1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tiếp tục các hành động phi pháp tại Biển Đông

Trong lúc dư luận quốc tế tiếp tục lên án việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì nước này vẫn tiếp tục có thêm những động thái khiến tình hình gia tăng căng thẳng.


Ngay sau việc ngang nhiên công bố bản đồ khổ dọc “nuốt trọn” Biển Đông, đưa toàn bộ Biển Đông vào khu vực cảnh báo bão, thì mới đây Bắc Kinh lại tuyên bố hoàn thành việc xây dựng kho dữ liệu biển đảo ở  quần đảo Hoàng Sa, đưa phao tiêu phát sáng ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa phục vụ công tác tuần tra hàng hải, phối hợp với công ty dầu khí nước ngoài ký hợp đồng phân chia sản phẩm ở Biển Đông.

Ngày 4/7, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc công bố thông tin: Trung Quốc đã hoàn thành kho hồ sơ dữ liệu biển đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Thông tin từ Tổng đội Hải giám tỉnh Hải Nam cho biết, từ tháng 4/2014, lực lượng Hải giám Trung Quốc đã phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành điều tra thực tế đối với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, tiến hành thu thập các số liệu về điều kiện sống và điều kiện sản xuất trên các đảo nói trên, sau đó hình thành một kho dữ liệu chung, nhằm chia sẻ thông tin cho các cơ quan chức năng của Trung Quốc nghiên cứu sử dụng.

Trước đó, ngày 2/7, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cũng đã tổ chức đưa 4 phao tiêu phát sáng ra đảo Phú Lâm để phục vụ cái gọi là “tuần tra hàng hải” trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đặc biệt, báo chí nước này còn tiết lộ thông tin Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vừa ký hợp đồng với Công ty ENI của Italy về việc phân chia sản phẩm đối với một lô dầu khí tại Biển Đông, có diện tích khai thác là 2.000 km2, thời gian thăm dò khai thác là 6 năm rưỡi.

Mặc dù phía Trung Quốc không tiết lộ lô dầu khí nói trên có nằm trong vùng biển tranh chấp hay không, nhưng dù nằm ở khu vực nào, thì những hành động nêu trên của Trung Quốc đều là việc làm thiếu thiện chí, khiến tình hình Biển Đông càng thêm căng thẳng.

* Trong bài viết đăng trên The Nation của Thái Lan số ra ngày 4/4, giáo sư Sathirathai, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và hòa giải châu Á, cựu Ngoại trưởng Thái Lan, cảnh báo “Nếu tranh chấp Biển Đông leo thang thì nó sẽ biến thành vùng biển xung đột và có thể dẫn tới chiến tranh, làm đứt quãng thương mại toàn cầu và các tuyến giao thông cực kỳ quan trọng đối với châu Á-Thái Bình Dương”.

Giáo sư Sathirathai nêu rõ: Hơn 50% khối lượng hàng hóa thế giới chở bằng tàu thủy hằng năm (khoảng 5.300 tỷ USD) đi qua các eo biển nối liền Biển Đông và Ấn Độ Dương. Hơn 1/3 lượng dầu thô thế giới được chuyên chở qua Biển Đông mỗi ngày. Ngoài ra, Biển Đông còn có thể trữ 7,7 tỷ thùng dầu thô, đang sở hữu 1/3 đa dạng sinh học biển thế giới, cung cấp nguồn hải sản cho 1,5 tỷ người. Với nguồn tài nguyên năng lượng và hải sản dồi dào, Biển Đông có thể trở thành trung tâm phát triển kinh tế của cả khu vực.

Do đó, ASEAN và Trung Quốc phải đẩy nhanh đàm phán thành lập bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và cũng cần tính đến việc hợp tác phát triển chung trên Biển Đông. Ông Sathirathai nhắc tới các mô hình hợp tác giữa Nhật và Hàn Quốc tại phía nam thềm lục địa hai nước năm 1974, giữa Australia và Indonesia để xây dựng vùng hợp tác giữa Đông Timor và bắc Australia năm 1989, hiệp  ước 2002 giữa Australia và Đông Timor, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia năm 1992, thỏa thuận hợp tác giữa Thái Lan và Malaysia về việc khai thác chung dầu khí trên vịnh Thái Lan năm 1979…

Cựu Ngoại trưởng Sathirathai khẳng định không một quốc gia nào trên thế giới muốn thấy Biển Đông trở thành vùng biển xung đột, mà phải trở  thành vùng biển hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn