1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trước khi đến Nhật, ông Trump lại khiến bạn bè 'vã mồ hôi'

Hôm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại thế giới ngoại giao quốc tế với phong cách khiêu khích đặc trưng, khiến một số đồng minh gần gũi nhất của Mỹ, trong đó có cả nước chủ nhà, hoa mắt.

Trước khi đến Nhật, ông Trump lại khiến bạn bè vã mồ hôi - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng chân ở Anchorage để tiếp nhiên liệu trước khi bay tiếp đến Nhật Bản. (Ảnh: NYT)

Ông Trump chuẩn bị bước vào hàng loạt cuộc gặp cấp cao với các lãnh đạo thế giới tại Osaka, Nhật Bản, bằng cách hoài nghi nền tảng cơ bản nhất của quan hệ giữa Mỹ với 2 trong số đồng minh quan trọng nhất là Nhật và Đức, và tấn công đối tác Ấn Độ.

Lãnh đạo Nhật Bản tổ chức thượng đỉnh G20 lần này cho đến sáng ngày 28/6 vẫn phải quay cuồng vì ông Trump tấn công vào hiệp ước phòng thủ tương hỗ, văn bản trở thành nền tảng cho quan hệ Washington – Tokyo trong gần 70 năm qua.

Trước khi đến Osaka, ông Trump phàn nàn rằng theo hiệp ước này, Nhật Bản sẽ không đến viện trợ cho Mỹ nếu Mỹ bị tấn công, mà thay vào đó sẽ “xem vụ tấn công qua TV Sony”.

Lãnh đạo Đức cũng đang phải dần quen với cách ông Trump tấn công vào Berlin như một bên chỉ hưởng lợi miễn phí từ cái ô an ninh của Mỹ. Còn Ấn Độ phải xoay sở đối phó với chuyện ông Trump phàn nàn về chính sách thương mại, sao cho không khiêu khích nhà lãnh đạo Mỹ tiến đến cuộc chiến thương mại như với Trung Quốc.

Cách chọn các mục tiêu tấn công liên quan trực tiếp đến lịch trình của ông Trump tại Osaka. Ông dự kiến sẽ gặp Thủ tướng chủ nhà Shinzo Abe, sau đó cùng ông Abe gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Sau đó ông sẽ gặp riêng ông Modi, trước khi ngồi xuống với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ngược lại, ông Trump không nói có gì nghiêm trọng về Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau một thời gian dài Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Trump cũng không nói gì tiêu cực về cuộc gặp ăn sáng hôm 29/6 với Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman, người bị Mỹ cáo buộc có thể đã đóng vai trò dàn dựng vụ giết hại và phân xác một nhà báo Ả-rập sống ở Mỹ.

Đưa ra thông tin không đúng

Trong vụ việc mới nhất, ông Trump đã công kích hiệp ước phòng thủ tương hỗ Nhật – Mỹ, nền tảng của quan hệ song phương này từ sau Thế chiến 2. Sau khi Bloomberg đưa tin ông Trump đã nói chuyện riêng về việc rút khỏi hiệp ước này, Tổng thống Mỹ nêu ra chuyện đó ngay cả khi không được hỏi đến trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Fox hôm thứ 4 tuần này.

“Chúng ta có hiệp ước với Nhật Bản. Nếu Nhật bị tấn công, chúng ta sẽ bước vào Thế chiến 3. Chúng ta sẽ can dự và sẽ bảo vệ họ, và chúng ta sẽ chiến đấu bằng mạng sống và tài sản của mình. Chúng ta sẽ chiến đấu bằng mọi giá, đúng chứ? Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không phải giúp gì chúng ta. Họ có thể xem vụ tấn công qua TV Sony”, ông nói.

Mỹ ký hiệp ước này với Nhật Bản vào năm 1951, sau khi khiến Tokyo chấp nhận bản hiến pháp mà theo đó họ sẽ không có một quân đội đầy đủ ngoài một lực lượng phòng vệ. Thông qua hiệp ước, Mỹ có quyền đưa quân đồn trú đến Nhật, tạo nên một căn cứ quan trọng ở Thái Bình Dương để chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Đổi lại, Mỹ hứa sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công.

Tại Tokyo, Tổng thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, hôm 27/6 bác bỏ ý kiến rằng hiệp ước này không công bằng. “Nghĩ vụ của Mỹ và Nhật Bản được cân bằng trong hiệp ước”, Reuters dẫn lời ông Suga nói tại một cuộc họp báo.

Sau khi nhắm vào Nhật, ông Trump tiếp tục nhắc lại kiểu tấn công lâu năm nhằm vào Đức. “Chúng ta chỉ trả gần 100% chi phí của NATO. Mọi người không biết điều đó. Chúng ta trả mức đó vì Đức không chi cái mà đáng ra họ phải chi, và trong số 28 quốc gia chỉ có 7 nước trả đủ”, ông Trump nói.

Liên tục kể từ khi lên nắm quyền ông Trump luôn nói không chính xác về cách hoạt động của NATO và đưa ra con số sai về tỷ lệ đóng phí của Mỹ. NATO có ngân sách để chi cho các hoạt động quân sự và dân sự, và Mỹ trả 22% chi phí đó, theo công thức dựa trên thu nhập quốc gia. Không ai trong số các đồng minh NATO truy lại đóng góp của họ.

Điều ông Trump nhắc đến chính là cam kết của các nước NATO rằng mỗi nước thành viên phải chi 2% thu nhập quốc gia cho lực lượng vũ trang của chính họ vào năm 2024. Con số ông Trump nói đúng là chỉ có 7 nước đáp ứng được mục tiêu này, gồm Mỹ với 3,4%, cùng với Hy Lạp, Estonia, Anh, Romania, Ba Lan và Latvia. Còn Đức chỉ chi 1,4% cho quốc phòng. Nhưng Đức hay bất kỳ quốc gia nào cũng không có nghĩa vụ phải trả chi phí cho bất kỳ ai ngoài quân đội của họ.

Gộp lại, tổng chi tiêu quốc phòng của tất cả thành viên NATO trong năm 2019 là khoảng 1 nghìn tỷ USD. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ chiếm 70% của tổng số, chứ không phải 100%, và chi tiêu đó phục vụ cả lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương và Trung Đông chứ không phải chỉ để cam kết bảo vệ châu Âu.

Cuộc tấn công của ông Trump vào Ấn Độ không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà cả chủ đề yêu thích của ông là thuế.

“Tôi chờ đợi được nói chuyện với Thủ tướng Modi về thực tế là Ấn Độ trong nhiều năm qua đã đánh thuế rất cao với Mỹ, mới gần đây còn tăng cao hơn”, ông Trump viết trên Twitter khi đang ngồi trên chiếc Không lực 1 để bay qua Thái Bình Dương. “Điều này là không thể chấp nhận được và thuế đó phải được rút lại”, ông Trump viết tiếp.

Nhưng điều Tổng thống Mỹ không nói trong dòng tweet của mình là Ấn Độ tăng thuế lên 28 mặt hàng nhập khẩu sau khi ông Trump quyết định tăng thuế lên nhôm và thép nhập khẩu, cũng như quyết định hồi tháng 5 của ông về việc dừng cho Ấn Độ hưởng quy chế thương mại ưu đãi đối với lượng hàng hơn 5 tỷ USD.

Theo Bình Giang

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm