1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tranh thủ mở rộng ảnh hưởng khi thế giới "bận" đối phó Covid

(Dân trí) - Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ nhận định Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh địa chính trị trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang vật lộn đối phó với đại dịch Covid-19.

Trung Quốc tranh thủ mở rộng ảnh hưởng khi thế giới bận đối phó Covid - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: AFP)

“Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu mà chúng ta biết rằng họ đã đặt ra trong nhiều thập niên”, Robert Daly, giám đốc Viện nghiên cứu Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson, nói với CNBC.

“Rõ ràng, đây là việc khẳng định sức mạnh và phản ánh niềm tin rằng thời của Trung Quốc đã tới. Đây có lẽ cũng là cơ hội rất tốt (cho Trung Quốc) khi Mỹ dường như không còn quan tâm tới vai trò lãnh đạo toàn cầu và xao lãng với virus corona”, ông Daly nhận định.

Ông Daly từng làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 với vai trò tùy viên trao đổi văn hóa. Ông cũng từng là phiên dịch viên cho cả các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc.

Các chuyên gia địa chính trị cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc với mục tiêu vươn lên thành cường quốc toàn cầu là yếu tố chính dẫn tới mối quan hệ căng thẳng với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, siêu cường số một toàn cầu và nhà lãnh đạo thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, Mỹ dường như đã giảm bớt phần lớn vai trò lãnh đạo toàn cầu kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi tháng 1/2017. Điều này đã mở ra cho Trung Quốc cánh cửa để theo đuổi mạnh mẽ hơn các mục tiêu địa chính trị mà nước này ấp ủ từ lâu.

Biển Đông, Ấn Độ

Trung Quốc không để đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các mục tiêu của nước này tại Biển Đông.

Bắc Kinh vẫn tiếp tục thực hiện các động thái hung hăng ở Biển Đông nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý, bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc hiện có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nhiều quốc gia gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Bắc Kinh ngang nhiên đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông - nơi có tuyến vận tải hàng hải quan trọng với giá trị thương mại lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Tháng trước, mối quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ dường như xấu đi khi đụng độ quân sự nổ ra dọc biên giới chung của hai nước. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đổ lỗi cho bên còn lại vì kích động các vụ xô xát. Tuy nhiên, hai nước đều thể hiện thiện chí sẵn sàng tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng bằng con đường ngoại giao.

Đài Loan

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc vẫn tăng cường gây sức ép với Đài Loan thông qua các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo. Tuy vậy Bắc Kinh nói rằng các cuộc tập trận này là hoạt động thường kỳ.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một tỉnh và sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo này nếu cần thiết. Bắc Kinh cũng ca ngợi mô hình “một quốc gia, hai chế độ” đang áp dụng với Hong Kong, song Đài Loan không hào hứng với ý tưởng này, nhất là khi chứng kiến các cuộc biểu tình diễn ra suốt nhiều tháng tại Hong Kong.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần trước tuyên bố Bắc Kinh “phản đối kịch liệt và ngăn chặn bất kỳ hoạt động ly khai nào nhằm giành độc lập cho Đài Loan”. Ông Lý cũng bỏ từ “hòa bình” khi nhắc tới ý tưởng “tái thống nhất” Đài Loan.

Hong Kong

Căng thẳng cũng đang leo thang tại đặc khu hành chính Hong Kong.

Hong Kong được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 và được quản lý theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Điều này cho phép người dân Hong Kong được hưởng một số quyền tự do mà đại lục không có.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực thông qua dự luật an ninh tại Hong Kong, trong đó cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của đặc khu hành chính Hong Kong.

Giới chức Mỹ cho rằng dự luật an ninh mới nếu được thực thi sẽ ảnh hưởng đến quyền tự trị của Hong Kong. Tổng thống Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố đã chỉ đạo chính quyền Mỹ bắt đầu quá trình tước quy chế ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong và Mỹ sẽ đối xử với Hong Kong như với phần còn lại của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Daly, những vấn đề Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh trong những tháng gần đây không phải là những vấn đề “mới”.

“Điểm mới là Trung Quốc đẩy mạnh tất cả những vấn đề này cùng một lúc. Rõ ràng họ đã nhìn thấy khoảng trống và có lẽ là sự thiếu quyết tâm từ những nước khác, đặc biệt Mỹ, để theo đuổi điều này”, ông Daly nói thêm.

Thành Đạt

Theo CNBC