Trung Quốc tăng nhập điện từ Triều Tiên, Myanmar giữa "cơn khát" năng lượng
(Dân trí) - Để đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, trong đó có Triều Tiên, Myanmar, Nga.
SCMP đưa tin, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu điện từ Triều Tiên, Nga và Myanmar trong bối cảnh họ đang phải trải qua tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua. Mặc dù vậy, động thái này không thể mang lại một giải pháp tức thời cho cuộc khủng hoảng lan rộng trên quy mô toàn quốc.
Theo số liệu của Trung Quốc, trong tháng 9, nước này đã nhập khẩu 35.974 MWh điện từ Triều Tiên, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 quý năm nay, họ nhập tổng cộng 291 GWh từ Triều Tiên, tăng 37% so với năm trước.
Trong tháng 9, Trung Quốc chi 1,5 triệu USD nhập khẩu điện từ Triều Tiên, trong khi 3 quý đầu năm nay, con số này là 11,9 triệu USD.
Theo một báo cáo nghiên cứu năm 2013 từ Đại học Điện lực Đông Bắc, điện nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên được truyền qua Đan Đông, một thành phố biên giới cấp tỉnh ở tỉnh Liêu Ninh.
Tỉnh Liêu Ninh, cùng với Hắc Long Giang và Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu điện trên khắp cả nước với hàng triệu người bị cắt điện kể từ tháng 9.
Trong khi đó, Nga trong 3 quý năm 2021 đã xuất khẩu sang Trung Quốc 2.381 GWh, trị giá 112,6 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tháng này, cơ quan năng lượng Nga đồng ý với đề nghị từ Tổng công ty lưới điện nhà nước Trung Quốc tăng gấp đôi lượng điện xuất khẩu trong ba tháng cuối năm so với sản lượng bán ra năm ngoái.
Trong 29 năm qua kể từ khi bắt đầu nhập từ Nga, Trung Quốc đã mua tổng cộng 30.000 GWh, với nguồn điện được sử dụng ở ba tỉnh Đông Bắc là Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm.
Trong khi đó, Trung Quốc trong 3 quý năm 2021 đã nhập 1.231 GWh điện từ Myanmar, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng giá trị 34 triệu USD.
Tuy nhiên, dù tăng nhập khẩu từ láng giềng, Trung Quốc vẫn đang "chật vật" trong việc đảm bảo nguồn điện. Trong tháng 9, Trung Quốc sản xuất được 675.000 GWh trong khi sản lượng điện nhập khẩu chỉ là 670 GWh.
Hou Yunhe, phó giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Điện và Điện tử tại Đại học Hong Kong, cho biết Trung Quốc từ trước tới nay vẫn áp dụng chiến lược không nhập khẩu lượng lớn điện vì lý do an ninh do quan ngại nếu quan hệ với láng giềng xấu đi, nguồn cung điện sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có mạng lưới sản xuất điện quy mô lớn.
Mặc dù vậy, Trung Quốc đang trải qua khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng vì ngành sản xuất của họ đang phục hồi sau đại dịch đẩy nhu cầu điện tăng cao.
Ngoài ra, chính sách hạn chế năng lượng phát thải của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà máy nhiệt điện cắt giảm công suất. Cùng với đó, giá than tăng phi mã cũng khiến các nhà máy nhiệt điện giảm sản lượng để tránh thua lỗ. Các yếu tố trên, kết hợp với việc khoảng 60% nền kinh tế Trung Quốc vận hành nhờ nhiệt điện, làm cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này thêm tồi tệ.
Tình trạng này đã bắt đầu tác động tiêu cực tới nền kinh tế và làm dấy lên lo ngại trước khi mùa đông cận kề, thời điểm nhu cầu dùng điện sưởi ấm sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo, việc Trung Quốc thiếu điện sản xuất sẽ ảnh hưởng mạnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế thế giới.