1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc, Venezuela đồng loạt ngừng các kế hoạch hạt nhân

(Dân trí) - Trung Quốc đã ngừng việc cấp phép cho các nhà máy điện hạt nhân mới sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima I của Nhật Bản. Venezuela cũng tuyên bố “đóng băng” các kế hoạch hạt nhân.

 
Trung Quốc, Venezuela đồng loạt ngừng các kế hoạch hạt nhân  - 1
Nhà máy điện ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh.

Theo quyết định mới, Trung Quốc cũng sẽ kiểm tra tất cả các lò phản ứng hiện thời và đang được xây dựng.

Trung Quốc hiện đang xây dựng 27 lò phản ứng mới - chiếm khoảng 40% tổng số các lò phản ứng đang được xây dựng khắp thế giới.

Thông tin trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản.

Quyết định ngừng cấp phép cho các nhà máy hạt nhân mới được thông báo trong một cuộc họp của Hội đồng nhà nước do Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo chủ trì hôm qua.

“Chúng ta sẽ ngừng cấp phép các dự án điện hạt nhân, kể cả các dự án vừa bắt đầu, trước khi các quy định an toàn hạt nhân được phê chuẩn”, một tuyên bố của Hội đồng nhà nước nêu rõ. “An toàn là ưu tiên hàng đầu của chúng ta trong việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân”.

Tuyên bố cũng nói rằng các kế hoạch hạt nhân trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh và cải tiến.

Điện hạt nhân từ 13 lò phản ứng hiện chỉ chiếm 2% sản lượng điện cả nước nhưng Trung Quốc đã công bố một dự án đầy tham vọng nhằm gia tăng đáng kể con số này. Nước này hiện đang xây dựng nhiều lò phản ứng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Theo Viện năng lượng hạt nhân có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc muốn xây tổng cộng 110 lò phản ứng hạt nhân trong vài năm tới.

Đây là một phần kế hoạch nhằm phát triển các nguồn năng lượng khác - như năng lượng gió và mặt trời - để giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc và than đá, hiện cung cấp khoảng 2/3 nhu cầu năng lượng.

Trung Quốc gần đây cũng tuyên bố rằng nước này đã phát triển công nghệ mới nhằm tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vốn có thể được sử dụng để vận hành các nhà máy điện mới.

Hội đồng nhà nước Trung Quốc cũng đảm bảo với người dân rằng Trung quốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi các vụ rò rỉ phóng xạ ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, người dân vẫn đổ xô đi mua muối vì tin rằng muối có thể giúp bảo vệ họ khỏi phóng xạ. Một số người cũng tin rằng muối được cung cấp trong tương lai có thể bị ảnh hưởng bởi rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima I .

Các cửa hàng thuốc cũng cho biết nhu cầu gia tăng đột biến về các loại thuốc có thể chống phóng xạ.

Venezuela “đóng băng” các kế hoạch hạt nhân

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez ngày 16/3 cũng tuyên bố ông sẽ ngừng các kế hoạch nhằm phát triển một chương trình

Trung Quốc, Venezuela đồng loạt ngừng các kế hoạch hạt nhân  - 2

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và người đống cấp Nga Dmitry Medvedev đã đồng ý về thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 10 năm ngoái.
năng lượng hạt nhân do cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản.

Hồi năm ngoái, Venezuela đã ký kết thỏa thuận với một công ty của Nga nhằm phát triển một nhà máy hạt nhân trong 10 năm tới. Nhưng ông Chavez nói rằng các sự cố tại Nhật Bản đã cho thấy rằng các mối nguy hiểm của việc phát triển năng lượng hạt nhân là quá lớn.

Các quốc gia trên khắp thế giới đều đang xem xét lại chính sách hạt nhân của mình do cuộc khủng hoảng hạt nhà máy Fukushima I, vốn gây ra bởi trận động đất và sóng thần hồi tuần trước.

“Điện hạt nhân đặc biệt nguy hiểm và nhiều rủi cho cho cả thế giới. Dù Nhật Bản có công nghệ và những tiến bộ tuyệt vời, hãy nhìn xem những gì đã xảy ra tại một số lò phản ứng hạt nhân của nước này”, ông Chavez nói.

Tổng thống Chavez nói thêm rằng những lo ngại toàn cầu về sự an toàn của điện hạt nhân có thể thúc đẩy nhu cầu về xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela.

Trong khi đó, tại Chile, Tổng thống Sebastian Pinera nói ông sẽ tiếp tục một dự án hợp tác hạt nhân với Mỹ dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tuần tới.

Ông Pinera cho biết Chile vẫn giữ giải pháp năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng bấp chấp những lo ngại về cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản.

Giống Nhật Bản, Chile nằm trên “Vành đai Lửa” Thái Bình Dương, khu vực thường xuyên xảy ra động đất và sóng thần nhất thế giới.

An Bình
Theo BBC