Trung Quốc thất bại trong vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh
(Dân trí) - Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh thứ 2 nhưng thất bại, các nguồn tin thân cận với quân đội tiết lộ, trong bối cảnh Bắc Kinh cố gắng tìm kiếm cách thức để phóng vũ khí hạt nhân với tốc độ cao nhằm đánh bại các hệ thống phòng thủ.
Vũ khí siêu thanh Falcon HTV-2 của Mỹ.
Vụ thử nghiệm phương tiện được tiến hành hôm 7/8 tại một trung tâm phóng tên lửa và vệ tinh ở tỉnh Sơn Tây, cách thủ phủ Thái Nguyên khoảng 300 km, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời 2 nguồn tin giấu tên.
Đây là lần thứ 2 hệ thống thất bại, theo các nguồn tin trên. Phương tiện siêu thanh đã phát nổ ngay sau khi được phóng đi.
Phương tiện siêu thanh được phóng từ một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Sau khi được đưa lên độ cao chưa được tiết lộ và tách khỏi tên lửa đẩy, phương tiện này sau đó có thể lao tới mục tiêu với tốc độ March 10, tương đương 12.000 km/h.
Mỹ là quốc gia duy nhất được tin là đã phát triển công nghệ tương tự. Trung Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công công nghệ này vào tháng 1 năm nay. Nga và Ấn Độ cũng được tin là đang phát triển các phương tiện tương tự.
Bộ quốc phòng Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận nào về các thông tin trên.
Wang Xudong, một cố vấn về vệ tinh của chính phủ Trung Quốc, cho hay hệ thống trên là cần thiết đối với phòng thủ quốc gia.
"Trung Quốc cần hệ thống đó để thúc đẩy khả năng tên lửa vì các vũ khí của quân đội Trung Quốc yếu hơn các lá chắn của Mỹ, vốn được triển khắp khắp thế giới", ông Wang nói.
Lầu Năm Góc gọi vũ khí siêu thanh của Trung Quốc là WU-14.
Các nguồn báo chí tại Mỹ hồi tháng 6 cho biết Washington đang cấp kinh phí để đẩy mạnh phát triển một chương trình tên lửa siêu thanh trong bối cảnh có những lo ngại về sự nghiên cứu của Trung Quốc.
Trang tin Washington Free Beacon tại Mỹ hôm 19/8 đã đưa tin về vụ thử nghiệm hồi tháng này của Trung Quốc, dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên.
Chuyên gia vệ tinh Wang cho biết Trung Quốc có bất lợi về mặt quân sự so với Mỹ vì công nghệ hiện thời chỉ cho phép tên lửa Trung Quốc được phóng từ đất liền và dễ dàng bị đánh chặn.
"Mỹ có thông tin tình báo tinh vi để thường xuyên giám sát sự phát triển của quân đội Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ quân sự nào ở nước ngoài", ông Wang nói.
"Nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự, tất cả các tên lửa do quân đội Trung Quốc phóng đi sẽ bị các hệ thống phòng thủ của Mỹ đánh chặn", ông Wang nói thêm.
Đe dọa các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ
"WU-14 sẽ trở thành vũ khí tấn công toàn cầu của Trung Quốc, gây ra mối đe dọa lớn và các thách thức với Mỹ", ông Ding nói.
Một chuyên gia siêu thanh nói với tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng hồi tháng 1 rằng Trung Quốc có hơn 100 nhóm từ các viện nghiên cứu và các trường đại học hàng đầu tham gia vào dự án vũ khí siêu thanh.
"Phát triển vũ khí siêu thanh chắc chắn sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự răn đe quân sự", chuyên gia quân sự Li Jie tại Bắc Kinh, nói.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã lên mức 145 tỷ USD trong năm ngoái, gây ra những lo ngại và bất an trong các quốc gia khu vực.
An Bình
Theo SCM, Washington Free Beacon