1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc vội ngả về châu Âu giữa lúc căng thẳng với Mỹ

(Dân trí) - Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với các lãnh đạo châu Âu nhiều hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy Bắc Kinh đang xích lại gần châu Âu khi phải đối mặt với sức ép từ Washington.

Trung Quốc vội ngả về châu Âu giữa lúc căng thẳng với Mỹ - 1

Từ trái qua phải: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp tại Điện Elysee ở Paris. (Ảnh: Bloomberg)

Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm thứ 4 trong năm nay với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cuộc điện đàm này diễn ra sau cuộc điện đàm thứ 5 của nhà lãnh đạo Trung Quốc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong năm nay.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump mới chỉ trao đổi qua điện thoại 2 lần từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung chìm trong “trò chơi” đổ lỗi lẫn nhau vì đại dịch Covid-19. Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra vào ngày 7/2, khi ông Tập Cận Bình nói với ông Trump rằng Trung Quốc đã hành động kịp thời để kiểm soát dịch bệnh và hối thúc Mỹ “bình tĩnh đánh giá tình hình”.

Năm ngoái, Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump gặp nhau một lần bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại. Ngoài ra, hai ông cũng thực hiện 2 cuộc điện đàm vào tháng 6 và tháng 12.

Trung Quốc và Liên minh châu Âu vẫn đang tiếp tục thúc đẩy đối thoại chiến lược về một loạt thách thức lớn trong quan hệ giữa hai bên, như thỏa thuận đầu tư song phương chưa hoàn thiện, mâu thuẫn về các vấn đề như Hong Kong và cuộc gặp bị trì hoãn gần đây giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nguyên thủ các quốc gia châu Âu.

Bắc Kinh tăng cường tần suất các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu trước thềm đối thoại chiến lược EU - Trung Quốc giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell.

Theo Politico, trong cuộc trao đổi trực tuyến kéo dài 3 giờ với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 9/6, ông Borrell nói rằng EU muốn hợp tác “mang tính xây dựng” với Trung Quốc để hai bên có thể đạt được sự đồng thuận trong những vấn đề còn tồn đọng. Quan chức EU nhấn mạnh rằng EU không xem Trung Quốc như một mối đe dọa về an ninh, thay vào đó EU có nhiều điểm chung với Trung Quốc như tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ đã rút ra từ năm 2018.

“Trung Quốc có tham vọng toàn cầu nhưng tôi không nghĩ Trung Quốc đang đóng một vai trò có thể đe dọa hòa bình thế giới. Họ cam kết một lần nữa rằng họ muốn đóng một vai trò toàn cầu, nhưng họ không có tham vọng quân sự và họ không muốn sử dụng vũ lực để tham gia vào các cuộc xung đột quân sự”, ông Borrell nói.

Sputnik cũng dẫn lời ông Borrell nói với Ngoại trưởng Vương Nghị rằng: “Đừng lo lắng, châu Âu sẽ không phát động bất kỳ cuộc Chiến tranh Lạnh nào với Trung Quốc”.

Rời Mỹ, xích gần EU?

Trung Quốc vội ngả về châu Âu giữa lúc căng thẳng với Mỹ - 2

Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: AFP)

Theo SCMP, các nước châu Âu cũng đang chịu sức ép từ Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng ngày 6/6 dọa sẽ áp thuế mới đối với cả Trung Quốc và châu Âu khi tới thăm những người nông dân nuôi tôm hùm tại Mỹ.

Ông Trump ngày 7/6 đã thông qua kế hoạch rút 9.500 binh sĩ Mỹ khỏi Đức. Bình luận về động thái này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết mối quan hệ đối tác kéo dài hàng chục năm với Mỹ đã trở nên “phức tạp” kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Frans-Paul van der Putten tại Viện nghiên cứu Clingendael ở Hà Lan, các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao Trung Quốc chú ý hơn tới châu Âu kể từ khi Mỹ đưa quân vào Iraq hồi năm 2003-2004.

“Mặc dù hợp tác Trung Quốc - EU có thể tăng cường trong những lĩnh vực như kinh tế hoặc biến đổi khí hậu, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế lớn bị đẩy mạnh trong những tháng gần đây”, chuyên gia Van der Putten cho biết.

Những sóng gió trong quan hệ Trung Quốc - EU được dự đoán sẽ tăng lên trong nửa cuối năm nay, đặc biệt sau khi EU, cùng với Mỹ và Anh, hồi tháng trước chỉ trích Bắc Kinh vì đưa ra dự luật an ninh mới với Hong Kong.

Trong khi Mỹ tuyên bố sẽ rút các ưu đãi đặc biệt về thương mại dành cho Hong Kong khi đặc khu này không còn duy trì quyền tự trị cao, EU hiện vẫn chưa công bố các biện pháp trừng phạt.

“So với Mỹ, EU dường như dè dặt hơn trong việc phản ứng với Hong Kong. Mọi người đều biết rằng trong hai năm qua, quan hệ Mỹ - Trung khá xấu, đặc biệt sau khi hai nước đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc của virus corona. Còn với châu Âu, ngay cả khi có căng thẳng, mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu vẫn có nền tảng tốt hơn nhiều so với Mỹ”, Shi Zhiqin, người đứng đầu chương trình quan hệ Trung Quốc - EU tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nhận định.

Chuyên gia Shi dự đoán mối quan hệ với Đức sẽ nằm ở vị trí đặc biệt ưu tiên trong chương trình nghị sự của Trung Quốc từ giờ đến cuối năm nay, khi Đức nhận chức chủ tịch luân phiên 6 tháng của EU từ ngày 1/7. Trong cuộc điện đàm tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Merkel đã thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và hỗ trợ cho Tổ chức Thương mại Thế giới.

Vấn đề Hong Kong cũng không được nhắc tới trong tuyên bố chính thức của chính phủ Pháp hoặc Trung Quốc về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập tuần trước.

Thành Đạt

Theo SCMP, Politico