Trung Quốc và chính sách “Tôi lớn, tôi có quyền” ở Biển Đông
Thế giới trong những tháng gần đây đã chứng kiến những hình ảnh đáng kinh ngạc về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, cả về tốc độ lẫn quy mô xây dựng.
Hoạt động xây dựng cảng trái phép của Trung Quốc trên bãi Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: SIA)
Bản thân hành động này của Trung Quốc được nhận định là bức tranh cát chân thực và hoàn hảo nhất cho chính sách đối ngoại hiện đại của nước này: Chúng tôi lớn, chúng tôi có khả năng, chúng tôi có thể và sẽ xây dựng bất kì thứ gì chúng tôi muốn.
Sau một thập kỉ căng thẳng leo thang trong khu vực, Trung Quốc đang có những động thái mạnh bạo nhất để áp đảo Biển Đông. Trong khi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực trong nhiều năm qua sử dụng ngư dân và lực lượng bảo vệ bờ biển để ngăn cản hay bắt giữ người nước ngoài tại những vùng tranh chấp, Trung Quốc chọn vũ lực để xử lý nhanh chóng vấn đề xung đột phân định biển hóc búa.
Cũng cần thấy rằng, trong số các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, không bên nào đủ sức ngang ngửa với Trung Quốc trên các phương diện sức mạnh kinh tế hay quân sự. Và tất cả các bên đều có những lợi ích kinh tế và sinh thái học đáng kể cần cân nhắc.
Vị trí Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trong thời gian gần đây nằm cách bờ biển nước này khoảng 1.300km, nằm rất xa bên ngoài những vùng biển được tuyên bố chủ quyền theo quy định quốc tế, trên một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới. Ước tính mỗi năm khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD đi qua vùng biển này.
Một trong những quy tắc quốc tế được chấp nhận trong phần lớn những tuyên bố mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là việc thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế. Tháng 5/2009, sau khi Việt Nam và Malaysia nộp bản báo cáo đăng ký thềm lục địa mở rộng Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc(CLCS), Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối.
Bản thân việc tìm đến một cơ chế phân xử cũng bị Trung Quốc kìm hãm bởi nhiều chiến lược tiếp cận ở các diễn đàn. Khi chủ đề những hành vi hung hăng của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng ở Biển Đông nổi lên trong đối thoại song phương Philippines – Mỹ lần thứ 5 hồi tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đáp trả. “Trung Quốc luôn luôn duy trì nhận thức tất cả các quốc gia, bất kể kích thước, đều bình đẳng. Chúng tôi chống lại việc các nước lớn o ép các nước nhỏ. Đồng thời, chúng tôi cũng tin rằng các nước nhỏ không nên đưa ra những yêu cầu vô lý”, ông Vương Nghị nói, nhưng những gì mà Bắc Kinh thể hiện thì hoàn toàn ngược lại.
Tư duy Trung Quốc
Những căng thẳng ở Biển Đông đã thúc đẩy chính sách tái cân bằng châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Với Trung Quốc, sự can dự này của Mỹ không khác gì một “cái nhọt”, họ tuyên bố những xung đột ở Biển Đông một phần là vì những can thiệp của Mỹ.
Thông điệp này một lần nữa được các học giả Trung Quốc phát đi tại Hội nghị thường niên lần thứ 5 về vấn đề Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) diễn ra trong tháng 7 tại Washington D.C.
Dễ hiểu lí do tại sao Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi sự can dự của Mỹ trong khu vực, cũng như những biện pháp Trung Quốc sử dụng để đạt được mục tiêu của nước này ở vùng tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Với Trung Quốc, sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề nước này xem là vấn đề chủ quyền là việc đặc biệt nhạy cảm. Trong cuốn “On China” của nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu dưới thời Tổng thống Richard Nixon ông Henry Kissinger, xuất bản năm 2011, tác giả cho biết Trung Quốc có một hệ thống quan điểm lịch sử vương quốc trung tâm, tức Trung Quốc là trung tâm của mọi nền văn minh và các quốc gia láng giềng nhỏ hơn phải tồn tại dưới sự thống trị của Trung Quốc, phải cống nạp và thể hiện sự tôn trọng với đế vương.
Trong hàng ngàn năm lịch sử, nhà nước Trung Hoa là nhà nước lớn nhất, giàu có nhất trong khu vực. Theo nhận định của cựu ngoại trưởng Kissinger, nhà nước Trung Quốc đang nổi lên và đang hiện đại hóa, đang thực thi nhiệm vụ theo đuổi một sự xuất chúng có tầm cỡ toàn cầu. Đây được xem là việc làm cần thiết mang tính lịch sử để sinh tồn, nếu không muốn nói là một nhiệm vụ đặt ra với một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới.
Cách hiểu này của ông Kissinger không phản ánh toàn bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng đó là cách hiểu đáng lưu tâm trong bối cảnh Trung Quốc đang chiếm ảnh hưởng về kinh tế, quân sự.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc hiểu và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng vô cùng phức tạp. Nước này chỉ sử dụng các quy tắc quốc tế khi những quy tắc này phù hợp với những tuyên bố của Bắc Kinh, và ngược lại.
Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra nhiều tác động, nhưng dễ thấy nhất là những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Biển Đông là nguồn sống, kế sinh nhai của người dân địa phương trong khu vực qua nhiều thế hệ. Việc xây dựng đảo nhân tạo và quá trình bồi đắp gây ra những hậu quả khốc liệt với các rạn san hô cần thiết để duy trì một hệ sinh thái biển khỏe mạnh.
Tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra trong tháng này, bà Irene Susan Natividad, phó đại diện của Philippines tại Liên hợp quốc cho biết những hoạt động xây dựng của Bắc Kinh “đang tạo ra sự phá hủy mở rộng với sự đa dạng sinh học của khu vực” và sẽ “hủy hoại một cách không thể bù đắp toàn bộ sự cân bằng sinh thái học…”
Theo Anh Minh/Diplomat