1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc vẫn diễn trò tráo trở trên Biển Đông

Trong khi nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông nhấn mạnh tới việc giải quyết những tranh chấp giữa ASEAN với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế thì Bắc Kinh lại không có cùng quan điểm như vậy.

 

 
Bắc Kinh cho rằng Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) không phải là một hiệp ước quốc tế được dùng để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các nước và không thể được sử dụng để phán xét về tranh chấp.

Chưa hết, tuy nói sẵn sàng cùng với ASEAN “gìn giữ hòa bình và ổn định” ở Biển Đông, nhưng thực tế Trung Quốc chỉ thảo luận trên cơ sở các nước Đông Nam Á công nhận chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Một sự ngang ngược ngày càng quá đáng!

Trung Quốc chà đạp lên luật pháp quốc tế

Có thể nói phải vất vả mãi các nước ASEAN mới ra được thông báo về nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông hôm 20/7 sau thất bại thảm hại của Hội nghị Ngoại trưởng của khối trước đó một tuần tại Campuchia.

Tại cuộc họp báo ở Phnom Penh ngày 20/7, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, Hor Namhong cho biết, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã xác định được 6 nguyên tắc chính về vấn đề Biển Đông, gồm: (1) Phải tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; (2) Nguyên tắc hướng dẫn thực hiện các quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC năm 2011; (3) Cần sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC); (4) Tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); (5) Các bên tranh chấp tiếp tục kiềm chế, không sử dụng vũ lực và (6) Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 2002 được quốc tế công nhận.
 
Trung Quốc vẫn diễn trò tráo trở trên Biển Đông
Tàu đánh cá Trung Quốc tiến vào vùng biển quanh đảo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiều 20/7.

Như vậy có thể thấy, lập trường chung của toàn khối ASEAN là cần giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, kiềm chế và không sử dụng vũ lực. Đây rõ ràng là một quan điểm rất cầu thị, rất mong muốn hòa bình của các nước ASEAN. Đành rằng bộ nguyên tắc trên của ASEAN không hề đưa cụ thể vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc và cũng không có khu vực đặc quyền kinh tế đang có tranh chấp giữa Trung Quốc với các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Còn nhớ, tại Hội nghị ASEAN tuần trước, Philippines và Việt Nam là hai nước tranh cãi và kiên trì giữ quan điểm của mình đòi ASEAN đặt vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough và khu vực đặc quyền kinh tế đang có tranh chấp với Trung Quốc vào thông cáo chung. Ấy vậy mà phản ứng ngay sau đó của Trung Quốc là gì?

Ngày 20/7, theo Tân Hoa xã, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố “ghi nhận” thỏa thuận của ASEAN về 6 nguyên tắc liên quan Biển Đông và rằng Bắc Kinh sẵn sàng cùng các nước ASEAN, thực hiện “toàn diện và hiệu quả” bản Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, cùng nhau “giữ gìn hòa bình và ổn định” ở vùng này. Ông Hồng Lỗi nói thêm Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với ASEAN để đạt được một Bộ quy tắc ứng xứ trên Biển Đông. Có được lời này của Hồng tiên sinh thì thật là mừng? Nhưng không, ông Hồng Lỗi nói ngay, Trung Quốc “có cơ sở lịch sử và pháp lý đầy đủ” về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh. Và Hồng tiên sinh không quên nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc rằng, Công ước LHQ về Luật Biển không phải là một hiệp ước quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia, cho nên không thể được dùng làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Ai cũng thấy được sự mâu thuẫn trong tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc. “Hoan nghênh” ASEAN muốn giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế nhưng lại coi luật pháp quốc tế chả là cái thá gì, “mong muốn hòa bình và ổn định” nhưng với điều kiện là các nước khác phải công nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên gần hết Biển Đông. Không chỉ lời nói mâu thuẫn, Trung Quốc còn mâu thuẫn trong cả việc làm. Ngay khi ASEAN ra tuyên bố 6 nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông, Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” mới thành lập với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng, Việt Nam).

Cụ thể là ngày 20/7 (cùng là ngày Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “ghi nhận” thỏa thuận của ASEAN về 6 nguyên tắc liên quan Biển Đông), Bộ Tư lệnh Quảng Châu của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cho biết Bộ này đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho phép thành lập Bộ Tư lệnh của đơn vị đồn trú tại thành phố Tam Sa. Đây sẽ là Bộ Tư lệnh cấp phân khu thuộc Bộ Tư lệnh tỉnh Hải Nam của PLA và chịu trách nhiệm quản lý sự huy động về quốc phòng, quân phòng bị cũng như tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa. Bộ Tư lệnh của đơn vị đồn trú này sẽ nằm dưới quyền lãnh đạo song song của Bộ Tư lệnh tỉnh Hải Nam và chính quyền nhân dân thành phố Tam Sa.

Tất cả những lời nói và hành động trên nói lên điều gì? Đó chả phải là Trung Quốc đang muốn chơi luật rừng sao, ỉ mạnh hiếp yếu, cá lớn nuốt cá bé, áp đặt yêu sách vô lý của mình lên nước khác, bắt họ phải chấp nhận bất chấp luật pháp quốc tế. Một âm mưu độc chiếm Biển Đông đã lộ rõ chân tướng. Việc Trung Quốc thành lập “quân khu Tam Sa” là tìm cách đẩy mạnh các hành vi quân sự nhằm khẳng định “chủ quyền” một cách bất hợp pháp trên Biển Đông. Động thái này của Trung Quốc không chỉ vi phạm trắng trợn UNCLOS, mà còn chà đạp lên nguyên tắc cùng chung sống hòa bình với các nước mà chính Bắc Kinh đã đặt ra. Các chuyên gia nhận định, những động thái gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc về lâu về dài chỉ có hại cho chính nước này bởi Bắc Kinh có thể đạt được một số mục đích ở Biển Đông, song họ đã đánh mất hoàn toàn lòng tin của cộng đồng quốc tế. Sự coi thường quan điểm chung của toàn khối ASEAN về giải quyết tranh chấp trước mắt có thể không ảnh hưởng gì tới Trung Quốc, nhưng về lâu dài thì đây sẽ là một điều tai hại.

Tưởng rằng khi ASEAN đạt được quan điểm chung để chuẩn bị đàm phán với Trung Quốc về nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông vào tháng 10 tới, nhưng xem ra khó mà đạt được một thỏa thuận nào. Theo Tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nếu ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử, thì nó có thể nặng về mặt biểu tượng và nhẹ về mặt nội dung. Do đó, một thỏa thuận khó có thể có một tác động đáng kể nào đối với việc giảm căng thẳng ở Biển Đông hay đưa tranh chấp đi gần hơn tới giải pháp. Vậy thì đâu là kịch bản tốt nhất và đâu là tồi tệ nhất cho những căng thẳng trên Biển Đông trong năm tới?

Theo tiến sĩ Ian Storey, kịch bản tồi tệ nhất với tất cả các bên liên quan ở Biển Đông là một cuộc đối đầu nghiêm trọng, trong đó lực lượng quân sự được sử dụng. Nhưng ông Storey nghĩ rằng cơ hội xảy ra kịch bản này không cao. Kịch bản tốt nhất theo Tiến sĩ Storey là Trung Quốc và ASEAN đồng ý về một COC đáng tin cậy và hiệu quả làm giảm căng thẳng, dẫn đến việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và do đó tạo ra một môi trường thuận lợi cho một giải pháp hòa bình. Nhưng ông Storey cũng không nghĩ rằng cơ hội cho kịch bản đó là rất cao. Vì vậy, Tiến sĩ Storey cho rằng, những gì chúng ta sẽ thấy trong tương lai gần là việc tiếp tục duy trì nguyên trạng ở Biển Đông: căng thẳng sẽ tiếp tục lên rồi lại xuống, các bên tranh chấp sẽ phản đối động thái của nhau và ASEAN và Trung Quốc sẽ giữ cho quá trình DOC/COC tiếp tục chỉ để cho thấy rằng họ đang làm điều gì đó. Nguyên trạng có thể giữ trong bao lâu lại là một vấn đề khác. Nó có tuổi thọ hạn chế, mặc dù hiện trạng sau đó sẽ ra sao là điều không thể biết được tại thời điểm này. Nhưng nó có thể sẽ rất hỗn độn.

Cái bẫy thâm hiểm của Trung Quốc

Ngày 13/7, Trung Quốc phái 30 tàu cá cùng tàu hộ tống đến bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc tuyên bố các tàu này sẽ ở lại khai thác hải sản trong vòng 10 ngày. Hành động này của Trung Quốc ngay lập tức khiến Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối vì đây không phải là hành động đơn phương đòi chủ quyền gây nhiều tranh cãi đầu tiên của Trung Quốc kể từ đầu năm tới nay. Rất có thể nước này còn nhiều hành động đơn phương khác trong tương lai.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có nhiều toan tính khi làm như vậy. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận xét: “Đây không thể coi là một hành động đơn lẻ. Đây là sự tính toán từ trước của Trung Quốc. Họ muốn sử dụng các lực lượng dân sự và bán quân sự để áp đảo Philippines và Việt Nam”. Trước khi sự kiện này xảy ra, đầu tháng 4/2012, Trung Quốc và Philippines cũng có một vụ đụng độ tại khu vực bãi cạn Scarborough. Sự kiện bắt đầu khi tàu hải quân Philippines được phái ra bãi cạn Scarborough để tìm hiểu vụ các tàu cá của Trung Quốc xâm phạm khu vực để đánh bắt hải sản. Vụ việc sau đó đã gây căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước. Tranh chấp tại bãi cạn Scarborough cho đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt do Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động của các tàu cá tại đây.

 Phát ngôn và hành động của Trung Quốc về Biển Đông hoàn toàn mâu thuẫn.
 Phát ngôn và hành động của Trung Quốc về Biển Đông hoàn toàn mâu thuẫn.

Theo Giáo sư Carl Thayer, đây là một chiến thuật mà Trung Quốc đang áp dụng không chỉ đối với Biển Đông mà còn đối với vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Giáo sư Carl Thayer nói: “Họ (Trung Quốc) đã tính toán kỹ lưỡng. Philippines có nguồn lực hạn chế và Việt Nam cũng vậy. Nếu Trung Quốc đưa hết các tàu bán quân sự ra đó để bảo vệ tàu cá của mình, không ai có khả năng ngăn chặn các tàu cá này và họ có thể đi từ nơi này sang nơi khác. Trung Quốc có chăng cũng chỉ bị phản đối về mặt chính trị. Đây là cách Trung Quốc đang làm để khiến cho các nước có tranh chấp mệt mỏi, sau đó Bắc Kinh sẽ gây sức ép về chủ quyền”.

Về mặt chính trị, ngay sau khi Trung Quốc phái tàu cá đến bãi Chữ Thập, Chính phủ Việt Nam và Philippines đã chính thức lên tiếng phản đối. Đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói với báo giới rằng, hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernadez cũng lên tiếng cảnh báo khi nói rằng lực lượng bờ biển nước này sẽ kiểm tra vị trí của các tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông để đảm bảo chúng không đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Nói vậy, song Philippines cũng gặp nhiều khó khăn khi phái tàu ra theo dõi các tàu của Trung Quốc. Họ không những phải đối đầu với Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough mà còn phải lo lắng về các động thái của Trung Quốc ở bãi Chữ Thập, và có thể còn ở những nơi khác nữa trong tương lai. Vì vậy, họ phải tìm các giải pháp khác để đối phó với hành động của Trung Quốc.

Giáo sư Rommel Banlaoi - Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo động và Khủng bố của Philippines - nói: “Tất nhiên, Philippines sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện ở khu vực bằng cách phái thêm tàu tuần duyên đến, nhưng về số lượng tàu, chúng tôi không thể bắt kịp với Trung Quốc. Vì vậy, Chính phủ Philippines đang đưa ra một phương án khác là tìm cách gây sức ép của khu vực lên Trung Quốc, buộc họ phải thay đổi thái độ”.

Điều này giải thích tại sao Philippines kêu gọi đưa tranh chấp Scarborough vào tuyên bố chung của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra hồi tuần trước, nhằm gây sức ép của quốc tế lên Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này của Philippines đã thất bại do ảnh hưởng của Trung Quốc lên các nước ASEAN khác, đặc biệt là nước chủ nhà Campuchia.

Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc phái 30 tàu cá đến bãi Chữ Thập có thể dẫn đến một tình trạng tương tự như vụ bãi cạn Scarborough của Philippines hay không? Hay có thể còn nặng nề hơn? Câu trả lời phụ thuộc vào những phản ứng mà Việt Nam sẽ áp dụng đối với các hành động của Trung Quốc. Giáo sư Carl Thayer cho rằng, đây cũng chính là cách Trung Quốc muốn thử khả năng phản ứng của Việt Nam. Vì đã là phép thử, cũng sẽ không có gì lạ nếu các tàu cá Trung Quốc lần này tìm cách đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thử phản ứng từ phía Việt Nam.

Theo Giáo sư Carl Thayer, dù thế nào, Việt Nam cũng nên rút ra bài học từ vụ Scarborough. Mặc dù Philippines chỉ phái tàu hải quân đến khu vực tranh chấp một thời gian ngắn nhưng đã tạo cớ cho Trung Quốc lớn tiếng và phản ứng dữ dội. Đây là chiến thuật mà Trung Quốc lâu nay vẫn áp dụng ở Biển Đông. Giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc Đại học De la Salle (Philippines) nói: “Trò chơi của Trung Quốc là muốn để chúng ta rơi vào bẫy của họ. Họ quấy rối, gây khó dễ và đợi chúng ta bắn phát súng đầu tiên, sau đó họ sẽ phản công với lý do tự vệ, khiến chúng ta phải chịu tổn thất lớn”.

Theo ông Renato Cruz de Castro, vụ bãi Chữ Thập chỉ là một trong nhiều phép thử mà Trung Quốc đang và sẽ áp dụng đối với Việt Nam trong năm nay và thời gian sắp tới, tương tự như họ đã làm với bãi cạn Scarborough. Việc tìm ra chiến thuật đối phó với Trung Quốc trong những vụ việc như thế này hoàn toàn không dễ đối với cả hai nước (Việt Nam và Philippines) khi nguồn lực của họ còn hạn chế. Cách duy nhất mà hai nước vẫn làm là kêu gọi sự can thiệp của các nước trong khu vực.

Giang Khuê
Theo Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm