Tu-22M3 cất cánh từ Iran làm thay đổi chiến lược của Mỹ
Theo cựu sĩ quan Mỹ, Mike Nelson, việc máy bay Tu-22M3 Nga cất cánh từ Iran không kích IS ở Syria tác động mạnh đến chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.
Nga vi phạm điều cấm?
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 16/8 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Không quân nước này đã triển khai máy bay ném bom Tu-22M3 và cường kích – ném bom Su-34 tại Iran để thực hiện các cuộc tấn công vào mục tiêu IS tại Syria.
"Ngày 16/8//2016, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và Sukhoi Su-34 đã cất cánh với số lượng bom đầy đủ từ sân bay Hamadan (Iran), giáng đòn không kích các mục tiêu của nhóm khủng bố IS và al-Nusra ở các tỉnh Aleppo, Deir ez-Zor và Idlib", thông báo cho biết.
Ngay sau khi cuộc không kích diễn ra, Mỹ đã lên tiếng phản đối hành động của Nga và cho rằng, việc máy bay Moskva cất cánh từ Iran có thể vi phạm lệnh cấm của Liên hiệp Quốc (LHQ).
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner, hiện Washington đang xem xét việc Nga sử dụng căn cứ quân sự tại Iran để tấn công các mục tiêu ở Syria có vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ hay không.
"Chúng tôi đang điều tra vấn đề này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói đồng thời cho biết thêm: "Nếu thông tin là chính xác, rất có thể Nga vi phạm Nghị quyết số 22311 của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó quy định việc bán hoặc cung cấp các máy bay quân sự cho Iran phải được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an".
Chiến lược của Mỹ thay đổi vì Nga?
Việc Nga tăng cường hợp tác quốc phòng với Iran, đặc biệt trong các chiến dịch quân sự tấn công IS tại Syria khiến Mỹ lo lắng bởi động thái của Moskva có thể tác động lớn đến chiến lược của Washington tại Trung Đông, cựu đặc nhiệm Mỹ, Mike Nelson - người từng tham chiến tại Iraq, Afghanistan nhận định.
Theo cựu binh này, một chiến lược chặt chẽ đòi hỏi 3 yếu tố cơ bản: Mục tiêu hay mục đích, phương pháp để đạt được chúng và phương tiện – tức các nguồn lực cần thiết thích ứng.
Mặc dù, chiến lược Trung Đông của Mỹ hiện nay có thể bao gồm cả 3 yếu tố trên, nhưng sự không tương ứng trên thực tế giữa mục tiêu và phương tiện mà sức mạnh quốc gia Mỹ đang chứng tỏ, đã khiến cho chiến lược này trở nên không hiệu quả.
Trên thực tế, Mỹ đã tăng nguy cơ chiến lược lên một cấp độ nguy hiểm, trước tiên là qua sự mất cân bằng giữa mục đích, phương pháp và phương tiện, và thứ hai là qua việc hoàn toàn hiểu sai các mục tiêu của đối thủ và những hành động của đối phương nhằm đạt được những mục tiêu trên. Mỹ đã thất bại trong việc đánh giá đúng nguy cơ chiến lược này liên quan cuộc nội chiến Syria và vai trò của Iran trong khu vực.
Mùa hè năm 2011, và cho đến tháng 9/2015, Tổng thống Obama vẫn nhấn mạnh việc loại bỏ Tổng thống Syria Bashar Assad là mục tiêu của Mỹ và đòi hỏi như điều kiện để đạt giải pháp cho cuộc nội chiến Syria. Nhằm hạ bệ Assad, ông Obama tuyên bố việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ cuối cùng đối với chúng ta".
Cuối cùng, Tổng thống Assad đồng ý giao nộp vũ khí hóa học thông qua một thỏa thuận quốc tế do Nga đề xuất để tránh Mỹ hành động quân sự. Trong khi Mỹ lập lờ nước đôi, Nga đã bất ngờ can dự trực tiếp vào Syria thông qua tăng hỗ trợ quân sự, không kích và cố vấn.
Thông báo chính thức của tổng thống, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ về động thái của Nga là sự dè bỉu những hành động của Nga như một chiến lược điên rồ hoặc những hành động “vô ích”.
Mike Nelson cật vấn lời chỉ trích là vô ích với ai? Với chế độ Assad đang cố nắm giữ quyền lực và người Iran đang mưu toan mở rộng ảnh hưởng tại Cận Đông qua đồng minh Shia, những hành động này là hữu ích đến mức không thể tin được.
Hơn nữa, với các lợi ích chiến lược của Nga nhằm duy trì và mở rộng ảnh hưởng của Moskva tại Trung Đông và Địa Trung Hải, những hành động quyết đoán của Tổng thống Putin không vô ích mà cũng chẳng hề kém về chiến lược.
Đúng hơn là Nga trình diễn sự tái cân bằng giữa phương pháp và phương tiện khi thực tế thay đổi, đe dọa khả năng duy trì ảnh hưởng của Nga bằng cách hậu thuẫn Assad.
Tổng thống và ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ dường như đã trông đợi Nga hành động “hữu ích” đối với mục tiêu của Mỹ là chấm dứt cuộc nội chiến Syria thông qua lật đổ Assad, bất chấp thực tế việc đó đi ngược lại lợi ích của chính họ.
Thêm vào cuộc xung đột Syria, Mỹ cũng thất bại trong việc hiểu và ngăn chặn những nỗ lực của đối thủ trong việc thúc đẩy các mục tiêu của họ trên toàn khu vực. Trong khi bác bỏ quyền tiếp cận vũ khí hạt nhân của chế độ Iran, nhưng Iran vẫn tuyên bố thỏa thuận đạt được với phương Tây không phải là chấm dứt chương trình hạt nhân.
Hiện Iran đã nhận được nguồn tiền mặt vốn bị cấm vận lâu nay và dường như tiền Iran bị quốc tế phong tỏa sẽ được dùng để mua các hệ thống phòng không hiện đại, bao gồm hệ thống S-300 tiên tiến của Nga. Nói cách khác, Iran có thể vẫn hoàn tất một số năng lực nhằm phòng ngừa các cuộc tấn công từ Israel và Saudi Arabia.
Đáng nói là Mỹ đã xem Nga như một đối tác trong việc thương lượng với Assad giao nộp kho vũ khí hóa học và một thành viên của nhóm P5+1 đàm phán hạt nhân với Iran nhằm đạt được sự ổn định khu vực, và do đó thúc đẩy các lợi ích của Mỹ vào thời điểm khi những lợi ích của Nga ngày càng lồng chặt hơn với Iran và Syria.
Theo Nelson, có hai nguy cơ trong việc Mỹ không theo đuổi một chiến lược đúng đắn và thực hiện sớm thì tốt hơn là muộn. Hiển nhiên luôn tồn tại nguy hiểm cố hữu trong các yếu tố thù địch tiếp tục hướng tới các mục tiêu chiến lược của họ - mục tiêu quốc gia chống lại lợi ích của Mỹ.
Rất nhiều người đã viết về việc liệu chủ nghĩa phiêu lưu của Nga và Iran có phải một động thái tốt với họ hay không. Chỉ thời gian mới trả lời được. Tuy nhiên, điều cần biết là những hoạt động đó của Nga và Iran cho dù có đạt được mục tiêu hay không, đều tuyệt đối gây trở ngại cho việc thúc đẩy các mục tiêu Mỹ tại Trung Đông.
Theo Tuấn Vũ (tổng hợp)
Đất Việt