1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Truyền thông Trung Quốc tuyên bố “thắng” Nhật

(Dân trí) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 8/11 tuyên bố Bắc Kinh đã thắng Tokyo sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận, theo đó Nhật Bản chấp nhận đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và mâu thuẫn do lịch sử để lại.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư luôn là điểm nóng trong quan hệ Trung - Nhật
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư luôn là điểm nóng trong quan hệ Trung - Nhật

Trong ngày thứ Sáu, hai bên đã cùng đưa ra những tuyên bố có nội dung tương tự, sau cuộc gặp giữa ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, người đứng đầu chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, với ông Shotaro Yachi, cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng Nhật Abe.

Mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á đã lao dốc do những bất đồng liên quan đến quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông, và quá khứ hiếu chiến của Nhật tại Trung Quốc trong thế kỷ 20.

Một điểm mấu chốt trong sự đối đầu này đó là Tokyo từ lâu luôn không thừa nhận một cách chính thức rằng có tranh chấp chủ quyền liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này kiểm soát, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tuyên bố của Trung Quốc khẳng định hai bên “thừa nhận có những quan điểm khác biệt giữa hai bên liên quan đến những căng thẳng” đối với quần đảo này, trong khi văn bản của Nhật nói họ “công nhận hai nước có những quan điểm khác biệt liên quan tới sự xuất hiện của tình hình căng thẳng”.

Hai bên cùng tuyên bố đã thiết lập một “cơ chế kiểm soát khủng hoảng” để kiềm chế tình hình.

Các chuyến thăm của chính trị gia Nhật, bao gồm ông Abe tới ngồi đền Yasukuni tại Tokyo, nơi những người Nhật tử trận trong chiến tranh được thờ phụng, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh bị kết án, là một vấn đề nữa. Và tuyên bố của hai nước khẳng định sẽ nỗ lực “vượt qua những khó khăn chính trị” bắt nguồn từ các vấn đề lịch sử.

Những tuyên bố này nhìn chung được nhìn nhận như động thái dọn đường cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh sắp tới.

Tuy nhiên một bài bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc lại khẳng định, văn kiện trên của hai nước chính là bằng chứng rõ ràng cho thấy chính quyền của ông Abe đã lùi bước trước quan điểm của Bắc Kinh.

“Giờ Nhật Bản đã đồng ý ngồi lại nói chuyện với Trung Quốc về kiểm soát khủng hoảng, thì nó cũng tương đương với việc thừa nhận rằng, việc có tranh chấp đối với chủ quyền quần đảo Điếu Ngư đã trở thành một thực tế mới”, bài báo viết. “Nỗ lực của ông Abe để được gặp lãnh đạo Trung Quốc đã cho thấy những lối hành xử ngạo mạn của ông ta không thể tiếp tục”.

Dù vậy tuyên bố chung hôm thứ Sáu đã được chuẩn bị cẩn thận về mặt câu chữ, và truyền thông Nhật khẳng định nó không hề tạo thành một sự công nhận rằng có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku.

Tờ Yomiuri Shimbun tranh luận rằng việc nêu ra “những quan điểm khác nhau” không hề “làm tổn hại tới lập trường của Nhật từ trước đến nay rằng “không có tranh chấp chủ quyền nào””, và rằng Tokyo đã bảo vệ quan điểm này “một cách vững chắc”.

Bài báo dẫn lời “một lãnh đạo Bộ ngoại giao” khẳng định: “Phía Nhật chưa hề có bất kỳ nhượng bộ nào liên quan đến lãnh thổ”.

Thanh Tùng
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm