Trung Quốc tập trận rầm rộ trên Biển Đông: Lại là động thái hăm dọa
Ngày 22.7, lực lượng hải quân Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận kéo dài 10 ngày trên Biển Đông. Động thái này khiến cho dư luận rất quan ngại, cho rằng đó là sự hăm dọa của Trung Quốc.
Thử nghiệm chiến thuật
Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web riêng, Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc thông báo cấm các tàu thuyền “tiến vào các khu vực hàng hải được ấn định để tổ chức tập trận". Khu vực cấm tàu thuyền này nằm ngoài khơi bờ biển phía đông nam của tỉnh đảo Hải Nam (Trung Quốc) và bao gồm một số khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo CCTV, tàu đổ bộ đệm khí đã trở thành lực lượng chủ đạo của Trung Quốc để đưa quân đến các khu vực cần bảo vệ. Loại tàu đổ bộ “Bison” là thủy phi cơ quân sự lớn nhất thế giới, có thể chở theo 3 chiếc xe tăng hạng nặng mỗi chiếc gần 150 tấn, hoặc 10 xe bọc thép và 140 binh sĩ. |
Ông Chu Thành Hổ giải thích: “Cuộc tập trận quy mô này sẽ mất ít nhất từ 3-4 tháng chuẩn bị. Không có bằng chứng về sự liên hệ giữa một cuộc tập trận thông thường với một bên thứ ba”. Trước đó một ngày, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng thông báo, Hạm đội Nam Hải đã tiến hành diễn tập đổ bộ quy mô “nhằm rèn luyện năng lực chiến đấu” tại Biển Đông.
Cuộc tập trận lớn này huy động một lữ đoàn đổ bộ, thủy quân lục chiến và các đơn vị trực thăng của hải quân nhằm thử nghiệm khả năng phối hợp giữa nhiều lực lượng trong điều kiện bắn đạn thật.
Quốc tế quan ngại
Động thái này diễn ra trong bối cảnh dư luận quan ngại về các dự án cải tạo trái phép quy mô lớn của Bắc Kinh trên Biển Đông cũng như cách tiếp cận độc đoán của nước này đối với các vụ tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này. Nhật Bản trong báo cáo quốc phòng thường niên cũng đã nhấn mạnh, Trung Quốc là mối đe dọa trong tình hình khu vực đang căng thẳng.
Trong khi đó, theo TTXVN, tại Washington ngày 21.7, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ 5 về Biển Đông. Tại hội thảo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel nhắc lại quan điểm Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, song khẳng định các tranh cãi phải được giải quyết bằng giải pháp ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế và Mỹ phản đối mọi hành động hăm dọa hay cưỡng ép.
Một số học giả cáo buộc Bắc Kinh đang thay đổi nguyên trạng tại vùng biển này. Trợ lý Ngoại trưởng Russel cho biết Trung Quốc đang tiến hành hoạt động này với tốc độ nhanh chưa từng có. Cố vấn cấp cao về châu Á của CSIS Bonnie Glaser nhận định việc Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo là nhằm tăng cường sự hiện diện và thực thi quyền kiểm soát trên biển ở Biển Đông.