Trung Quốc tuyên bố mở rộng thăm dò dầu khí ở Ấn Độ Dương
(Dân trí) - Ngay sau khi Ấn Độ thông báo quyết định xúc tiến việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc cũng tuyên bố mở rộng phạm vi thăm dò dầu khí tới 10.000 km2 trong vùng thềm lục địa ở phía Tây Nam Ấn Độ Dương - báo chí Ấn Độ đưa tin.
Biển Đông đang là một đấu trường mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo mạng Times of India hôm 19/9, kế hoạch này được Trung Quốc ngày 17/9 tuyên bố là một phần của chính sách phát triển đại dương của Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2015.
Hãng tin Trung Quốc Xinhua dẫn lời ông Liu Cigui, người đứng đầu Ủy ban Phát triển Đại dương của Trung Quốc, nói : “Chúng tôi sẽ mở rộng độ sâu và phạm vi nghiên cứu đại dương, cải thiện khả năng hiểu biết của mình về đại dương, đặc biệt tập trung vào vùng các vùng cực và môi trường biển sâu”.
Ông Liu Cigui đưa ra tuyên bố trên trong hội nghị về công nghệ cho đại dương hôm 16/9.
Giới phân tích cho rằng trên thực tế, Ấn Độ không thể ngăn cản Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương vốn được coi là “sân sau” của Ấn Độ và ngược lại, Bắc Kinh cũng không thể ngăn cản Ấn Độ tiến vào Biển Đông - “sân trước” của Trung Quốc.
Nhưng Tiến sĩ C. Raja Mohan, chuyên gia về chính sách ngoại giao và quốc phòng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi (Ấn Độ) cho hay Trung Quốc rõ ràng không muốn có sự hiện diện của bất kỳ “quốc gia bên ngoài khu vực” nào tại Biển Đông.
Hồi tháng 8, bị sốc trước việc Trung Quốc xin được Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế Liên hợp quốc (ISA) cho phép thăm dò các nguồn đa kim sunphua ở đáy Ấn Độ Dương, Chính phủ Ấn Độ đang vội vã hoạch định chính sách khai thác mỏ nằm sâu dưới đáy ở khu vực phía Nam và Trung Ấn Độ Dương.
Theo mạng Times of India, Ấn Độ là nước “đi tiên phong trong việc đầu tư” vào thăm dò và khai thác mỏ ở Ấn Độ Dương. Thậm chí sớm hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ đã tiến hành các hoạt động thăm dò các nguồn khoảng sản như đồng, côban, mangan trong số các loại đa kim khác ở dạng vón cục nằm dưới đáy Ấn Độ Dương.
Ban Thủy văn của Hải quân Ấn Độ, vốn được xem là lực lượng giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực này, đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu lớn cũng như vẽ bản đồ đáy biển tại khu vực Ấn Độ Dương.
Những tài liệu này không những giúp ích cho người đi biển mà còn rất có giá trị đối với các nhà hoạch định chiến lược và quốc phòng.