1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc với tham vọng sâu và cao hơn

(Dân trí) - Trung Quốc liên tiếp lập kỷ lục mới trong phát triển khoa học công nghệ với việc cùng lúc thực hiện hai sứ mệnh quan trọng: Phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 9 và phá kỷ lục lặn sâu ở Thái Bình Dương bằng tàu lặn Giao Long.

Tàu Giao Long được hạ thủy để chuẩn bị thực hiện cú lặn thứ 2 trong chưa đầy một tuần.
Tàu Giao Long được hạ thủy để chuẩn bị thực hiện cú lặn thứ 2 trong chưa đầy một tuần. 

Trong thông báo đưa ra sáng 19/6, hãng Tân hoa xã của Trung Quốc cho biết tàu lặn Giao Long của nước này đã thực hiện lần lặn thứ hai ở rãnh Mariana trên Thái Bình Dương. Trong lần lặn này, tàu lặn Giao Long đã xuống tới độ sâu 6.965m. Đây là kỷ lục lặn sâu mới của Giao Long sau khi lập kỷ lục 6.671m hôm 16/6 và 5.188m vào tháng 7 năm ngoái.

Giới chức Trung Quốc cho biết, từ nay đến hết đầu tháng 7, tàu Giao Long sẽ thực hiện tiếp 4 lần lặn nữa với mục tiêu có thể xuống tới độ sâu 7.000m.

Cú lặn sâu của tàu Giao Long được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc vừa phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 9 vào không gian và con tàu cũng đã thực hiện thành công cú lắp ghép tự động với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 đang bay trên quỹ đạo cách Trái đất 343 km.

Tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-9 chuẩn bị ghép nối tự động với môđun Thiên Cung-1.
Tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-9 chuẩn bị ghép nối tự động với môđun Thiên Cung-1. 

Được phóng đi chiều 16/6 từ Trung tâm vũ trụ Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F, "niềm tự hào" Thần Châu 9 của Trung Quốc mang theo 3 phi hành gia gồm Cảnh Hải Bằng (nam, trưởng đoàn), Lưu Vương (nam) và Lưu Dương (nữ).

Trong lần "ra quân này", Thần Châu 9 sẽ phải thực hiện hai sứ mệnh quan trọng. Thứ nhất, đưa nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc vào vũ trụ và thứ hai, thực hiện ghép nối thành công với môđun Thiên Cung 1 bằng tay chứ không phải tự động như những lần trước.

Việc Trung Quốc đưa nữ phi hành gia, Thiếu tá phi công Lưu Dương 34 tuổi, vào không gian không chỉ là sự kiện lịch sử có tính đột phá về mặt kỹ thuật, mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội ở một đất nước vốn có truyền thống "trọng nam, khinh nữ".

Giới truyền thông Trung Quốc cho biết nữ phi hành gia Lưu Dương là người rất thông minh, hoạt khẩu, có kinh nghiệm lên tới 1.600 giờ bay trong 11 năm ngồi trên ghế phi công và quan trọng nhất là đã hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra cả về kiến thức, thể lực và tâm lý, đánh bại hàng trăm nữ ứng cử viên khác để được lựa chọn làm gương mặt nữ đại diện cho Thần Châu 9.

Theo kế hoạch, tàu Thần Châu 9 sẽ ở lại trong không gian 13 ngày trước khi quay trở về Trái đất. Trong thời gian này, Thần Châu 9 thực hiện hai lần lắp ghép. Lần đầu đã được tiến hành tự động hôm 18/6 rất thành công và lần thứ hai sẽ được tiến hành ngày 26/6 nhưng do các phi hành gia điều khiển bằng những thao tác đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Trong khoảng thời gian giữa 2 lần ghép, các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc có 6 ngày làm việc trên trạm thí nghiệm Thiên Cung 1. 

Ba phi hành gia Trung Quốc ở bên trong Thiên Cung 1 để chuẩn bị tiến hành các hoạt động nghiên cứu.
Ba phi hành gia Trung Quốc ở bên trong Thiên Cung 1 để chuẩn bị tiến hành các hoạt động nghiên cứu. 

Trạm nghiên cứu này nặng 8,5 tấn, đã bay quanh Trái đất tổng cộng 263 ngày kể từ khi được đưa lên quỹ đạo tháng 11 năm ngoái đến ngày hôm nay (19/6/2012).

Để thực hiện cú ghép nối do con người điều khiển, trước tiên các phi hành gia sẽ phải tách tàu Thần Châu 9 ra khỏi môđun Thiên Cung 1, đưa tàu đến một vị trí thích hợp rồi điều khiển cho tàu trở về điểm lắp ghép. Theo sự phân công từ trước, trưởng đoàn Cảnh Hải Bằng chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình ghép nối, còn thành viên nam Lưu Vương sẽ trực tiếp thực hiện các thao tác lắp ghép dưới sự điều hành của trưởng đoàn. 

Nếu cú lắp ghép này được thực hiện thành công, nó sẽ là bước tiến lớn trên con đường chinh phục vũ trụ của Trung Quốc và đưa nước này tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Nga) làm chủ kỹ thuật xây dựng trạm không gian trên quỹ đạo Trái đất vào năm 2020.

           Đức Vũ