1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Từ cô gái thôn quê trở thành nhà phá mã số 1 của nước Mỹ

"The Codebreaker" được công chiếu trên "American Experience" vào tháng 1/2021 là bộ phim kể về những đóng góp của Elizebeth Friedman - nhà phá mã đầu tiên và số 1 của Mỹ.

Elizebeth Friedman đã tạo ra các chương trình giải mã của Mỹ trong Thế chiến I, giúp phá mã được bọn tội phạm, buôn lậu và góp công để phá mã Enigma trong Thế chiến II.

Cô gái thôn quê

Bộ phim tài liệu "The Codebreaker" (tạm dịch là "Nhà phá mã") được ra mắt trên hầu hết các kênh PBS ngày 11/1/20211, có thể phát trực tuyến qua ứng dụng và trang web PBS, lấy cảm hứng từ cuốn "The Woman Who Smashed Codes: A True Story of Love, Spies, and the Unlikely Heroine Who Outwitted America's Enemies" (tạm dịch là "Người phụ nữ phá mã: Câu chuyện có thật về tình yêu, điệp viên và nữ anh hùng thầm lặng đã chiến thắng kẻ thù của nước Mỹ") của Jason Fagone.

Sử dụng các hồ sơ chính phủ chưa được giải mật cho đến nhiều thập kỷ sau khi nhân vật chính qua đời để ca ngợi sự đóng góp của một người xứng đáng được công nhận là tiên phong của tình báo quân đội Mỹ, "The Codebreaker" được viết và đạo diễn bởi Chana Gazit - người đã thực hiện bộ phim tài liệu "Surviving the Dust Bowl" năm 1998 - là một trong những tập phim thành công nhất từng được "American Experience" thực hiện.

Elizebeth Smith Friedman sinh ngày 26/8/1892 tại Huntington (Indiana) là con út trong số 9 đứa trẻ còn sống và lớn lên trong một trang trại. Trong những năm 1911-1913, Elizebeth theo học Đại học Wooster (Ohio), nhưng cô đã bỏ học khi mẹ cô bị bệnh, chuyển đến trường Cao đẳng Hillsdale (Michigan) và năm 1915 - tốt nghiệp chuyên ngành văn học Anh. Yêu thích ngôn ngữ, cô đã học tiếng Latinh, Hy Lạp và Đức… Năm 1915, Elizebeth trở thành hiệu trưởng của một trường trung học công lập ở Wabash (Indiana), tuy nhiên, năm 1916, cô bỏ việc và chuyển về sống cùng cha mẹ.

Định mệnh nghề nghiệp

Việc Elizebeth và người chồng trẻ William Friedman đóng một vai trò to lớn trong chiến tranh là một câu chuyện thú vị. Cả hai đều được nhà triệu phú công nghiệp dệt may, sở hữu Phòng thí nghiệm Riverbank và quan tâm đến Shakespeare là Đại tá George Fabyan tuyển dụng, để giúp ông chứng minh giả thuyết của mình rằng, nhà quý tộc người Anh Francis Bacon là tác giả thực của vở kịch "Shakespeare" nổi tiếng.

Một giả thuyết phổ biến vào đầu thế kỷ 20 cho rằng, Bacon đã nhúng một đoạn mã phức tạp vào văn bản của các vở kịch, và Fabyan đã thành lập Phòng thí nghiệm Riverbank, Geneva (Illinois), vào năm 1916, để nghiên cứu chứng minh lý thuyết của mình. Đây là một trong những cơ sở đầu tiên ở Mỹ được thành lập để nghiên cứu mật mã và nhà triệu phú đã chiêu mộ Elizebeth trẻ trung làm việc. Cô gặp và kết hôn với William Friedman vào tháng 5/1917, khi cùng làm việc tại điền trang.

Từ cô gái thôn quê trở thành nhà phá mã số 1 của nước Mỹ - 1

Elizebeth Smith sinh ra và lớn lên trong một điền trang; Nguồn: wikipedia.org

Khi vào cuộc, hai nhà nghiên cứu trẻ nhận ra giả thiết Bacon hoàn toàn không được chứng minh bằng bằng chứng và tìm cách rời đi khi Fabyan tình nguyện để nhân viên của mình phục vụ việc phá mã trong Thế chiến I. Cho đến khi MI8 - Cục Cơ yếu của Quân đội - được thành lập dưới thời Herbert Yardley trong Thế chiến I, Riverbank là cơ sở duy nhất ở Mỹ có khả năng xử lý các tin nhắn có mật mã.

Đại tá Fabyan đã cung cấp các dịch vụ của phòng thí nghiệm cho chính phủ. Trong Thế chiến I, một số cơ quan của Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Phòng thí nghiệm Riverbank giúp đỡ hoặc cử nhân viên đào tạo nhân sự. Cặp đôi đã làm việc cùng nhau trong bốn năm, cho đến khi cái gọi là "Phòng đen" của Herbert Yardley được thành lập vào năm 1919; năm 1921, vợ chồng Friedman rời Riverbank để làm việc cho Bộ Chiến tranh ở Washington.

Thành công

Elizebeth là người khai phá mã chính cho quân đội Mỹ và đi tiên phong trong nhiều kỹ thuật đã được sử dụng rất thành công. Khi thiết bị vô tuyến trở nên ít cồng kềnh, ít bị phát hiện và tinh vi hơn, để tránh thuế và các khoản phí khác, những kẻ buôn lậu đã tuồn rượu, ma túy, nước hoa, đồ trang sức và thậm chí cả đậu pinto vào Mỹ. Để che giấu hành tung, thông tin liên lạc về những hoạt động tội phạm này đã được những kẻ buôn lậu mã hóa và chuyển cho nhau.

Là một trong những chuyên gia phân tích mật mã hàng đầu, Elizebeth cùng lực lượng tình báo của cảnh sát biển chống buôn lậu quốc tế, giải mã các tin nhắn tội phạm, bao gồm các mật mã được viết bằng tiếng Quan Thoại, và thường trực tiếp làm chứng trong các phiên tòa để giúp kết tội những kẻ lừa đảo. Từ năm 1927 đến năm 1939, đơn vị này có tầm quan trọng đặc biệt khi buôn lậu là vấn đề rất "nóng" ở Mỹ, và do đó, được điều về Lực lượng Phòng thủ Bờ biển.

Trong Thế chiến II, Elizebeth làm việc cho Hải quân nhưng không được phép lãnh đạo đơn vị phá mã. Là phụ nữ, Elizebeth phải báo cáo với một nam sĩ quan cấp dưới vì khi đó, phụ nữ không được phép có vị trí quyền lực đó. Sinh thời, Elizebeth giải mã hàng chục nghìn tin nhắn, khám phá được 24 hệ thống mã hóa khác nhau được những kẻ buôn lậu sử dụng. Năm 1931, bà là một trong những người thuyết phục Quốc hội Mỹ về sự cần thiết phải tạo ra một bộ phận phân tích mật mã gồm bảy người, có văn phòng làm việc riêng.

Từ cô gái thôn quê trở thành nhà phá mã số 1 của nước Mỹ - 2

Elizebeth Friedman được coi là nhà phá mã đầu tiên và số 1 của Mỹ; Nguồn: military.com

Elizebeth đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp giữa chính phủ Canada và Mỹ về quyền sở hữu của con tàu I'm Alone. Canada đã đệ đơn kiện đòi phía Mỹ bồi thường 350.000 USD, nhưng thông tin tình báo thu thập được từ 23 thông điệp do Elizebeth giải mã đã chỉ ra quyền sở hữu thực tế thuộc về Mỹ, giống như Mỹ khẳng định ban đầu; do đó, hầu hết các yêu sách của Canada đã bị bác bỏ.

Năm 1937, chính phủ Canada cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Elizebeth khi một vụ buôn bán thuốc phiện đã phát triển thành một vụ án điểm. Elizebeth đã làm chứng trong phiên tòa xét xử Gordon Lim và một số người Trung Quốc khác, giải mật mã phức tạp mặc dù bà không thông thạo tiếng Trung, trong khi ngôn ngữ vốn là chìa khóa, làm cơ sở để kết án các bị cáo.

Elizebeth đã để lại dấu ấn về số phận của Velvalee Dickinson - cô gái kết hôn với người đứng đầu một công ty môi giới là người Mỹ gốc Nhật, hoạt động gián điệp cho Nhật Bản. Thư từ của Velvalee, chứa tài liệu được mã hóa đề cập đến sự di chuyển quan trọng của tàu hải quân ở Trân Châu Cảng, đã được Elizebeth phân tích và xử lý - cơ sở để buộc tội Dickinson.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đơn vị Cảnh sát biển của Elizebeth được chuyển giao cho Hải quân, là nguồn cung cấp thông tin tình báo chính của Mỹ về Chiến dịch Bolívar - vô hiệu hóa mạng lưới gián điệp bí mật của Đức ở Nam Mỹ. Trước cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng, người ta lo ngại Đức có thể tấn công Mỹ qua Mỹ Latinh nhằm phân tâm và làm suy yếu sức mạnh của Mỹ trên các mặt trận châu Âu.

Từ cô gái thôn quê trở thành nhà phá mã số 1 của nước Mỹ - 3

Vợ chồng nhà phá mã số 1 Mỹ Elizebeth Smith Friedman; Nguồn: wikipedia.org

Nhóm của Elizebeth đã giải mã nhiều hệ thống mật mã được người Đức sử dụng và khám phá 3 mạng gián điệp - 1 của Thụy Sĩ và 2 của đặc vụ SS (Đức). Sau khi các mạng gián điệp bị phá vỡ, Argentina, Bolivia và Chile đoạn tuyệt với Trục phát xít và ủng hộ Đồng minh. Trong Thế chiến II, nhóm của Elizebeth đã giải mã 4.000 tin nhắn được gửi trên 48 mạch vô tuyến khác nhau. Vì công việc bí mật, khi FBI triệt hạ các mạng tình báo của đối phương, Elizebeth lặng lẽ cam chịu khi J. Edgar Hoover nhận hết công lao về mình.

Vinh danh

Sau Thế chiến II, Elizebeth làm cố vấn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tạo ra các hệ thống thông tin liên lạc bảo mật cao dựa trên các băng ghi một lần. Sau khi nghỉ hưu, Elizebeth và chồng William - những người từ lâu đam mê Shakespeare - đã hợp tác trong một ấn phẩm được xuất bản với tên gọi "The Shakespearean Ciphers Examined", giành được giải thưởng từ Thư viện Folger Shakespeare và Nhà hát và Học viện Shakespeare của Mỹ.

Sau khi chồng bà William Friedman - một nhà mật mã được ghi nhận với nhiều đóng góp cho mật mã học - qua đời vào năm 1969, Elizebeth đã dành phần lớn thời gian của mình để biên soạn thư viện và thư mục về tác phẩm của ông. "Bộ sưu tập tài liệu mật mã tư nhân phong phú nhất trên thế giới" này được lưu trữ trong Thư viện Nghiên cứu George C. Marshall ở Lexington (Virginia).

Elizebeth không bao giờ công khai vai thật trong suốt cuộc đời của mình, và đã qua đời trong một viện dưỡng lão ở New Jersey năm 1980, hưởng thọ 88 tuổi. Sau khi bà qua đời, những đóng góp của bà ngày càng được công nhận. Năm 1999, Elizebeth được gắn ảnh tại Đại sảnh Danh dự của Cục An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ, và vào năm 2002, tòa nhà OPS1 của NSA được đặt tên William và Elizebeth Friedman nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Cục.

Tháng 4/2019, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết "Tôn vinh cuộc đời và di sản của Elizebeth Smith Friedman - Nhà phân tích mật mã". Để vinh danh nhà mật mã số 1 của nước Mỹ, tháng 7/2020, Lực lượng Tuần duyên Mỹ thông báo quyết định để chiếc tàu chuyên dụng thứ 11 của họ mang tên Elizebeth Smith Friedman.