1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Tứ bất" ở Biển Đông năm 2014

"Tứ bất” (Bất ổn - bất an - bất định - bất ngờ) kể trên có thể khái quát tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông trong năm 2014.

Trung Quốc có đường biên giới với 14 quốc gia (CHDCND Triều Tiên, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanmar, Lào và Việt Nam), nhưng có tranh chấp lãnh thổ với tất cả các nước này, trừ Pakistan. Bởi theo thỏa thuận biên giới ký năm 1963, Bắc Kinh nhượng 1.942km2 đất cho Pakistan, đổi lại nước này công nhận nhiều khu vực ở Bắc Kashimir và Ladakh của Ấn Độ thuộc về Trung Quốc.

Tư tưởng nước lớn

Giới phân tích cho rằng, chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh không thay đổi, đó là tiếp tục củng cố và khiêu khích để hoàn thành giấc mộng độc bá khu vực này. Điều này được ghi trong Báo cáo Đại hội 18 và đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa “xây dựng cường quốc biển” vào văn kiện đại hội đảng. Điều này cho thấy sự coi trọng cao độ của Bắc Kinh đối với việc nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Tuy nhiên, theo nhận định của Giáo sư Trường đại học Quốc gia Singapore Kishore Mahbubani: Nếu Bắc Kinh quyết giành Biển Đông bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ mất cả thế giới.
 
Theo giới phân tích, căng thẳng đã bùng lên trong khu vực khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lao vào tranh chấp lãnh thổ với một số láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam... ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Và để giải quyết tranh chấp, giới chuyên môn coi thỏa hiệp giữa Philippines với Indonesia và Ấn Độ với Bangladesh là hình mẫu để tham khảo. Nhưng trong khi dư luận coi cách giải quyết tranh chấp biển giữa Ấn Độ với Bangladesh (9/7/2014) và Indonesia với Philippines (23/5/2014) là mô hình tham khảo tốt để giải quyết những bất đồng về biên giới trên bộ cũng như trên biển giữa các quốc gia hữu quan, thì Trung Quốc tiếp tục quan điểm nước lớn, không chấp nhận thỏa hiệp với bất cứ nước nào. Ngoài ra, Bắc Kinh còn coi Washington và Tokyo là những trở ngại cần loại bỏ trong chiến lược độc bá Biển Đông và biển Hoa Đông nói riêng, cũng như trở thành vị trí số một trên thế giới trong thời gian tới.

Vẫn theo giới phân tích, Trung - Mỹ phải hợp tác với nhau trong thế kỷ XXI vì được định hình và chi phối bởi mối quan hệ giữa siêu cường Mỹ và một Trung Quốc đang nổi lên. Bên cạnh đó, 2 nước có mối quan hệ địa - chính trị, kinh tế - thương mại và năng lượng, cùng những ràng buộc khác khiến Trung - Mỹ khó trở mặt thành thù ngay tức thì. Nhưng cũng có người cho rằng, căng thẳng tại châu Á đang khiến cho quan hệ Mỹ - Trung ở vào giai đoạn tồi tệ nhất. Trung Quốc cũng lộ rõ mưu đồ hất cẳng Mỹ ra khỏi Châu Á - Thái Bình Dương, và đang muốn thay đổi trật tự thế giới. Bởi tờ Thời báo Hoàn Cầu từng mô tả Tổng thống Barack Obama là “nhà lãnh đạo sáo rỗng và làm việc chán ngắt”. Còn tờ Le Figaro cho rằng, Tổng thống Mỹ chỉ thành công tại châu Á và thất bại ở nhiều khu vực khác trên thế giới.

Giới quân sự cho rằng, tham vọng viễn dương của Bắc Kinh đang được đẩy nhanh sau khi Hải quân Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự và mở các tuyến hàng hải mới. Điều đáng nói là động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ quyết tâm “xoay trục” về Châu Á - Thái Bình Dương. Tờ Thời báo Washington dẫn tuyên bố của cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell khi giải thích về việc Lầu Năm Góc khó xây dựng lòng tin với quân đội Trung Quốc trong 20 năm qua bởi Bắc Kinh muốn đuổi Washington ra khỏi châu Á. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận, Trung - Mỹ vẫn có bất đồng trong nhiều vấn đề, nhưng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cần tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau và chỉ khi Mỹ - Trung coi trọng lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm chính của nhau, cũng như kiểm soát tốt những bất đồng thì 2 nước mới có thể nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Giới truyền thông cho biết, kể từ tháng 1/2014, Trung Quốc đã xây dựng 3-4 đảo nhân tạo ở Trường Sa với diện tích khoảng 20-40 mẫu Anh, trong đó có ít nhất 1 đảo nhân tạo dành riêng cho mục đích quân sự, các đảo nhân tạo còn lại là nơi neo đậu, cung cấp hậu cần tàu thuyền. Dư luận cho rằng, việc làm của Bắc Kinh không những nhằm chính sách hóa, hệ thống hóa sự hiện diện của Trung Quốc tại những vùng biển tranh chấp, mà còn là kiểu “xâm lấn mềm”, “ngặm nhấm dần chủ quyền”, “cung cấp pháp lý” để cổ vũ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân Trung Quốc gia tăng hoạt động tại những khu vực không nằm trong vùng lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo giới phân tích, chiến lược “trồng tre nẩy măng” mà Trung Quốc từng thực hiện đang được áp dụng trên Biển Đông - lợi dụng sơ hở của láng giềng để từng bước chiếm đoạt chủ quyền lãnh thổ của họ. Giới quân sự cũng cảnh báo về 6 nguyên tắc gây chiến của quân đội Trung Quốc. Thứ nhất, bất ngờ. Thứ hai, tập trung toàn lực. Thứ ba, tấn công trước tiên. Thứ tư, chờ đợi thời cơ. Thứ năm, biện minh cho các hành động của mình. Thứ sáu, sẵn sàng mạo hiểm.

Một năm dậy sóng

Dư luận quan tâm tới thông tin trên tờ Philstar khi cho rằng, Bắc Kinh không những ngăn cản Mỹ tham dự vào Biển Đông, biển Hoa Đông, mà còn cưỡng chế áp đặt “tầm nhìn an ninh Tập Cận Bình” lên châu Á, đồng thời bác bỏ vai trò của các cường quốc ngoài châu Á. Theo giới chuyên môn, chiến lược thống trị toàn bộ Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc có thể đẩy Nhật Bản vào thế phải trang bị vũ khí hạt nhân.

Tàu Hải giám Trung Quốc săn đuổi tàu Kiểm ngư Việt Nam

Tàu Hải giám Trung Quốc săn đuổi tàu Kiểm ngư Việt Nam

Tờ New York Times dẫn lời học giả Huge White, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trường đại học Quốc gia Australia cho rằng, Trung Quốc cố ý thực hiện những hành động đơn phương tại Biển Đông nhằm chứng minh rằng, không thể có chuyện Mỹ vừa quan hệ tốt với Trung Quốc, vừa có thể duy trì quan hệ với đồng minh tại châu Á. Điều này đồng nghĩa với việc, Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn các mối quan hệ đồng minh của Mỹ và cố gắng chia rẽ, để Mỹ hiểu rằng, nếu duy trì các mối quan hệ tại châu Á, Washington có nguy cơ xung đột với Trung Quốc.

Ngày 27/2/2014, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, quyết định về việc thiết lập thêm ADIZ (ở Biển Đông) sẽ tùy thuộc vào mức độ nguy cơ mà Bắc Kinh phải đối mặt. Trước đó (10/2/2014), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) nhấn mạnh, việc thiết lập ADIZ là quyền của mọi quốc gia có chủ quyền. Tờ Yomiuri dẫn các nguồn tin trong giới quân sự cho biết, quân đội Trung Quốc đã thành lập Trung tâm chỉ huy tác chiến hỗn hợp tại vùng biển Hoa Đông, đồng thời tăng cường giám sát ở khu vực này. Giới quân sự cho rằng, Châu Á - Thái Bình Dương chạy đua vũ trang vì những hành động bất chấp luật pháp của Trung Quốc.

Ngày 19/6/2014, Manila đã hối thúc Tòa án Trọng tài quốc tế nhanh chóng ra phán quyết về vụ kiện Bắc Kinh về “đường lưỡi bò” phi lý bởi theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, việc thúc đẩy quá trình vụ kiện là cần thiết vì tình hình trên Biển Đông ngày một trở nên căng thẳng. Giới bình luận cho rằng, việc Mỹ và Philippines cùng thách thức “đường lưỡi bò” đang khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Bắc Kinh cho rằng, Washington không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, do đó nên tránh xa khu vực này.

Ngay sau khi lệnh cấm bắt cá do Trung Quốc đơn phương đưa ra hết hiệu lực vào 12h ngày 1-8-2014, Bắc Kinh đã đưa gần 9.000 tàu cá ra Biển Đông. Bởi số tàu này đã tụ hội tại cảng Tam Á từ hôm 31-7-2014 và đây là năm thứ 16 Trung Quốc đưa ra lệnh cấm bắt cá phi lý trên Biển Đông. Dư luận quốc tế đã vạch trần âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông sau khi Bắc Kinh công bố tấm bản đồ mới, thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông. Đây là động thái nhằm đẩy mạnh hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời thể hiện rõ hơn các tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh đối với Biển Đông.

Được biết, Trung Quốc đã đơn phương “luật hóa”, “dân sự hóa” nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông bằng cách thông qua 6 luật, lập 2 cơ quan quản lý, một thành phố (Tam Sa); công bố 418 bản đồ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá, xây dựng 10 “bia chủ quyền” ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn lập nhiều dự án phát triển kinh tế ở Biển Đông, cũng như đẩy mạnh công tác khảo sát, thăm dò tại Biển Đông với phương châm “ưu tiên khai thác trên biển trước, trên đất liền sau; biển xa trước, biển gần sau; khu vực tranh chấp trước, khu vực do Trung Quốc quản lý sau”.

Giới quan sát cảnh báo, hành động ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (từ 1-5 đến 15-7-2014) đã và đang ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và thế giới. Dư luận cho rằng, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro và nguy cơ, nếu Trung Quốc tiếp tục khẳng định và triển khai yêu sách “đường lưỡi bò” như công bố “Biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp Trung Quốc của tỉnh Hải Nam”; tổ chức tập trận tại Biển Đông…

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia và Giáo sư Ronald Clarke của Đại học Sydney cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bước đi nhằm củng cố tham vọng kiểm soát Biển Đông. Và có nhiều động thái cho thấy, Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông, kể cả hoạt động khai thác nguồn tài nguyên tại đây. Bởi Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) từng từ chối đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì quá tốn kém, nhưng CNOOC vẫn nhận lệnh “tiến vào khu vực này bởi hoạt động thăm dò dầu khí chỉ là phụ”. Tờ New York Times từng mô tả: Trung Quốc giống như con sư tử dùng sức mạnh để “vồ mục tiêu ở Biển Đông”.

Dự báo cho năm con dê 2015

Tạp chí Defense Review Asia (DRA) dẫn lời Giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn của Công ty Phân tích hải quân AMI International (Mỹ) Bob Nugent dự đoán, trong 20 năm tới các nước Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chi 200 tỉ USD để mua hơn 1.000 tàu chiến, tàu hộ vệ, khu trục hạm, tàu có khả năng chở trực thăng, tàu tuần tra… Điều này đồng nghĩa với một cuộc đua vũ trang trên biển khiến Châu Á - Thái Bình Dương “nóng” lên từng ngày.

Tàu Hải giám Trung Quốc săn đuổi tàu Kiểm ngư Việt Nam

Tàu Hải giám Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Kiểm ngư Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam

Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ từng dẫn kết quả thăm dò ý kiến đối với 5 quốc gia châu Á về tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ dẫn tới xung đột quân sự và người Philippines lo ngại nhiều nhất (93%), tiếp theo là Nhật Bản (85%), Việt Nam (84%), Hàn Quốc (83%), Trung Quốc (62%). Theo nhận định của tờ Đa Chiều, trong năm 2015, Mỹ có thể tiếp tục gây sức ép ngoại giao, quân sự trong quan hệ với Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông bởi Washington vẫn khẳng định chiến lược “xoay trục” không bị ảnh hưởng bởi những tác động “từ bên ngoài”.

Biển Đông sẽ là thách thức lớn nhất đối với Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2015 bởi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tán dương Kuala Lumpur vì nước này đã chọn cách im lặng trong các vấn đề Biển Đông khi gặp Thủ tướng Najib Razak. Ngày 13/11/2014, Malaysia đã tiếp quản chức Chủ tịch ASEAN năm 2015 từ Myanmar. Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc ở quá gần và quá mạnh so với các nước ASEAN ven Biển Đông. Tờ Business World Online từng đăng phân tích của Hãng Standard & Poor’s, theo đó Biển Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng trong năm 2015 và sức mạnh chính trị cùng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tiếp tục tác động đến mối quan hệ đang lên đối với một số nước láng giềng.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, đến từ tại Học viện Quốc phòng Australia và Đại học New South Wales nhận định, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong tương lai tam giác Mỹ - Nhật - Australia sẽ phát triển, thậm chí tứ giác Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ sẽ được hình thành. Theo học giả June Teufel Dreyer, cựu chuyên gia về Viễn Đông của Quốc hội Mỹ, Trung Quốc có khả năng sẽ kiểm tra quyết tâm của Mỹ bằng cách gia tăng căng thẳng trong khu vực thời gian tới. Tiến sĩ Antonio Hsiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Thương mại Mỹ Latinh, Viện Công nghệ Chihlee, Đài Loan cho rằng, Trung Quốc không những muốn tìm kiếm một chiến lược làm đối trọng với chiến lược “xoay trục” của Mỹ, mà còn muốn chuyển đổi trật tự thế giới hậu học thuyết Monroe.

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd từng nhận định, trong thế kỷ XXI, khu vực Đông Á tồn tại “mồi lửa” trên biển tương tự chiến tranh Balkan xảy ra cách đây một thế kỷ. Theo trang tin Global Research, Đông Nam Á đã trở thành chiến trường ngoại giao khi Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ quyết đua với Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc không khỏi choáng váng và tức giận khi Mỹ liên tiếp công khai chỉ trích những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Bắc Kinh ở Biển Đông thời gian qua. Những động thái gần đây của Mỹ cũng cho thấy, Washington không thể ngồi yên trước việc Bắc Kinh quyết liệt đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi chiếm tới 10% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu, chứa nguồn dầu mỏ lớn và là tuyến đường giao thương của 5.000 tỉ USD hàng hóa/ngày.

Ông Vladimir Chizhov, đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) từng tiết lộ, Moskva cho Bắc Kinh kết nối Crimea với “Con đường tơ lụa”. Điều này cho thấy, Trung Quốc có vai trò trong việc xây dựng hải cảng ở Crimea bởi trước đó Bắc Kinh đã muốn đầu tư 10 tỉ USD để tạo lập cảng và kiến thiết cơ sở hạ tầng. Theo chuyên viên Nga Mikhail Aleksandrov, dự án Crimea của Bắc Kinh nằm trong chiến lược toàn cầu nhằm củng cố sự hiện diện của Trung Quốc trên thế giới. Phó thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich từng tuyên bố bên lề Diễn đàn kinh tế châu Á Bác Ngao, Trung Quốc quan tâm đến chương trình liên kết về phát triển năng lượng thay thế ở Crimea.

Theo Tuấn Quỳnh
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm