Trung Quốc: Vì sao quyền lực “ông hổ” họ Chu bị lung lay?
Khi Chu Vĩnh Khang lên nắm quyền vào những năm 1990 của thế kỷ trước, khu lăng mộ của gia tộc họ Chu, rộng chừng vài trăm mét vuông nằm ở phía bắc làng Tây Thiên Trụ, ven sông Lộ Gia Hoàn thuộc tỉnh Giang Tô.
Những ngôi mộ cổ, theo truyền thống địa phương đều được đắp bằng đất. Dòng thời gian đã xói mòn nhiều ngôi mộ, gần như không thể nhận ra vết tích dưới những gốc dâu. Thế nhưng đã có không ít quan chức chính phủ lui tới viếng để tỏ "tấm lòng thành".
Một góc trong khu mộ tổ của gia tộc Chu Vĩnh Khang.
Chu Vĩnh Khang và "bông hồng gai" Như Diệp.
Vì long mạch bị đứt gãy...?
Người dân địa phương cho biết "quan lớn" Chu từng trả tiền cho một thầy cúng để xem phong thủy và bắt "long mạch" khu mộ tổ. Các thầy phán rằng, âm phần dòng họ Chu sẽ cản trở Chu Vĩnh Khang trên bước đường thăng tiến, nếu ông ta không tạ tội. Chu Vĩnh Khang răm rắp nghe theo, rối rít gọi điện thoại, thúc giục anh em họ mạc xây "biệt thự hạng sang" cho tổ tiên bằng đá hoa cương đắt tiền. Kể từ khi mộ tổ được xây dựng khang trang, nơi đây không những trở thành địa điểm "giao dịch" cho những vụ trao đổi mua quan bán tước mà còn dành cho những kẻ biết luồn cúi nên được Chu Vĩnh Khang che chở hoặc hậu thuẫn thăng chức làm "lễ tạ ơn" vô cùng rình rang và tốn kém.
Một góc trong khu mộ tổ của gia tộc Chu Vĩnh Khang.
Người dân địa phương bức xúc kể rằng, vì mong muốn làm khu mộ tổ trở nên hoành tráng hơn, năm 2009 dòng họ Chu đầy quyền thế đã mở rộng con đường chạy thẳng vào ngôi nhà thuở thiếu thời của Chu Vĩnh Khang ở làng Hậu Kiều, buộc nhiều hộ gia đình phải dỡ bỏ nhà cửa với mức đền bù chỉ 350NDT/m2 trong khi giá thị trường là 3.800NDT/m2, và một hồ nước ngọt phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt khiến người dân phản đối quyết liệt và cũng kể từ đó "long mạch" dòng họ Chu bắt đầu "đứt gãy".
…hay vì che chắn cho nhân tình, người thân làm giàu bất chính?
Dựa vào quyền thế chính trị mạnh mẽ của Chu lão gia, các thành viên gia tộc họ Chu tha hồ trục lợi, đặc biệt trong ngành dầu khí bằng cách "cắm" con trai cả Chu Bân và con trai út Chu Hân (người này tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại Nhật Bản) vào vị trí lãnh đạo, thao túng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Chu Vĩnh Khang và "bông hồng gai" Như Diệp.
Sau khi ly dị người vợ đầu là Vương Thục Hoa, Chu Vĩnh Khang bắt đầu sa vào lưới tình của những người đẹp như Giả Hiểu Diệp, Diệp Nghênh Xuân, Thẩm Băng, Lý Tiểu Manh, Lưu Phương Phi đều là biên tập viên của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Thang Xán, ca sĩ chuyên dòng nhạc dân gian Trung Hoa phục vụ quân đội.
Ở Tứ Xuyên, Chu Vĩnh Khang ưu tiên phát triển công nghệ thông tin và khuyến khích hiện đại hóa nền nông nghiệp, tận dụng sự ủng hộ của chính phủ đối với khu vực miền Tây. GDP Tứ Xuyên tăng từ 401 triệu NDT năm 2000 lên đến 487,5 triệu nhân dân tệ năm 2002, tốc độ tăng trưởng hằng năm giữ ổn định từ 9,0; 9,2 và 10,6%. Năm 2003, ông ta kêu gọi Tập đoàn Intel đầu tư một nhà máy lắp ráp linh kiện máy tính trị giá vốn đầu tư 375 triệu USD ở Thành Đô. Năm 2012, gần 50 trong tổng số 500 tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất trên thế giới đầu tư vào Tứ Xuyên. Ngoài ra, Chu Vĩnh Khang còn tích cực chỉ đạo phát triển du lịch, biến vùng đất thuần nông trở thành một địa điểm hấp dẫn du khách. Trong quá khứ, Tứ Xuyên rất nghèo nàn và lạc hậu, kể từ khi Chu Vĩnh Khang về làm lãnh đạo nơi đây đã thay da đổi thịt, đây là thành công lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông ta. Tuy nhiên, sau khi có được tín nhiệm cao, Chu Vĩnh Khang bắt đầu bí mật lũng đoạn quyền lực.
Cũng theo người dân ở đây, Chu Nguyên Hưng, một người em trai của Chu Vĩnh Khang chưa từng rời khỏi "lũy tre làng", nhưng ông ta vẫn trở nên giàu có một cách kỳ lạ, đặc biệt là trong thời gian Chu Vĩnh Khang nắm quyền lực ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia rồi được cất nhấc làm lãnh đạo tỉnh Tứ Xuyên. Chu Nguyên Hưng hưởng lợi từ một nguồn thu không giới hạn từ trà cao cấp, thuốc lá và bạc xỉu, đặc biệt thương hiệu Ngũ Lương Diệp. Các nguồn tin khác cho biết, ông này còn kiếm chác trong vai trò môi giới kinh doanh sắt, thép.
Ngoài ra, Chu Nguyên Hưng còn kiếm bộn tiền nhờ "làm trung gian hòa giải" giữa các doanh nghiệp địa phương, thậm chí nhờ bóng anh cả chạy án, giúp nhiều đối tượng phạm tội thoát vòng lao lý. Vợ Chu Nguyên Hưng là Chu Linh Anh cũng bám vào "hồng phúc" nhà chồng điều hành các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy, dầu khí và có hẳn một chuỗi phân phối xăng dầu trải khắp đất nước Trung Quốc. Chu Linh Anh và người thân của bà ta đã bị Công an Trung Quốc bắt tạm giam phục vụ điều tra tham nhũng có liên quan đến Chu Vĩnh Khang.
Chu Vĩnh Khang làm suy yếu Bộ Công an?
Chu Vĩnh Khang tiếp quản chức Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc từ năm 2007 đến 2012 vào đúng thời kỳ tội phạm gia tăng, lực lượng cảnh sát bị tố cáo lạm quyền, tham nhũng trong tình trạng ngân sách bị chia năm xẻ bảy. Dù tỏ ra cứng rắn đưa ra nhiều biện pháp cải cách, nhưng phần vì đã "ngậm miệng ăn tiền", phần vì như đánh giá của giáo sư Ngô Tâm - giảng viên Đại học An ninh nhân dân Trung Quốc: Chu Vĩnh Khang chỉ "diễn tuồng" nhằm thăng chức chứ không phải chủ tâm làm trong sạch, khôi phục lại sức mạnh của một bộ phụ trách bảo vệ an ninh quốc gia, nên ông ta đành buông tay trước vấn nạn này.
Theo các nhà phân tích, Chu Vĩnh Khang có thể đối mặt với bản án nghiêm khắc hơn Bạc Hy Lai: tử hình. Chu Vĩnh Khang chính thức bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 6/12 vừa qua và sẽ phải hầu tòa. Hãng tin Tân Hoa xã khẳng định ông ta vi phạm "kỷ luật và tiết lộ bí mật quốc gia". Ngoài tội danh tham nhũng, Chu Vĩnh Khang còn bị điều tra về tội làm lộ bí mật quốc gia. "Ở Trung Quốc rất khó xác định bí mật nhà nước là gì. Là một cựu ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, bất kỳ điều gì mà Chu Vĩnh Khang vô tình buột miệng nói với bất kỳ ai xung quanh đều có thể được xem là "bí mật quốc gia", nhà bình luận chính trị Trương Lý Phần nêu quan điểm.
Ông Trương nhận xét, tuyên bố Chu Vĩnh Khang phạm tội làm lộ "bí mật quốc gia" cũng được xem như lý do lui phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai. Bạc Hy Lai đã bị xử tù chung thân vào năm ngoái với các tội danh gồm: nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Giáo sư Trần Đạo Chính, giảng viên khoa Khoa học chính trị và Luật - Đại học Thượng Hải cho rằng, bí mật quốc gia được đề cập trong báo cáo có thể là "một số cuộc thảo luận nội bộ về cải tổ nhân sự Bộ Chính trị trong thời gian tới. Chu Vĩnh Khang có thể đã lợi dụng vị thế làm rò rỉ một số thông tin cho các quan chức và ứng cử viên, hoặc thậm chí tiết lộ cho truyền thông nước ngoài nhằm thao túng cuộc cải tổ hàng ngũ lãnh đạo Đảng".
Nhà phân tích chính trị họ Trương cho rằng phán quyết chống lại Chu Vĩnh Khang có thể dẫn đến một bản án tử hình. "Hàng ngũ lãnh đạo đã biết trong những thập niên qua rằng hình phạt cao nhất dành cho các quan chức cấp cao tham nhũng sẽ là một bản án tử hình cùng với 2 năm tù hoãn thi hành án (chờ ngày thi hành án tử hình)", giáo sư khoa học chính trị Trương Minh, giảng viên Đại học Nhân dân trả lời báo chí Trung Quốc.
Theo Anh Trúc
An ninh thế giới