1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tăng cường các công cụ sức mạnh trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông

Gần đây Trung Quốc đã không ngừng đóng mới, hạ thủy nhiều loại tàu chấp pháp cỡ lớn. Điều này cho thấy Trung Quốc có thể đang thử nghiệm phương thức dùng lực lượng mạnh để gây áp lực với đối phương trong các tranh chấp biển, thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Nhằm tăng cường sức mạnh trên biển, thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, gần đây Trung Quốc đã không ngừng đóng mới, hạ thủy nhiều loại tàu chấp pháp cỡ lớn, bao gồm tàu hải giám, hải cảnh, hải tuần…, trong đó có hàng chục tàu có lượng giãn nước tới 4.000-5.000 tấn. Điều này cho thấy Trung Quốc có thể đang thử nghiệm phương thức dùng lực lượng mạnh để gây áp lực với đối phương trong các tranh chấp biển.

Giữa lúc căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông về vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc tiếp tục điều tàu hải cảnh cỡ lớn 5.000 tấn mang số hiệu 1401 xuống Biển Đông.

Theo Tân Hoa xã, tàu Hải cảnh 1401 là loại tàu đa chức năng, được lắp đặt nhiều thiết bị như vòi rồng, cần cẩu…, có thể đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ trên hải dương. Tàu có chiều dài 99m, chiều rộng 15,2m, mớn nước 5,6m, tốc độ 19,1 hải lý/giờ, hành trình liên tục 12.000 hải lý, khả năng tự cung tự cấp 45 ngày, thủy thủ đoàn 57 người. Tuy có cùng kích cỡ như các tàu hải cảnh 4.000 tấn khác, nhưng do được trang bị một số thiết bị đặc biệt nên tàu này có lượng giãn nước thực tế lên tới 5.196 tấn.

Trước đó, Trung Quốc đã hạ thủy và biên chế tàu chấp pháp lớp 4.000 tấn mới nhất do nước này tự đóng mới mang số hiệu “3402” cho Tổng đội Hải cảnh Nam Hải.  Hải cảnh 3402 là chiếc thứ 4 trong 4 tàu cùng lớp 4.000 tấn được Trung Quốc đóng mới. Chiếc đầu tiên mang số hiệu 3401 được hạ thủy và biên chế cho Tổng đội Hải cảnh Nam Hải hồi tháng 1/2014. Ngoài ra, còn có chiếc mang số hiệu 2401 được biên chế về cho Tổng đội Đông Hải. Tàu chấp pháp loại 4.000 tấn này có chiều dài 99m, rộng 15,2m, cao 7,6m, độ mớn nước 5,6m, lượng giãn nước 4.400 tấn, tốc độ 20 hải lý/h, hành trình liên tục 30 ngày đêm, được trang bị nhiều trang thiết bị chấp pháp tiên tiến. Tùy theo số lượng trang thiết bị đi kèm mà lượng giãn nước của nó có thể tăng lên tới hơn 5.000 tấn.

Các tàu hải cảnh lớp 4.000 tấn này có điểm đặc biệt là ở mặt boong phía mũi tàu, hiện đang để trống nhưng có thể lắp đặt thêm pháo hạm bất cứ lúc nào. Đây là điểm rất đáng chú ý, cho thấy ý đồ đằng sau việc đóng mới và hạ thuỷ hàng loạt tàu cực lớn của Trung Quốc, trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Cùng với tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, Trung Quốc còn đưa nhiều tàu cá vỏ sắt cỡ lớn tham gia vào cuộc chiến độc chiếm Biển Đông. Trong 10 mẫu tàu cá vỏ thép chuẩn, tàu lưới kéo 41,38 mét là mẫu tàu lớn nhất được Trung Quốc dành riêng để đánh bắt tại ngư trường Trường Sa.

Chương trình đóng tàu cá vỏ thép cỡ lớn được phát động từ năm 2011. Tới ngày 10/11/2012 có một hội nghị tiêu chuẩn hóa tàu cá toàn quốc họp tại Bắc Kinh, tập hợp các chuyên gia đóng tàu, qua khảo sát 22 loại tàu cá hoạt động các nghề khác nhau, đóng bằng nhiều vật liệu, các vùng miền khác nhau. Ngày 23/5/2013, tại Hội nghị công nghệ trang thiết bị tàu cá, Đăng kiểm tàu cá Trung Quốc công bố 10 loại tàu cá đã được tiêu chuẩn. Trong quá trình sử dụng, các chủ tàu càng thấy tàu này là lý tưởng thích hợp cho vùng đánh bắt Trường Sa. Như vậy, Trung Quốc đã mất rất nhiều năm để nghiên cứu, thiết kế, ứng dụng, rút kinh nghiệm trong việc chuyển tàu cá nhỏ bằng gỗ sang tàu vỏ sắt lớn hơn, nhiều công dụng hơn.

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn