đứng yên cho người đến chúc té nước vào người. Ai bị ướt nhiều thì năm đó sẽ được nhiều may mắn hạnh phúc.
6. Nhật Bản.
Trong ngày tết, mỗi gia đình Nhật Bản có 3 cành cây treo trong nhà. Cành tre chúc phúc cho những em nhỏ hay ăn chóng lớn, cành thông cầu mong cho các thành viên trong gia đình sống lâu trăm tuổi còn cành mận chúc cho những người giúp việc luôn khỏe mạnh để phục vụ gia đình.
Bữa ăn đoàn tụ trong ngày tết của các gia đình Nhật không thể thiếu món mì ống và cá chép rán với y nghĩa đó là những thứ giúp tăng thêm sinh lực để giúp con người bước vào một năm mới thành công hơn.
7. Campuchia
Đêm giao thừa mọi gia đình làm những chiếc đèn lồng thật đẹp rồi đem ra thả trên mặt hồ. Hàng ngàn ngọn đèn trôi lung linh thành một hội hoa đăng và người ta tin rằng đèn của nhà nào vừa đẹp vừa sáng suốt đêm thì nhà ấy sang năm mới gặp nhiều điều tốt lành. Người Campuchia còn có tục đắp những núi cát nhỏ khi tết đến với ý nghĩ xây dựng sự tốt lành.
8. Mông cổ
Ngày tết, gặp nhau người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: "Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt". Ở xứ sở này, cừu đông hơn người. Hầu hết các món ăn ngày tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn. Thời khắc giao thừa người ta pha trà rót ra một cái chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 dành mời chủ nhà và sau đó lần lượt mới các thành viên khác trong gia đình.
HH
Tổng hợp